Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra tên 5 doanh nghiệp thành viên lớn của Vicem vi phạm trong việc thăm dò và khai thác khoáng sản, vượt công suất được cấp phép hàng triệu tấn đá vôi mỗi năm để sản xuất ximăng, clinker nhưng lại 'quên' nộp ngân sách.
Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra tình trạng khai thác vượt công suất cho phép của Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Mai, Vicem Hải Phòng, Vicem Tam Điệp và Vicem Bút Sơn. Cụ thể, tại thông báo kết luận kiểm toán Chuyên đề quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017 – 2021 của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Kiểm toán Nhà nước đã chỉ tên hàng loạt doanh nghiệp thành viên Vicem vi phạm trong việc thăm dò và khai thác khoáng sản. Đáng chú ý là tình trạng khai thác vượt công suất được phép đã xảy ra ở hàng loạt đơn vị lớn của Vicem.
Kiểm toán Nhà nước cho biết 5 công ty thành viên (công ty con) thuộc Vicem đã khai thác vượt công suất được cấp phép hàng triệu tấn đá vôi mỗi năm để sản xuất ximăng, clinker.
Báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty Ximăng Việt Nam (Vicem)
Tại Vicem Bỉm Sơn, mỏ đá sét Cổ Đam, năm 2019, khai thác vượt công suất 376.611 tấn, vượt 94%; Mỏ đá vôi Yên Duyên năm 2021 khai thác vượt công suất 498.805 tấn, tương ứng 13,8%.
Tại Vicem Hoàng Mai, mỏ đá vôi Hoàng Mai B, năm 2019 khai thác vượt công suất 212.208 tấn tương ứng vượt 11,8%; năm 2020 vượt 82.860 tấn tương ứng 4,6%; năm 2021 vượt 153.740 tấn tương ứng 8,5%.
Tại Vicem Hải Phòng, mỏ đá Tràng Kênh, năm 2021 khai thác vượt công suất được cấp phép 84.572 tấn, tương ứng vượt 6%.
Tại Vicem Tam Điệp, mỏ đá vôi Hang Nước năm 2021 khai thác vượt công suất 111.118 tấn, tỷ lệ vượt 6%.
Tại Vicem Bút Sơn, mỏ sét Ba Sao năm 201 khai thác vượt mức công suất 215.380 tấn, tương ứng vượt 83,11%; năm 2021 khai thác vượt công suất 43.350 tấn, tương ứng 16,73%.
Trụ sở Tổng công ty Ximăng Việt Nam (Vicem) tại Hà Nội. |
Cụ thể, Vicem Bỉm Sơn với mỏ đá vôi Yên Duyên, theo báo cáo của doanh nghiệp là đã thực hiện các thủ tục báo cáo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, hồ sơ đã được tiếp nhận nhưng đến thời điểm kiểm toán công ty vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định.
Trước tình trạng này, Kiểm toán nhà nước đề nghị Tổng công ty Xi măng Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong hoạt động khai thác khoáng sản. Trong đó có việc khai thác vượt công suất cho phép của Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Mai, Vicem Hải Phòng, Vicem Tam Điệp và Vicem Bút Sơn. Đồng thời Kiểm toán nhà nước kiến nghị xem xét kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, các nhân trong việc khai thác khoáng sản vượt công suất tại hàng loạt đơn vị nêu trên.
Mới đây, ngày 22/07, Hội đồng thành viên Tổng công ty Xi măng Việt Nam có văn bản gửi Tổng giám đốc Vicem, các đơn vị thành viên yêu cầu thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước kiểm toán Chuyên đề quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trong đó có nội dung khắc phục các vấn đề trên.
Nhà máy xi măng Vicem Bỉm Sơn. |
Qua kiểm toán việc khai thác tài nguyên khoáng sản tại Vicem, Kiểm toán Nhà nước phát hiện các công ty con, công ty thành viên thuộc Vicem có vi phạm khác trong quá trình khai thác.
Cụ thể, nhiều đơn vị chưa lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác. Điều này vi phạm Nghị định 158 năm 2016 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoáng sản.
Đối với Vicem Hoàng Thạch, báo cáo chỉ ra rằng, công ty chưa thực hiện việc chuyển đổi, gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản do còn vướng mắc về chồng lấn diện tích khai thác khoáng sản với diện tích trong quy hoạch dự án khu đô thị của địa phương và phải đính chính lại tọa độ. Năm 2015, Vicem Hoàng Thạch đã có văn bản gửi Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam hướng dẫn gia hạn, chuyển đổi giấy phép nhưng còn gặp một số vướng mắc.
Tại Vicem Hải Phòng, sản lượng, công suất được cấp phép khai thác vượt nhu cầu sử dụng. Hiện tại, công ty này được cấp 2 giấy phép khai thác đá vôi để làm xi măng với công suất 2,8 triệu tấn đá vôi/năm. Theo báo cáo của đơn vị, nhu cầu sử dụng đá vôi với công suất tối đa (4.000 tấn Clinker/ngày), tương đương 1,8 triệu tấn đá vôi/năm. Như vậy, nhu cầu đá vôi của đơn vị thấp hơn so với công suất khai thác được cấp khoảng 1 triệu tấn/năm. Ngoài ra, việc ban hành quy trình khai thác mỏ chưa kịp thời theo yêu cầu của Tổng công ty Xi măng Việt Nam.
Việc thuê đất tại Vicem Bỉm Sơn cũng có nhiều bất cập. Cụ thể, theo giấy phép, diện tích khai thác là 57,94ha. Tuy nhiên, Vicem Bỉm Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa ký hợp đồng cho thuê diện tích đất 8,02ha đất, phần còn lại có 33,6ha chưa được ký thuê đất, một phần hết hạn chưa được gia hạn. Năm 2021, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã truy thu số tiền thuê đất từ 2009-2020 đối với diện tích đất theo hợp đồng...
Với một số vi phạm trong khai thác tài nguyên khoáng sản của các công ty thành viên trực thuộc Vicem, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Vicem chỉ đạo các đơn vị thành viên, người đại diện vốn tại các đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh, khắc phục tình trạng khai thác khoáng sản vượt công suất được phép khai thác, việc thực hiện thăm dò trước khi được cấp phép. Đồng thời cơ quan kiểm toán kiến nghị xem xét kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân.
© thitruongbiz.vn