Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ viễn thông tạo ra nhiều thách thức trong lĩnh vực an ninh mạng. Thực tế này đòi hỏi Việt Nam sớm hoàn thiện thể chế, chính sách, đáp ứng kịp thời các yêu cầu trong tình hình mới.
Sau 28 năm chính thức kết nối Internet, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ viễn thông, Internet đã tạo ra thời cơ mới để Việt Nam nhanh chóng đón bắt, tranh thủ các thành tựu khoa học công nghệ đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Việt Nam đã và đang xây dựng và triển khai hiệu quả nhiều Chương trình, Kế hoạch quốc gia về phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, nổi bật là Chương trình quốc gia về Công nghệ thông tin; Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin và truyền thông đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình Chuyển đổi số quốc gia năm 2020.
Chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin phát triển kinh tế số - xã hội số, bảo đảm an ninh mạng được hoàn thiện. Trong đó, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cho thấy một tư duy, tầm nhìn mới, định hướng đưa đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới.
Tại hội thảo có chủ đề "An ninh mạng trong giai đoạn mới - Hợp lực bảo vệ không gian số" do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức mới đây, ông Nguyễn Bá Sơn, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) cho biết: Bên cạnh những mặt tích cực, không gian mạng còn đặt ra những nguy cơ, thách thức đối với công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: “An ninh mạng ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta”.
Hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng của các nhóm tin tặc, lộ mất thông tin, dữ liệu cá nhân diễn ra ngày càng nguy hiểm. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền phá hoại tư tưởng, chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng. Tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra ngày càng phức tạp, với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Trước thực tiễn yêu cầu công tác đặt ra đối với công tác bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng, nhằm thống nhất, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin mạng.
Cập nhật thông tin về công tác quản lý nhà nước lĩnh vực an ninh mạng, sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng từ Bộ TT&TT (nay là Bộ KH&CN), ông Nguyễn Bá Sơn cho biết Cục A05 đã khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT để tiếp nhận các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng và các thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Cụ thể, Cục A05 đã tiến hành rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng và an toàn thông tin để đề xuất sửa đổi, hợp nhất, tạo hành lang thông thoáng, không gian phát triển cho các tổ chức, doanh nghiệp theo đúng tinh thần nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
Đáng chú ý, Bộ Công an đã đề xuất hợp nhất, hoàn thiện quy định pháp luật về an ninh mạng trên cơ sở hợp nhất Luật An ninh mạng 2018 và Luật An toàn thông tin mạng 2015 thành Luật An ninh mạng năm 2025, dự kiến trình tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2025.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (A05), Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cho biết: Năm 2025 mở ra bối cảnh mới với những cơ hội và thách thức đan xen, đặc biệt khi Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là kim chỉ nam cho hoạt động của toàn hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia.
Đáng chú ý, trong năm 2025, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia phối hợp tổ chức Lễ ký Công ước Liên Hợp Quốc về Tội phạm mạng. Trung tướng Nguyễn Minh Chính khẳng định đây là cơ hội lịch sử để thể hiện vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý toàn cầu chống tội phạm mạng. Hiệp hội cần chuẩn bị nguồn lực đầy đủ, phối hợp chặt chẽ với các Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan để tổ chức sự kiện một cách bài bản, hiệu quả.
Một số trọng tâm hoạt động khác trong năm 2025 của Hiệp hội bao gồm: chủ động tham gia vào quá trình triển khai Nghị quyết 57, đặc biệt là trong công tác tham mưu, tư vấn công nghệ và phản biện chính sách pháp luật về an ninh mạng; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cục A05 và các cơ quan chức năng trong ứng phó với tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cần có các chương trình, hoạt động cụ thể để triển khai hiệu quả nhiệm vụ "Bình dân học vụ số" theo chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng số cơ bản cho người dân - đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa - góp phần thu hẹp khoảng cách số và đảm bảo an toàn trên không gian mạng.
URL: https://thitruongbiz.vn/an-ninh-mang-trong-giai-doan-moi--hop-luc-bao-ve-khong-gian-so-d28081.html
© thitruongbiz.vn