Bản tin bất động sản 4/8 đáng chú ý với thông tin Hiệp hội Bất động sản TP HCM đề nghị bỏ quy định nộp bằng tiền đối với quỹ đất 20% và sắp ra mắt dự án nghỉ dưỡng Novaworld Da Lat tại Lâm Đồng có giá từ 33-115 tỷ đồng/căn...
Hiệp hội Bất động sản TP HCM vừa gửi văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị 14 giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Theo đó, Hiệp hội đề nghị sửa Luật Nhà ở quy định quy hoạch khu vực riêng để phát triển nhà ở xã hội và “nhà ở giá phù hợp với thu nhập” của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị với đầy đủ tiện ích, dịch vụ và kết nối giao thông thuận tiện, tương tự như thực tiễn của nhiều nước đã thực hiện.
Do ngân sách nhà nước có hạn nên nguồn vốn ngân sách, nhà nước chỉ nên tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê. Đối với nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua thì xã hội hóa để doanh nghiệp tư nhân thực hiện và có chính sách ưu đãi thực chất để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhà ở xã hội chỉ để cho thuê.
Để bổ sung quỹ đất, Hiệp hội đề nghị bỏ quy định nộp bằng tiền đối với quỹ đất 20%. Ngoài ra, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại không phân biệt quy mô diện tích được lựa chọn, hoặc xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% trong dự án; hoặc được hoán đổi quỹ đất 20% nhà ở xã hội của dự án nhà ở thương mại bằng quỹ đất ở hoặc quỹ nhà ở tại vị trí khác theo nguyên tắc đảm bảo giá trị tương đương.
Đề xuất bỏ quy định nộp bằng tiền đối với quỹ đất 20% để giữ đất làm nhà ở xã hội. Ảnh: Báo Lao Động |
Hiệp hội kiến nghị bổ sung chính sách ưu đãi để phát triển “nhà ở giá phù hợp thu nhập” của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị với mức ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng bằng khoảng phân nửa (1/2) mức ưu đãi dành cho nhà ở xã hội.
Để tạo nguồn vốn, Hiệp hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh gói 15.000 tỷ đồng, trước hết là hỗ trợ 2 tháng tiền thuê nhà cho công nhân lao động. Nhưng một phần của gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng sẽ có thể bị “ế” do thiếu dự án nhà ở xã hội dẫn đến thiếu sản phẩm nhà ở xã hội, nên Hiệp hội đề nghị bổ sung đối tượng chủ nhà trọ cũng được vay ưu đãi để đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp nhà trọ, phòng trọ cho công nhân lao động thuê.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank được phép cho cá nhân, hộ gia đình vay mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Để được giảm 2% lãi suất vay theo gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng, Hiệp hội đề nghị các địa phương tập trung tháo gỡ thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội và thực hiện đấu thầu các khu đất công được quy hoạch làm nhà ở xã hội để có nhiều hơn các dự án nhà ở xã hội được phê duyệt để sớm triển khai thực hiện.
Ngoài ra, đề nghị Bộ Xây dựng quy định tiêu chuẩn thiết kế phòng trọ để tăng cường chức năng quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng công trình nhà trọ, phòng trọ tạo điều kiện cho công nhân lao động có chỗ ở tốt hơn, an toàn và nhiều tiện ích hơn.
Đồng thời, Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét cho phép doanh nghiệp được đầu tư dự án khu nhà trọ cho thuê.
UBND TP Hải Phòng vừa có thông báo về việc dừng vĩnh viễn dự án đường Lạch Tray - Hồ Đông và dự án xây tuyến đường trục chính có mặt cắt ngang 100m Lạch Tray - Hồ Đông.
Theo đó, về dự án tuyến đường trục chính có mặt cắt ngang rộng 100m Lạch Tray - Hồ Đông và dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Lạch Tray thì thành phố hủy bỏ Quy hoạch chi tiết 1/1000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị mới Lạch Tray - Hồ Đông và điều chỉnh cục bộ quy hoạch tỷ lệ 1/2000 các quận Hải An, Ngô Quyền trong phạm vi dự án khu đô thị mới Lạch Tray - Hồ Đông theo hướng giữ nguyên các khu dân cư hiện trạng có mật độ cao.
Ngoài ra, dừng thực hiện vĩnh viễn dự án Khu đô thị Lạch Tray - Hồ Đông; dừng dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục chính có mặt cắt ngang 100m Lạch Tray - Hồ Đông và đầu tư dự án mới thay thế cho dự án cũ theo hướng giảm quy mô mặt cắt tuyến đường; xem xét, tính toán hoàn trả số tiền Công ty TNHH MTV Thương mại đầu tư Phát triển đô thị đã đầu tư.
Dự án đường Lạch Tray - Hồ Đông được UBND TP Hải Phòng phê duyệt tại Quyết định số 1822/QĐ - UBND ngày 25/9/2007, do Công ty TNHH MTV Thương mại đầu tư Phát triển đô thị (Công ty TMĐT phát triển đô thị) làm chủ đầu tư.
Quy mô xây dựng đường trục chính có mặt cắt 100m. Điểm đầu từ đường Đông Khê 2 đến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo quy hoạch là đường đô thị cấp 2, tổng chiều dài 5.761m và các công trình trên tuyến, gồm: Xây dựng khu tái định cư phường Nam Hải, gồm 33 nhà chung cư cao 5-11 tầng, 2.552 căn hộ khép kín; Xây dựng khu tái định cư phường Đằng Hải, gồm 248 lô đất xây dựng nhà liền kề hợp khối và 19 nhà cung cư cao 9-11 tầng, 2.458 căn hộ khép kín.
Dự án này có tổng mức đầu tư 4.384,565 tỷ đồng, diện tích sử dụng 107,18ha đất, gồm tuyến đường trục chính 60,64ha, 2 khu tái định cư 46,54ha, thời gian thực hiện dự án từ 2008-2018.
Dừng vĩnh viễn dự án đường Lạch Tray - Hồ Đông sau 14 năm ì ạch. Ảnh: An ninh Thủ đô |
Theo báo cáo của Công ty TMĐT phát triển đô thị, dự án này đã thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng được 23,39ha đất của tuyến đường và 17,75ha đất của khu tái định cư.
Tuyến đường trục đã thi công đến lớp bên tông nhựa thô khoảng 942m trên địa bàn quận Hải An và khoảng 135m trên địa bàn quận Ngô Quyền. Khu tái định cư phường Nam Hải đã đầu tư hoàn thành khu đất ở chia lô, còn khoảng 2ha chưa thu hồi GPMB phục vụ thi công khu chung cư cao tầng.
Chi phí đến bù, GPMB và tổng giá trị công việc đã thực hiện khoảng hơn 300 tỷ đồng, đạt khoảng 6,5% tổng mức đầu tư.
Như vậy, sau 14 năm triển khai xây dựng, dự án này đã không đạt được mục tiêu và hiệu quả đầu tư. Nếu tiếp tục triển khai dự án với quy mô mặt cắt 100m, thì tổng mức đầu tư dự kiến tăng 8.100 tỷ đồng (tăng 1,85 lần).
Mặt khác, chủ đầu tư thực hiện dự án là Công ty TMĐT Phát triển đô thị, hiện nay đang trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, nên không thuộc đối tượng được giao nhiệm vụ chủ đầu tư theo quy định của Luật Xây dựng và Luật Đầu tư công. Dự án đã quá thời gian thực hiện được phê duyệt 4 năm.
Vì vậy, Thường trực Thành ủy và UBND TP Hải Phòng đã có các thông báo cho các ngành, trong đó có Sở KH-ĐT TP Hải Phòng nghiên cứu, đề xuất trình tự, thủ tục dừng thực hiện dự án đường Lạch Tray - Hồ Đông và nghiên cứu đề xuất việc tiếp tục triển khai xây dựng tuyến đường có mặt cắt nhỏ hơn (35m).
Chia sẻ tại hội thảo Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới diễn ra ngày 3/8 tại Quảng Nam, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu thực trạng: Dù là quốc gia có đường bờ biển dài từ Bắc xuống Nam với hàng nghìn đảo và hệ sinh thái đa dạng nhưng chúng ta chỉ có 10 đô thị biển. Chúng ta đã bám biển và hình thành được rất nhiều đô thị biển có kết quả tốt về tốc độ phát triển chung kinh tế - xã hội. Điển hình như đô thị biển Quảng Ninh, đô thị biển Hải Phòng.
“Các đô thị biển của Việt Nam chỉ mới phát triển tập trung ở dải ven biển như: TP Hạ Long, Hải Phòng, Sầm Sơn, Vinh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu... Các đô thị biển này đang được nhìn nhận có hình thái như đô thị đồng bằng, chưa thể hiện rõ tư duy đô thị biển là hạt nhân trung tâm thúc đẩy các ngành kinh tế biển phát triển”, ông Chính nói.
Theo KTS Trần Ngọc Chính, đã nói đến đô thị thì phải nói đến công nghiệp, không có công nghiệp thì không có đô thị. Đô thị biển cũng phải có công nghiệp, có việc làm thì mới có điều kiện để phát triển bền vững thị trường bất động sản. Tương lai, ông hy vọng có sự kết nối giữa các khu vực biển miền Trung để hình thành chuỗi đô thị biển gắn với phát triển kinh tế công nghiệp, gắn với các cảng biển.
“Sự kết nối giữa kinh tế biển và chuỗi đô thị biển sẽ thúc đẩy sự hình thành các cực kinh tế mũi nhọn của mỗi quốc gia trong xu hướng tiến biển để phát triển lãnh thổ và bảo đảm an ninh quốc phòng”, ông Chính nhấn mạnh.
Đề cập đến bất cập trong quy hoạch đô thị ven biển, ông Chính cho rằng, hiện nay, phần lớn các đô thị có biển, không gian dải ven biển luôn được ưu tiên quy hoạch cho mục đích phát triển các công trình dịch vụ du lịch. Dù mang lại hiệu quả kinh tế nhưng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển đô thị bền vững, bởi các công trình này đã chiếm gần như toàn bộ mặt tiền hướng ra biển, thiếu thân thiện với tự nhiên và môi trường.
Hệ thống cây xanh chống gió cát và bảo vệ đô thị trước gió bão bị đốn hạ, không gian nghề biển của cộng đồng bị thu hẹp, thậm chí mất đi ở hầu hết các đô thị du lịch biển.
Để giải bài toán này, ông Chính nêu ra một số giải pháp để quy hoạch đô thị ven biển phát triển bền vững. Cụ thể, để tăng cường công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng và đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững quỹ đất ven biển, ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, theo ông Chính cần thực hiện một số giải pháp sau: Các loại đất ven biển đều phải thực hiện theo quy hoạch và tất cả các chính sách của Nhà nước liên quan cũng phải được xem xét đưa vào quy hoạch.
Theo PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, biển nước ta là một bộ phận của Biển Đông - nơi được xem là “ngã ba đường” của thế giới, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng. Biển cùng với các hệ thống đảo trở thành phên dậu bảo vệ chủ quyền toàn vẹn đất nước từ phía biển. Cho nên lợi thế biển và lợi thế đất liền không bao giờ tách rời.
Ông Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho hay, những lợi ích từ biển là không thể chối cãi khi là nguồn sinh kế của gần 1/2 dân số thế giới trên một diện tích chỉ chiếm 4% diện tích đất đai toàn cầu.
“Rất nhiều khu vực ban đầu chỉ là những làng chài nhỏ ven biển, sau vài thập kỷ đã trở thành các đô thị hiện đại, cá biệt trở thành các siêu đô thị, có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, để phát triển kinh tế biển một cách bền vững chúng ta cần sớm đưa khái niệm về đô thị biển vào trong quy định của pháp luật như là định nghĩa về đô thị đặc thù. Để từ đó hình thành mô hình phát triển đô thị biển bền vững trên cơ sở phân tích đánh giá các điều kiện tự nhiên, xã hội, quá trình phát triển của các đô thị ven biển hiện nay (kể cả mặt tốt và mặt chưa tốt) trong nước và quốc tế.
Xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cho đô thị biển trong phân loại đô thị tạo thuận lợi cho việc xác định vị trí, vai trò chức năng của đô thị biển, nhất là các đô thị biển được xác định trở thành đô thị động lực.
Novaworld Da Lat (còn được gọi là khu du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí Novaworld Da Lat) có vị trí nằm tại hồ Đạ Ròn, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Vị trí này được ví như “hòn đảo chứa vàng”, bởi đây hội tụ rất nhiều yếu tố tạo nên một khu đô thị phồn thịnh.
Ngoài ra, dự án Novaworld Da Lat dễ dàng tiếp cận với các công trình giao thông huyết mạch của khu vực như Quốc lộ 56, Quốc lộ 51, Quốc lộ 55, đây đều là những tuyến đường chính giúp di chuyển dễ dàng sang các khu vực lân cận.
Dự án Novaworld Da Lat được triển khai trên khu đất có tổng diện tích lên đến 650ha và 183ha diện tích mặt hồ, mật độ xây dựng 5%. Dự án được chia thành 4 phân khu chính dựa trên chủ đề Xuân – Hạ - Thu – Đông.
Dự án được chia làm 10 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 phát triển trên diện tích 100ha gồm việc kết hợp khai thác thể mạnh của thiên nhiên cùng địa thế rừng thông và biển liền kề cùng với các tiện ích khác.
Novaworld Da Lat dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 1.600 sản phẩm với loại hình đa dạng nghỉ dưỡng, nhà phố, nhà phố thương mại, căn hộ, khách sạn với diện tích từ 200 – 2.000m2.
Novaworld Da Lat dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 1.600 sản phẩm với loại hình đa dạng nghỉ dưỡng, nhà phố, nhà phố thương mại... |
Giai đoạn 1 cung cấp khoảng 240 dinh thự gồm 85 căn Villas có diện tích 15m x 40m; 14 căn Big Villas có diện tích 20m x 50m; 25 căn Mansion có diện tích 40m x 50m.
Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Novaworld Da Lat sở hữu chuỗi tiện ích nội khu gồm: khu công viên chủ đề, sân golf, vườn thú safari, bể bơi nước mặn, bể bơi thác nước, phố ẩm thực, vườn nướng BBQ, khu thể dục thể thao, khu vui chơi trẻ em, khu thương mại – dịch vụ, khu vực tập gym – yoga- spa, hệ thống an ninh khu vực,…
Từ dự án Novaworld Da Lat có thể dễ dàng di chuyển đến các khu vực lân cận, chẳng hạn di chuyển đến UBND xã Đạ Ròn 2,2km; cách chợ Thạch Mỹ 6,6km; đến Chi cục Thuế huyện Đơn Dương 6,2km; cách Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương 7,1km; cách Trường THCS thị trấn Thạnh Mỹ 7,0km; di chuyển đến Sân bay Liên Khương khoảng 12,8km;…
Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Novaworld Da Lat được phát triển bởi đơn vị Novaland.
Dự án được phân phối bởi Công ty TNHH HDPRO Land.
Novaworld Da Lat chính thức khởi công vào năm 2021, tính đến hết quý I.2022 Novaworld Da Lat cơ bản đã hoàn thành việc giải phóng, san lấp mặt bằng và tiến hành thi công phần móng các hạng mục nhà ở, dự án dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2025.
Hiện nay, dự án đang được chủ đầu tư đưa ra nhiều mức giá, chính sách bán hàng và ưu đãi dành cho mọi khách hàng, nhà đầu tư. Các sản phẩm của dự án có mức giá 33 tỷ đồng/căn đối với dinh thự, 55 tỷ/căn đối với big Villas, 115 tỷ/căn đối với Mansion.
© thitruongbiz.vn