TP Hồ Chí Minh khai trương tuyến buýt điện phục vụ người dân.
TP Hồ Chí Minh khai trương tuyến buýt điện phục vụ người dân.

Hào hứng xe buýt điện tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 8/3, TP HCM khai trương tuyến buýt điện 67 chỗ (đứng, ngồi) do Vinbus vận hành, với cự ly 29km, kết nối khu đô thị Vinhome Grand Park (TP Thủ Đức) đến Bến xe buýt Sài Gòn (quận 1), thời gian hoạt động 5h-21h15 mỗi ngày.

Tuyến bao gồm 12 xe, mỗi ngày 94 chuyến hoạt động, tần suất 20 phút mỗi chuyến. Xe có màu xanh, đen chủ đạo, dễ nhận diện. Một số ưu điểm của xe như dùng năng lượng sạch, không phát khí thải, di chuyển êm, không gây ô nhiễm tiếng ồn... Trong xe còn được lắp đặt camera, wifi, cổng sạc USB cho hành khách.

Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, việc thí điểm xe buýt điện có chất lượng, trang bị hiện đại, thân thiện với môi trường, lộ trình kết nối với các khu đô thị mới là rất cần thiết góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường. Thời gian thí điểm là 24 tháng, sau đó Sở sẽ tổng kết, đánh giá để đề xuất triển khai các bước tiếp theo trong công tác đấu thầu hoặc đặt hàng theo quy định.

Hiện nay, chính sách hỗ trợ giá xe buýt điện trong thời gian thí điểm là 44,1%. Giá vé của tuyến hiện áp dụng 3.000 đồng mỗi lượt cho học sinh, sinh viên và 7.000 với nhóm khách bình thường; tập 30 vé giá 157.500 đồng; người cao tuổi, khuyết tật, trẻ em dưới 1,3m... được miễn phí.

Trả lời báo chí, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoà Bình đánh giá buýt điện với nhiều ứng dụng công nghệ, vé điện tử ngoài tạo thuận lợi đi lại còn thay đổi thói quen của người dân trong sử dụng giao thông công cộng. Còn Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm cho biết, sắp tới thành phố sẽ hoàn thành hệ thống thẻ vé điện tử, liên thông tất cả loại hình như metro, xe buýt, buýt sông, với các phương thức như vé ngày, tháng, năm... nhằm tạo hệ thống giao thông hiện đại.

Mới khai trương, xe buýt điện đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân. Đơn cử như “đi xe buýt điện mát mẻ, chất lượng cao mà giá rẻ”, “Xe buýt sạch sẽ và đẹp như thế này ai không muốn đi, nên dẹp bỏ xe buýt chạy xăng dầu cho thành phố bớt ô nhiễm và kẹt xe”, “Xe buýt điện bảo vệ môi trường, Việt Nam giờ mới triển khai là khá chậm so với thế giới rồi, nhưng muộn vẫn hơn không”,…

Cũng theo Sở Giao thông Vận tải thành phố, ngoài tuyến số D4 mới được triển khai, 4 tuyến xe buýt điện khác dự kiến sẽ hoạt động vào quý III và quý IV/2022. Các tuyến này gồm: VB01 (Vinhome Grand Park - Trung tâm Thương mại Emart, dài 27km), VB02 (Vinhome Grand Park - sân bay Tân Sơn Nhất, 30km), VB04 (Vinhome Grand Park - Bến xe Miền Đông mới, 8,5km), VB05 (Vinhome Grand Park - Bến xe Miền Đông mới - khu đô thị Đại học Quốc gia, 10km).

Được biết, Hà Nội và TP HCM là hai thành phố đã triển khai thí điểm áp dụng xe buýt điện vào phục vụ người dân. Cuối năm 2021, Hà Nội đã triển khai ba tuyến buýt điện kết nối với mạng lưới buýt Thủ đô.

Tuyến xe buýt tại Thủ đô đi vào hoạt động được người dân  ủng hộ.
Tuyến xe buýt tại Thủ đô đi vào hoạt động được người dân ủng hộ.

Đón đầu xu hướng thế giới, đối mặt thách thức

Một báo cáo năm 2018 của Bloomberg New Energy Finance ước tính rằng với 1.000 xe buýt điện có thể đi giảm thiểu công năng sử dụng nhiên liệu hoá thạch từ 500 thùng xuống 15 thùng mỗi ngày.

Do vậy, trên thế giới, việc phổ cập hóa xe buýt điện đã được đưa vào các kế hoạch quốc gia để tạo nên những thành phố xanh sạch và lành mạnh hơn. Xu hướng chuyển đổi này đang diễn ra nhanh chóng với tốc độ phụ thuộc vào sự phát triển của từng quốc gia và thành phố. Các chuyên gia dự đoán, số lượng xe buýt điện sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2025 trên thế giới, tức là một nửa số xe buýt đang lưu hành sẽ được đổi thành xe buýt điện.

Xe buýt điện 'ngôi sao sáng' giảm tải áp lực xăng tăng giá

Nếu nói về người tiên phong trong xu hướng xe buýt điện thì đến nay, Trung Quốc đang dẫn đầu về việc triển khai xe buýt điện trên toàn thế giới, với hơn 421.000 xe buýt điện lưu thông tại các thành phố (số liệu năm 2021). Năm 2018, 99% xe buýt điện đang lưu hành trên thế giới được đặt tại Trung Quốc, giúp nước này giảm tiêu thụ hơn 270.000 thùng dầu diesel vào cuối năm 2019.

Để đạt được kết quả này, chính sách hỗ trợ của Nhà nước rất quan trọng. Lấy ví dụ về thành phố Thâm Quyến, trong suốt 9 năm qua, hàng năm, các nhà điều hành giao thông công cộng ở Thâm Quyến đã nhận được khoản viện trợ của Nhà nước là 500.000 nhân dân tệ (khoảng 1.595 tỷ đồng) cho mỗi chiếc xe điện được mua. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng sạc cho xe buýt điện khá phát triển.

Theo dự báo, Trung Quốc sẽ tiếp tục điện khí hoá giao thông trong vài năm tới. Ước tính, khoảng 420.000 xe buýt điện mới được vận hành vào năm 2025, tăng thêm 40% công suất của đội buýt điện nước này. Đồng thời, nhiều quốc gia khác ở châu Á đang tăng cường nỗ lực điện khí hóa các phương tiện giao thông công cộng của họ. Ví dụ, Delhi đã đặt hàng 1.000 xe buýt điện vào năm 2019 - đây được coi là đơn đặt hàng lớn nhất sau Trung Quốc.

Hoa Kỳ và châu Âu cũng sẽ có mức tăng trưởng xe buýt điện đáng kể. Một báo cáo của Wood Mackensy ước tính rằng đến năm 2025, sẽ có 40.000 xe điện cỡ lớn trên đường ở châu Âu và Hoa Kỳ. Đối với châu Âu, điện khí hóa được thực hiện chủ yếu trên mạng lưới công cộng và đô thị, trong khi người Mỹ chủ yếu tập trung vào mạng lưới trường học.

Hiện tại, Việt Nam mới chỉ bắt đầu tham gia vào xu hướng điện khí hoá xe buýt. Dù chậm hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới nhưng đây vẫn được coi là tín hiệu tích cực để hiện thực hoá định hướng giao thông xanh, sạch. Đáng nói, một trong những thách thức lớn nhất của nước ta chính là cơ sở hạ tầng sạc cho xe buýt điện vẫn chưa phát triển – điều này sẽ trực tiếp hạn chế sự phát triển quy mô lớn của xe buýt điện trong nước.