Bộ LĐ-TB-XH đề xuất trích 6.000 tỉ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để đào tạo lại lao động có nguy cơ mất việc do Covid-19. Làm thế nào để người lao động tiếp cận?
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang hoàn tất dự thảo chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề để duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ) trước khi trình Chính phủ. Bộ LĐ-TB-XH đề xuất trích 6.000 tỉ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để đào tạo lại lao động có nguy cơ mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong các doanh nghiệp (DN).
Theo đó, dự kiến mỗi lao động sẽ được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, liên tục trong 6 tháng. Bộ LĐ-TB-XH ước tính khoảng 1 triệu lao động sẽ được thụ hưởng nếu chính sách này được thông qua.
Lãnh đạo Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB-XH cho biết chính sách hỗ trợ DN và NLĐ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã có, song chế độ đào tạo, bồi dưỡng để NLĐ duy trì việc làm theo quy định trong Luật Việc làm với điều kiện thụ hưởng rất chặt. Do đó, trong dự thảo này, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nới rộng các điều kiện nhằm tăng đối tượng tiếp cận.
Gói hỗ trợ đào tạo lại nghề hướng tới NLĐ thuộc các tập đoàn, tổng công ty và đơn vị sử dụng lao động có chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thay vì hỗ trợ trực tiếp, dự thảo đề xuất triển khai thông qua người sử dụng lao động đang quản lý NLĐ gặp khó khăn do dịch Covid-19.
DN được hỗ trợ phải đáp ứng các điều kiện: Đóng đủ BHTN cho NLĐ liên tục 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ sản xuất - kinh doanh do ảnh hưởng dịch Covid-19; có báo cáo quyết toán tài chính của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ, trong đó thể hiện doanh thu bị giảm từ 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019.
Dự thảo cũng quy định DN phải có phương án cụ thể về việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ. DN có nhu cầu gửi hồ sơ về Bộ LĐ-TB-XH để được xem xét, quyết định. Thời hạn áp dụng hỗ trợ dự kiến 1 năm kể từ ngày chính sách được ban hành.
Đánh giá về dự thảo này, không chỉ lãnh đạo các hiệp hội nghề nghiệp mà các DN cũng bày sự tỏ lạc quan. Nếu chính sách này được thông qua, DN khó khăn sẽ có thêm nguồn hỗ trợ trong khi NLĐ có cơ hội nâng cao trình độ tay nghề.
Bộ LĐ-TB-XH ước tính khoảng 1 triệu lao động sẽ được thụ hưởng hính sách hỗ trợ, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề |
Lãnh đạo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết dệt may, da giày là ngành sử dụng nhiều lao động nên mức độ ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường. Qua 3 đợt dịch cho thấy số lao động mất việc chủ yếu rơi vào dệt may và giày da. Do đó, lao động 2 ngành này cần sớm được hỗ trợ. Đây là nhóm lao động yếu thế, thu nhập bình quân chỉ khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Khi Chính phủ triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, có đến 80% DN của 2 ngành này không tiếp cận được. "Các DN mong muốn chính sách phải cụ thể, đáp ứng được nhu cầu của DN và nguyện vọng của NLĐ. Chính sách được ban hành phải hiểu DN và NLĐ cần gì" - đại diện Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam bày tỏ.
Vẫn theo nld.com.vn, hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ là ưu tiên của nhà nước khi xây dựng chính sách BHTN. Tuy nhiên, theo các chuyên gia lao động, thực tiễn hoạt động của Quỹ BHTN cho thấy quỹ này chủ yếu chi cho trợ cấp, còn chi hỗ trợ đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm chưa nhiều. Trong khi đó, việc hỗ trợ NLĐ quay trở lại thị trường lao động sau khi mất việc là cần thiết, để họ có công việc mới.
Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng việc đề xuất gói hỗ trợ DN đào tạo nghề là rất cần thiết để "tiếp sức" DN và NLĐ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tàn phá nặng nề "sức khỏe" DN, khiến nhiều NLĐ mất việc làm, giảm thu nhập. Theo bà, các tiêu chí để DN nhận được sự hỗ trợ cũng rất chặt chẽ với các điều kiện cụ thể mà Bộ LĐ-TB-XH đã nêu trong dự thảo.
"Việc hỗ trợ kinh phí để DN đào tạo lao động phục vụ nhu cầu sản xuất của DN cũng nhằm tránh lãng phí nguồn lực hỗ trợ, bởi hơn ai hết, DN hiểu họ cần đào tạo ai, đào tạo cái gì. Còn nếu hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ, họ dùng tiền tự đi học nghề nhưng sau đó có thể vẫn không thể tìm được việc làm" - bà Ngân nhận xét.
Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng việc hỗ trợ cần có sự giám sát của tổ chức Công đoàn và NLĐ tại DN. Các thông tin cần công khai, minh bạch để tránh tình trạng "đầu voi đuôi chuột" khi chính sách hỗ trợ nhiều nhưng đến tay NLĐ lại không tương xứng.
Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, dịch Covid-19 đã hoành hành cả năm mà đến thời điểm này, cơ quan chức năng vẫn còn tập hợp ý kiến để đề xuất hỗ trợ thì hơi muộn. "Lẽ ra, quý II/2020 phải nghiên cứu, lắng nghe DN, ghi nhận thực tế..., từ đó xác định điều kiện nào đưa ra để DN vay được, phục vụ cho đào tạo lại, nâng cao trình độ NLĐ. Việc này cũng rất đơn giản, phải xuống hỏi DN và hỏi NLĐ" - ông Huân nhấn mạnh.
Ông Huân cho rằng Quỹ BHTN là quỹ của NLĐ, do NLĐ đóng góp, giờ cần sử dụng như thế nào cho hiệu quả nhất. Trong số rất nhiều NLĐ đóng góp đó, một bộ phận không may bị ảnh hưởng bởi sự trồi sụt của thị trường, một phần có thể do tay nghề non kém nên mất việc... Khi DN có hướng nâng cao công nghệ và trình độ tay nghề NLĐ thì phải hết sức tạo điều kiện cho họ.
Chia sẻ với VnEconomy ngày 17/3 về đề xuất này, chuyên gia Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đánh giá rằng chính sách là rất tốt trong bối cảnh thời gian qua số lao động bị thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở mức cao.
Đề xuất gói hỗ trợ DN đào tạo nghề là rất cần thiết để "tiếp sức" DN và NLĐ |
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chính sách sao cho hiệu quả sẽ là vấn đề không hề đơn giản, thậm chí là "tế nhị" nếu không sẽ dẫn đến trục lợi. "Làm thế nào để triển khai tốt thì cần xây dựng các kịch bản đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp rất cụ thể. Đặc biệt, nên rút kinh nghiệm từ các chương trình đào tạo, hỗ trợ việc làm trước đây, không phải cứ người lao động đăng ký cái gì dạy cái đó, càng không phải đào tạo lại một cách ồ ạt.
Vấn đề ở đây là cần có một chiến lược về đào tạo lại, trong đó xác định rõ những nhóm ngành, nghề nào thực sự cần thiết để đào tạo cho phù hợp", bà Hương nêu quan điểm.
Theo bà Hương, cùng với thực thi là có đánh giá hiệu quả của chính sách, tốt nhất nên đưa doanh nghiệp tham gia vào. Bời vì, chính các doanh nghiệp phải xác định được vị trí việc làm, cần lao động như thế nào, yêu cầu kỹ năng ra sao để xây dựng chương trình phù hợp.
"Chúng ta có thể coi như đây là một đợt thí điểm chứ không nên coi là chính sách đào tạo ăn xổi, mang tính chớp nhoáng. Nếu triển khai tốt, việc này sẽ không chỉ dừng lại ở đào tạo cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 mà sẽ là tiền đề cho những chiến lược đào tạo có tính chất lâu dài và bài bản về sau", bà Hương đề xuất.
Nói thêm về một số yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng để tiếp cận được hỗ trợ này như phải sụt giảm doanh thu từ 20% trở lên theo bà Hương là hơi cảm tính và không phù hợp, như vậy có thể gây khó để doanh nghiệp đáp ứng được.
Từng có thời gian tương tác với nhiều doanh nghiệp, bà Hương cho rằng, trên thực tế không chỉ do ảnh hưởng của dịch mới khiến doanh nghiệp phải đào tạo lại lao động, mà điều này còn xuất phát từ chính nhu cầu đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng để tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
"Rõ ràng chúng ta phải rút kinh nghiệm từ các chính sách hỗ trợ, đào tạo trước để sử dụng được hiệu quả nguồn tiền nhưng vẫn phù hợp với điều kiện hiện có của doanh nghiệp và tránh lãng phí. Yêu cầu giả định như vậy theo tôi là là hơi "hẹp hòi" với doanh nghiệp", vị chuyên gia đánh giá.
Cũng góp ý kiến về các hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trước đó khi trao đổi với VnEconomy, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng khẳng định, thời gian qua việc tiếp cận các gói hỗ trợ của doanh nghiệp đúng là chưa được như kỳ vọng.
Do đó, Phó chủ tịch VCCI cho rằng, các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới cần mang tính khả thi hơn để doanh nghiệp tiếp cận được, từ đó duy trì và phát triển thị trường.
© thitruongbiz.vn