Chiều ngày 6/3, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã nhận được thông tin sản phẩm Thực phẩm bổ sung SUPERGREENS GUMMIES với tên gọi là Kẹo rau củ Kera, sản phẩm do Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị em rọt quảng cáo "1 viên tương đương 1 đĩa rau". Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm...
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã nhận được thông tin trên một số website, facebook, Tiktok... đang quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bổ sung SUPERGREENS GUMMIES với tên gọi là Kẹo rau củ Kera, sản phẩm do Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị em rọt (địa chỉ: 144-146-148 Đường số 11, khu phố 5, Phường An Phú, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) công bố, sản phẩm được sản xuất tại Công ty Cổ phần ASIA LIFE (địa chỉ số 18/99 Nguyễn Văn Linh, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) có dấu hiệu vi phạm về quảng cáo thực phẩm, gây bức xúc dư luận.
Ngay sau khi nhận được thông tin nêu trên, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương kiểm tra hoạt động của Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị em rọt (nằm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh) về điều kiện sản xuất, công bố, quảng cáo của sản phẩm kẹo rau củ Kera và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật đồng thời công bố kết quả kiểm tra trên các phương tiện thông tin;
Đồng thời có công văn đề nghị Sở Y tế Đắk Lắk khẩn trương chỉ đạo kiểm tra Công ty Cổ phần ASIA LIFE (nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk) về việc tuân thủ các điều kiện trong quá trình sản xuất đối với sản phẩm kẹo rau củ Kera; việc sản xuất sản phẩm kẹo rau củ Kera trên các dây chuyền đã được cấp có đúng quy định hay không và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật đồng thời công bố kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Liên quan đến một số người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong xã hội quảng cáo sản phẩm kẹo rau củ Kera vi phạm quy định trên một số website, facebook, Tiktok... Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử & Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị phối hợp kiểm tra thông tin và xử lý các vi phạm để pháp luật được thực thi nghiêm minh, ngăn ngừa kịp thời các vi phạm quảng cáo thực phẩm.
Về sản phẩm kẹo rau củ Kera Vietnam do Hoa hậu Thùy Tiên và team "chị em rọt" Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs bán trong các livestream từ cuối năm 2024 đang nhận về nhiều sự chú ý từ dư luận về hàm lượng chất xơ có trong loại kẹo rau này có như quảng cáo.
Tại các phiên livestream bán hàng, Quang Linh Vlogs giới thiệu sản phẩm này dành cho những người "không ăn được rau và khẳng định "1 viên tương đương 1 đĩa rau". Tuy nhiên, nam vlogger bị nhiều người cho là quảng cáo lố, phóng đại công dụng sản phẩm.
Ngày 24/2, Quang Linh Vlogs xin lỗi về việc truyền tải thông tin chưa chính xác rằng “1 viên kẹo rau củ tương đương 1 đĩa rau”, gây hiểu nhầm cho khách hàng. Nam vlogger khẳng định sau khi nhận ra sai sót, anh đã sửa và không còn nhắc đến thông tin đó trong các phiên livestream tiếp theo.
Mới đây, người tiêu dùng đã gửi kẹo rau Kera đến Quatest - Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường - tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia để kiểm định. Kết quả "100g sản phẩm có 0,51g chất xơ tổng. Hộp kẹo này có 96g, nên kể cả khi ăn hết cả hộp sẽ có 0,5g chất xơ - tương đương với 1/6 quả chuối. Trong đó, một viên kẹo sẽ chứa 0,016g chất xơ".
Trả lời dư luận, fanpage Kera Vietnam chính thức đăng tải thông tin: "Liên quan đến một số thông tin về hàm lượng chất xơ trong sản phẩm Kẹo rau củ Kera, Kera Vietnam xin thông báo chi tiết về sản phẩm Kẹo rau củ Kera như sau: Theo bảng kiểm nghiệm đã đăng tải trong thông cáo báo chí vào ngày 24.2, hàm lượng chất xơ Inulin (một loại chất xơ hòa tan) trong kẹo rau của Kera là 186mg/viên.
Ngoài ra trong 100gr kẹo rau củ KERA có 0.935% chất xơ từ rau củ quả, theo thông tin cung cấp từ nhà máy ASIA LIFE - Nhà máy sản xuất kẹo Kera. Như vậy, tổng hàm lượng chất xơ từ bột rau củ và chất xơ Inulin (một loại chất xơ hòa tan) trong 1 viên kẹo rau củ Kera là hơn 200mg chất xơ. Ngoài ra, trong kẹo rau củ Kera còn có vitamin A, B6, B12, Maxicuma (40% curcumin). Thông tin này đã được Kera công bố trước đây".
Đối chiếu thông tin từ hai bên, kết quả kiểm định hàm lượng chất xơ trong 1 viên kẹo rau củ đơn vị bán sản phẩm cung cấp cao gấp 12,5 lần con số mà người tiêu dùng đưa ra khiến dư luận lại tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi về độ chính xác trong quảng cáo sản phẩm của nhãn hàng.
Theo tìm hiểu, kẹo Kera là sản phẩm của Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt (tên viết tắt Cer Group). Sản phẩm được ra mắt vào đầu tháng 12/2024, chỉ 1 tháng sau khi công ty thành lập.
Tra cứu thông tin từ hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cer Group được thành lập vào tháng 11/2024 với vốn điều lệ ban đầu là 5 tỷ đồng. Công ty này có đăng ký trụ sở tại TP Thủ Đức, TP HCM. Ông Lê Tuấn Linh người đại diện pháp luật. Ông Linh cũng là đại diện pháp luật của Công ty TNHH Hằng Du Mục Entertainment thường được cư dân mạng biết đến với vai trò quản lý của Hằng Du Mục.
Cer Group đăng ký kinh doanh ngành nghề chính là hoạt động sản xuất phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình. Ngoài ra, công ty còn đăng ký thêm các ngành nghề kinh doanh liên quan đến bán buôn tổng hợp, bán lẻ thực phẩm, bán buôn nông và lâm sản nguyên liệu,...
Về cơ cấu cổ đông sáng lập, Hằng Du Mục sở hữu 25% cổ phần (góp 1,25 tỷ đồng), Quang Linh Vlogs sở 13,67% vốn (góp 683 triệu đồng); Phạm Thị Nhật Lệ (chị Quang Linh) góp 13,66% và một số thành viên khác.
Đáng chú ý, chỉ 1 tháng sau khi thành lập, tháng 12/2024, Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt đã tăng vốn điều lệ lên thành 15 tỷ đồng.
Theo quy định của pháp luật, Căn cứ khoản 3 Điều 5 và khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021/NĐ-CP:
- Đối với cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng.
- Đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 120 triệu đồng đến 160 triệu đồng.
Ngoài ra, tại khoản 7 và điểm a, điểm c khoản 8 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với tổ chức, cá nhân vi phạm gồm những nội dung sau đây:
- Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 đến 07 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng đối với vi phạm nêu trên trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.
- Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nêu trên.
- Buộc cải chính thông tin đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nêu trên.
Căn cứ Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, quy định về việc xử phạt đối với người có hành vi quảng cáo sai sự thật như sau:
(i) Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
(ii) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri ngày 5/1 về việc nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật về chất lượng và công dụng sản phẩm, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định tình trạng diễn biến phức tạp trên không gian mạng và gây nhiều hệ lụy tiêu cực.
Các cá nhân thường lợi dụng sự nổi tiếng, được nhiều người quan tâm để quảng cáo phóng đại công dụng của thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh và mỹ phẩm, lừa dối người tiêu dùng về việc đã sử dụng sản phẩm; dùng uy tín cá nhân quảng cáo cho hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, dịch vụ tài chính, đầu tư, tiền ảo và tín dụng đen…
Hình thức quảng cáo phổ biến nhất là tự đăng tin bài, livestream bằng tài khoản mạng xã hội có đông người theo dõi.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ đẩy mạnh việc giám sát, xử lý nghiêm những nghệ sĩ, KOL quảng cáo sai sự thật, tập trung rà quét, phát hiện và xử lý các quảng cáo sai sự thật, tập trung trên Facebook, YouTube, TikTok.
Trách nhiệm xác thực thông tin quảng cáo và đảm bảo nội dung quảng cáo minh bạch, an toàn của người nổi tiếng, KOL cũng cần được bổ sung vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo.
© thitruongbiz.vn