Chiều 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) Việt Nam năm 2025 với chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm".
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chuyển đổi xanh là một hành trình tất yếu, là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược, là ưu tiên hàng đầu để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững. Quá trình này đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu, hợp tác nhiều bên, hợp tác bao trùm, toàn diện giữa Chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng và mọi người dân để bảo đảm phát triển bao trùm, công bằng, không ai bị bỏ lại phía sau.
Hội nghị năm nay, trên cơ sở đóng góp của tất cả các thành viên P4G và các đối tác, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm và Tuyên bố P4G về tăng cường hợp tác và phối hợp giữa P4G và các tổ chức, cơ chế quốc tế về tăng trưởng xanh.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh 5 kết quả đồng thuận mà Hội nghị đã đạt được:
- Thứ nhất, đồng thuận về huy động tài chính thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, các mô hình hợp tác công - tư và các chính sách tài chính sáng tạo.
- Thứ hai, đồng thuận về khuyến khích nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ xanh, đầu tư nhiều hơn cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đặc biệt là hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn lực và hỗ trợ cần thiết.
- Thứ ba, đồng thuận về chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực bền vững, vừa đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng, vừa đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
- Thứ tư, đồng thuận về phát triển và đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện để mọi cá nhân có quyền tiếp cận giáo dục đầy đủ, mở rộng cơ hội việc làm và giảm bất bình đẳng xã hội.
- Thứ năm, đồng thuận về chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững, thân thiện với môi trường; tăng cường hợp tác trong phát triển và chia sẻ công nghệ, cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các dự án năng lượng tái tạo, xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ việc chuyển đổi năng lượng, đồng thời khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này.
Tổng hoà của 5 đồng thuận trên cho thấy sự đồng thuận của các quốc gia về tư duy, nhận thức, chia sẻ trách nhiệm chung, đoàn kết, đề cao hợp tác đa phương để cùng hành động, cùng chiến thắng.
Trong các cuộc tiếp, hội kiến giữa Chủ tịch nước Lương Cường và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali nhân dịp Hội nghị P4G, Thủ tướng Ethiopia đã bày tỏ mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực bền vững cho Ethiopia.
Cụ thể, Thủ tướng Abiy Ahmed Ali thông tin với Chủ tịch nước về thành tựu kinh tế - xã hội của Ethiopia và nhấn mạnh chuyến thăm lần này nhằm khẳng định quyết tâm của Nhà nước và Chính phủ Ethiopia trong việc củng cố và phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao trên tất cả các kênh và triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương. Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị các cơ quan liên quan của hai nước tích cực đàm phán để sớm ký kết các văn kiện, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho hợp tác song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực có tiềm năng như nông nghiệp, khai khoáng, điện tử, viễn thông, chuyển đổi số.
Thủ tướng Ethiopia đánh giá rất cao thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp và bày tỏ mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Ethiopia trong lĩnh vực này, góp phần bảo đảm an ninh lương thực bền vững cho Ethiopia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Sang-Hyup Kim, Tổng Giám đốc Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh
Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Tổng Giám đốc GGGI dự Hội nghị thượng đỉnh P4G, cũng như sự đồng hành và đóng góp của GGGI cho các nỗ lực xanh, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững của toàn cầu và P4G.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực và sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, coi đây là những động lực quan trọng để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Thủ tướng cảm ơn những đóng góp cụ thể và mối quan hệ hợp tác tích cực giữa GGGI với các bộ, ngành, địa phương Việt Nam, đặc biệt là huy động tài chính cho các dự án xanh tại Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị GGGI tiếp tục có các sáng kiến hợp tác chặt chẽ, thiết thực và cụ thể, hiệu quả hơn nữa với Việt Nam; đặc biệt là tư vấn, tham vấn chính sách, xây dựng hệ thống pháp luật, hỗ trợ huy động nguồn vốn xanh, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, xây dựng hệ sinh thái xanh với xã hội xanh, con người xanh, các hoạt động xanh… để thúc đẩy tăng trưởng xanh, toàn diện, bền vững, bao trùm, đóng góp trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
Thủ tướng cũng đề nghị GGGI tài trợ cho cả khu vực công và cho hợp tác công tư, đẩy mạnh kết nối với các tổ chức tín dụng, các định chế tài chính để cung cấp nguồn vốn cho tăng trưởng xanh tại Việt Nam; cũng như tư vấn trong xây dựng, triển khai các dự án xanh cả về điều kiện, tiêu chuẩn và cách tổ chức thực hiện để giải ngân nhanh chóng, sử dụng hiệu quả nguồn vốn 1 tỷ USD.
Về phần mình, Tổng Giám đốc GGGI Sang-Hyup Kim đánh giá cao Việt Nam trong vai trò thành viên sáng lập và là một trong những thành viên mạnh mẽ nhất của GGGI; nhấn mạnh Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành thành viên chủ chốt, cốt lõi của GGGI và GGGI mong muốn có mối quan hệ đối tác ngày càng mạnh mẽ hơn với Việt Nam.
Cho biết GGGI đã hỗ trợ huy động hơn 300 triệu USD cho đầu tư xanh tại Việt Nam và hướng tới con số 1 tỷ USD vào năm 2028, ông Sang-Hyup Kim cho rằng dư địa hợp tác giữa hai bên còn rất lớn, đặc biệt là kết nối các tổ chức tài chính để huy động tài chính xanh, phát hành trái phiếu xanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, xây dựng trung tâm về đổi mới sáng tạo hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam, hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC)…
Cũng tại cuộc gặp, Tổng Giám đốc GGGI đã đề xuất và được Thủ tướng nhất trí về định hướng ký kết thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và GGGI.
Bộ trưởng Biến đổi khí hậu và Môi trường UAE Amna bint Abdullah Al Dahak khẳng định với vai trò Chủ tịch COP 28 năm 2023, UAE quan tâm và dành nhiều ưu tiên cho ứng phó chống biến đổi khí hậu và mong muốn hợp tác hơn nữa với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Khẳng định UAE coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam, Bộ trưởng cho biết các bộ, ngành UAE đang phối hợp rất chặt chẽ với phía Việt Nam để bảo đảm triển khai cụ thể các cam kết cấp cao trong các lĩnh vực ưu tiên; bày tỏ phía UAE sẵn sàng đón tiếp các đoàn cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam thăm UAE để trao đổi về các dự án hợp tác về năng lượng, an ninh lương thực, giáo dục, đào tạo…
Bộ trưởng cho biết, để tiếp tục thắt chặt và đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn, nhất là các đoàn cấp cao; tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, tổ chức quốc tế, thúc đẩy đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ đầu tư, miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao, công vụ… nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hợp tác song phương.
Kể từ lần đầu tiên được tổ chức tại Copenhagen vào năm 2018, Hội nghị Thượng đỉnh P4G đã khẳng định vị thế là một trong những diễn đàn hàng đầu thế giới về tăng cường hợp tác công – tư, kết nối chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức xã hội nhằm tìm kiếm các giải pháp đột phá cho tăng trưởng xanh, góp phần hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc.
Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị P4G lần thứ tư thể hiện nỗ lực đóng góp vào tiến trình toàn cầu thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; đồng thời đẩy nhanh thực hiện các cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải và chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững. Hội nghị đã diễn ra trong hai ngày 16 – 17/4/2025, quy tụ hơn 1.000 đại biểu đến từ 46 quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó có Thủ tướng Lào, Thủ tướng Ethiopia, Phó Thủ tướng Campuchia, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, cùng nhiều bộ trưởng, lãnh đạo tổ chức quốc tế, học giả, chuyên gia và doanh nghiệp toàn cầu.
© thitruongbiz.vn