Ngày 5/5, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công thương sẽ tổ chức tham vấn điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan bằng hình thức trực tuyến.
Do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 541/CĐ-TTg ngày 23/4/2021 về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19, với mục tiêu bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch, Bộ Công thương đã quyết định thay đổi phương thức tổ chức tham vấn từ hình thức công khai sang trực tuyến. Theo đó, thời gian tổ chức tham vấn điều tra sẽ được tổ chức từ lúc 9h00-12h00 ngày 12/5/ 2021.
Thành phần đăng ký tham gia gồm các bên liên quan theo quy định tại Điều 74 Luật Quản lý ngoại thương. Tiếng nói và chữ viết dùng trong buổi tham vấn là tiếng Việt. Các Bên liên quan có quyền dùng tiếng nói và chữ viết khác, tuy nhiên phải có phiên dịch từ ngôn ngữ đó sang tiếng Việt. Các thông tin, tài liệu không phải bằng tiếng Việt do các Bên liên quan cung cấp phải được dịch ra tiếng Việt. Các Bên liên quan phải đảm bảo tính trung thực, chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung được dịch thuật.
Bộ Công thương điều chỉnh hình thức tổ chức tham vấn điều tra việc bán phá giá đường mía xuất xứ Thái Lan |
Theo quy định, Phiên tham vấn công khai được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các bên liên quan theo luật định trình bày thông tin và ý kiến liên quan đến vụ việc điều tra. Các bên khác có ý kiến về vụ việc có thể gửi ý kiến bằng văn bản trực tiếp tới Cơ quan điều tra trước và sau phiên tham vấn, Cơ quan điều tra sẽ phản hồi, tổng hợp trong báo cáo kết luận điều tra cuối cùng của vụ việc.
Trước đó, ngày 12/4, Cơ quan điều tra đã ban hành Thông báo số 09/TB-PVTM về việc tổ chức tham vấn trong vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan theo quy định tại Điều 70 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và Điều 13 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP.
Tháng 2/2021, Bộ Công thương đã ra quyết định áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với đường thô xuất xứ Thái Lan với mức thuế 33,88%.
Sau một thời gian áp thuế tự vệ tạm thời với sản phẩm đường mía nhập khẩu Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô ở mức 33,88% từ giữa tháng 2/2021 bước đầu đã phát huy tác dụng với thị trường đường trong nước, Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các doanh nghiệp đề nghị Bộ Công thương cần sớm áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức để tâng được giá thu mua mía, người nông dân có thu nhập tốt để tiếp tục đầu tư phát triển cho cây mía, đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy đường hoạt động.
Bộ Công thương đã từng khởi xướng cuộc điều tra chống trợ cấp, chống bán phá giá này theo yêu cầu của các đại diện ngành sản xuất trong nước từ tháng 9/2020. Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN(ATIGA) từ 1/1/2020, thuế suất nhập khẩu mặt hàng đường vào Việt Nam giảm bình quân từ 85% xuống 5%, đã khiến đường mía nhập khẩu với giá rẻ vào Việt Nam vọt lên 1,5 triệu tấn. Đây là nguyên nhân khiến ngành mía đường trong nước chịu thiệt hại nặng nề. Một loạt nhà máy đã phải đóng cửa, tác động nghiêm trọng đến việc làm của người lao động. Theo tính toán, có 3.300 người bị mất việc, 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất nội địa. Theo thống kê Tổng cục Hải quan, giai đoạn 2017-2019, đường nhập khẩu vào Việt Nam đạt 200.000 - 400.000 tấn/năm, gồm đường thô, đường tinh luyện và đường lỏng. |
© thitruongbiz.vn