Bộ Tài chính vừa quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) và 3 công ty con.
Bộ Tài chính sẽ thanh tra 'ông lớn' xi măng VICEM và 3 công ty con |
Theo quyết định 179 được Bộ Tài chính ban hành, thanh tra Bộ Tài chính sẽ thực hiện thanh tra tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) và 3 công ty con là: Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng, Công ty TNHH MTV Vicem Hà Tiên.
Nội dung thanh tra tập trung vào các vấn đề: Quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp; Hạch toán doanh thu, chi phí và báo cáo kết quả kinh doanh; Thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước; và việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính khác đối với doanh nghiệp.
Đoàn thanh tra gồm 12 thành viên do ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng thanh tra làm trưởng đoàn. Thời hạn thanh tra là 45 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra tại đơn vị.
Thời kỳ thanh tra được xác định là năm 2023 và những vấn đề có liên quan tới thời gian thanh tra.
Về tình hình kinh doanh của Vicem, trong 6 tháng đầu năm tổng công ty sản xuất được 7,63 triệu tấn clinker, bằng 45,1% kế hoạch năm 2024, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi sản lượng sản xuất xi măng đạt 9,77 triệu tấn, bằng 45,4% kế hoạch, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm nay của Vicem ước đạt 13.198 tỷ đồng, bằng 46,1% kế hoạch năm 2024 và giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của Vicem, năm 2023, doanh nghiệp này lỗ sau thuế lên đến 1.129 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi gần 642 tỷ đồng. Nguyên nhân cho khoản lỗ lớn của Vicem chủ yếu đến từ việc doanh thu đã giảm mạnh trong năm vừa rồi.
Nộp ngân sách nhà nước của tổng công ty đạt 547 tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm 2024 và giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đại diện doanh nghiệp, tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do sản lượng tiệu thụ xi măng cả nước giảm, một số dây chuyền sản xuất xi măng trên cả nước phải ngừng hoạt động vì thua lỗ.
Cùng cảnh kinh doanh kém khởi sắc, tại Vicem Hải Phòng, năm 2023, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng doanh thu giảm 16% so với năm 2022. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh lên đến 97,8%. Năm 2024, doanh nghiệp đặt kế hoạch 'đi lùi', lợi nhuận giảm sâu tới âm 79 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2024 của Vicem Hải Phòng đã ghi nhận âm khoảng 60 tỷ đồng', ông Triệu Đình Trường - Phó tổng giám đốc Xi măng Vicem Hải Phòng cho biết.
Đối với Vicem Tam Điệp, năm 2017 doanh thu đạt 1.207 tỷ đồng (giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận sau thuế TNDN âm 65,5 tỷ đồng, trong khi năm 2022 là 2 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2023, vốn đầu tư của chủ sở hữu là 1.132 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 1.126 tỷ đồng, theo đó, vốn chủ sở hữu chỉ còn 62 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 19 lần.
Như vậy, Vicem Tam Điệp đã mất gần hết vốn, mất an toàn về tài chính nghiêm trọng và không đảm bảo khả năng thanh toán nợ, hoạt động của công ty hoàn toàn phụ thuộc và các khoản vốn vay, chiếm dụng vốn từ khách hàng và hỗ trợ từ công ty mẹ.
Tại Vicem Hà Tiên, ghi nhận doanh thu hơn 7.054 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 17 tỷ đồng trong năm 2023. Đáng chú ý, 3 tháng đầu năm 2024, Vicem Hà Tiên ghi nhận lợi nhuận sau thuế là âm 24,6 tỷ đồng.
Tổng Công ty Xi măng Việt Nam là doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng. Vicem quản lý 10 nhà máy trên cả nước với 16 dây chuyền sản xuất, công suất 20 triệu tấn clinker và 27 triệu tấn xi măng mỗi năm. Hệ sinh thái nổi tiếng với các thương hiệu xi măng Hà Tiên, Hải Phòng, Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hoàng Mai... |
URL: https://thitruongbiz.vn/bo-tai-chinh-se-thanh-tra-ong-lon-xi-mang-vicem-va-3-cong-ty-con-d15773.html
© thitruongbiz.vn