Trong quý III/2024, do phải tăng chi phí dự phòng bồi thường sau khi cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam, khiến lợi nhuận Bảo hiểm Bảo Minh giảm sút. Bảo Minh đã triệu tập ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 để trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh mới.
Tổng CTCP Bảo Minh (HoSE: mã chứng khoán BMI) vừa quyết định triệu tập ĐHĐCĐ bất thường năm 2024, diễn ra vào ngày 27/12 và chốt danh sách cổ đông vào ngày 28/11. Tại cuộc họp này, công ty sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh mới với lợi nhuận trước thuế 268 tỷ đồng, ROE 7% và tỷ lệ cổ tức 7%.
Bảo hiểm Bảo Minh dự kiến tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường tại Hội trường Lầu 5 Trụ sở chính công ty, số 26 Tôn Thất Đạm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức ngày 24/4/2024, Bảo Minh đã thông qua kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu tăng 2,56% so với cùng kỳ, đạt 6.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến 377 tỷ đồng, ROE và tỷ lệ cổ tức đều tối thiểu 10%.
Trong quý III/2024, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Bảo Minh đạt 1.284 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm tăng gần 12%, lên 1.304 tỷ đồng, khiến công ty lỗ gộp 19,1 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động tài chính cũng giảm mạnh, từ 149 tỷ đồng quý III/2023 xuống còn 102 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 40 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bảo Minh, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm sút trong quý III là do chi phí dự phòng bồi thường tăng đột biến, xuất phát từ thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra cho nhiều khách hàng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Bảo Minh đạt 3.837 tỷ đồng, tăng 10,45% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận gộp tăng từ 160,5 tỷ đồng lên 180 tỷ đồng, nhưng doanh thu tài chính giảm 20%, chỉ còn 277 tỷ đồng, trong khi chi phí vẫn duy trì ở mức cao. Điều này khiến lợi nhuận trước thuế của công ty giảm 22,6%, xuống còn 219 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 30/9/2024, Bảo Minh ghi nhận quy mô tài sản gần 8.100 tỷ đồng, tăng 15,7% so với thời điểm đầu năm và chủ yếu phân bổ vào tài sản ngắn hạn. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và tiền, tương đương tiền chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản đạt 3.673 tỷ đồng (tăng 5% so với đầu năm), khoản mục tài sản tái bảo hiểm tăng mạnh 77%, đạt 1.965 tỷ đồng.
Ở phía tài sản dài hạn, khoản đầu tư tài chính dài hạn đã tăng 72%, đạt 447 tỷ đồng chủ yếu do tăng đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả đã tăng gần 1000 tỷ đồng (tương ứng 22,6%) và đạt 5,345 tỷ đồng, tập trung tăng nhiều nhất ở dự phòng nghiệp vụ (tăng hơn 1.100 tỷ đồng), dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm (tăng 83 tỷ đồng) và dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái (tăng 1.020 tỷ đồng).
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu (chiếm 34% trong cơ cấu nguồn vốn) cũng ghi nhận mức tăng nhẹ 4,2% chủ yếu đến từ lợi nhuận sau thuế để lại.
© thitruongbiz.vn