BIDV đã bán 123,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 100% tổng số cổ phiếu chào bán, cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp với mức giá được xác định là 38.800 đồng/cp. Tổng thu ròng mà BIDV thu được từ đợt chào bán là 4.752 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Đầu tư Và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã chứng khoán BID) vừa báo cáo kết quả đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Cụ thể, ngân hàng này đã bán 123,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 100% tổng số cổ phiếu chào bán, cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp với mức giá được xác định là 38.800 đồng/cp.
Trong đó, 38,6 triệu cổ phiếu được phân phối cho nhà đầu tư trong nước và gần 85,2 triệu cổ phiếu được phân phối cho nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Tổng số tiền mà BIDV thu được từ đợt chào bán là 4.805 tỷ đồng. Tổng chi phí là 53 tỷ đồng. Như vậy, tổng thu ròng từ đợt chào bán này của BIDV là 4.752 tỷ đồng.
Có 5 tổ chức tham gia mua cổ phiếu của BIDV trong đợt phát hành này, trong đó có 4 nhà đầu tư nước ngoài và 1 nhà đầu tư trong nước.
Trong đó, Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) mua khối lượng lớn nhất với gần 59 triệu cp, chiếm 47,7% tổng lượng chào bán; Hanoi Investments Holdings Limited (Hanoi) mua 15,7 triệu cp; DC Developing Markets Strategies Public Limited Company là 8,5 triệu cp; Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (SSMIT) mua hơn 1,9 triệu cp.
Nhà đầu tư trong nước là Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua 38,7 triệu cp.
Sau khi hoàn thành đợt chào bán, vốn điều lệ của BIDV tăng từ 68.975 tỷ đồng lên 70.213 tỷ đồng. Hiện vốn điều lệ của BIDV đứng thứ 3 hệ thống, sau VPBank (79.339 tỷ đồng) và Techcombank (70.648 tỷ đồng).
Kết thúc năm 2024, BIDV đạt 30.006 tỷ đồng (tương đương hơn 1,1 tỷ USD) lợi nhuận trước thuế, tăng 12,4%. Các chỉ tiêu sinh lời, chỉ tiêu an toàn hoạt động được đảm bảo: tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) đạt 1,02%; tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 19,09%, hệ số an toàn vốn (CAR) đạt 8,6%.
Tổng tài sản khối ngân hàng thương mại đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 100 tỷ USD), tăng trưởng 19,4%, duy trì vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam; tổng nguồn vốn huy động đạt 2,14 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 13,1%; tổng dư nợ tín dụng đạt trên 2,01 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 15,3%; thị phần tín dụng đứng đầu thị trường, đạt 13,1%.
Số dư nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) của BIDV tính hết cuối quý IV tăng 29,8%, lên mức 29.036 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,26% hồi đầu năm lên 1,41%. Trong đó, số dư nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 52% so với hồi đầu năm từ 13.025 tỷ lên hơn 19.801 tỷ đồng.
BIDV dự kiến tổ chức đại hội đồng cổ đông vào ngày 4/4 tới. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự họp đại hội là ngày 10/3.
© thitruongbiz.vn