VN-Index tăng 8,59 điểm trong phiên 24/6, đóng cửa ở mức 1.366,77 điểm. Chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư theo trường phái giao dịch ngắn hạn hạn chế mua đuổi tại các nhịp kéo rướn trong phiên, chỉ nên tăng tỷ trọng cổ phiếu tại các nhịp điều chỉnh, rung lắc.
Kết thúc phiên giao dịch chiều nay (24/6), VN-Index ở mức 1.366,77 điểm, tăng 8,59 điểm. Toàn sàn có 176 mã tăng giá trong khi có 127 mã giảm và 65 mã đứng giá. Thanh khoản tăng so với phiên trước, đạt hơn 25.606 tỉ đồng. HNX-Index chốt phiên ở mức 227,79 điểm, nhích 0,37 điểm. UPCOM-Index tăng 0,41 điểm, lên thành 99,34 điểm. Thanh khoản lần lượt là 2.293,9 tỷ đồng và 709,4 tỷ đồng.
Rổ VN30 có 19 mã tăng giá, 6 mã giảm giá và 5 mã đứng giá. VN30-Index tăng 14,48 điểm, lên mức 1.462,8 điểm. Giá trị giao dịch đạt hơn 12.603 tỷ đồng.
Xét theo nhóm ngành: Nhóm cổ phiếu “hoa tiêu” là chứng khoán tăng mạnh: VND tăng 6,31%, FTS tăng 3,02%, VIX tăng 3,61%, SSI tăng 2,32%, HCM tăng 2,96%, CTS tăng 3,28%, VDS tăng 2,14%...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng với đa số cổ phiếu giữ được sắc xanh và tham chiếu: EIB tăng 1,97%, TCB, VPB, CTG, BID, VIB, LPB tăng gần 1%; HDB, MBB, SHB, VCB, MSB, SSB giữ giá tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng tăng tích cực, ngoài VHM và VIC tăng mạnh, ITC tăng trần, DXG cũng tăng 3,11%, IDC tăng 2,58%, NLG tăng 2,21%, BCM tăng 2,33%, NLG tăng 2,21%, TCH tăng 2,1%, DXS tăng 2,21%...
Riêng nhóm cổ phiếu dầu khí bị chốt lời nên giảm sâu: PVS giảm 5,98%, PVD giảm 5,76%, PLX giảm 5,35%, BSR giảm 4,79%, PVT giảm 4,71%...
Sau 4 phiên bán ròng liên tiếp, hôm nay, khối ngoại quay lại mua ròng với giá trị gần 130 tỉ đồng trên toàn thị trường. Riêng trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng gần 230 tỉ đồng. Mã VND được mua ròng nhiều nhất với giá trị gần 215 tỷ đồng. Tiếp theo là các mã DGW, SSI, HPG, VHM. Ngược lại, khối ngoại bán ròng nhiều ở những mã như HCM, VPB, VCB, STB, GEX.
Nhận định thị trường ngày 25/6, CTCK AIS cho rằng: Chỉ số VN-Index hình thành GAP tăng giá, với KLGD cải thiện và nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng.
Dòng tiền lan tỏa tích cực, nổi bật là nhóm công ty chứng khoán khi hầu hết cổ phiếu nhóm này đều tăng và các cổ phiếu dòng họ nhà Vingroup vẫn “miệt mài” góp điểm xanh cho chỉ số.
Xu hướng trung hạn vẫn là tăng điểm và tích cực. Mục tiêu gần nhất là vùng 13.70-1.380 điểm, xa hơn sẽ là vùng 1.400 điểm. Nhà đầu tư vẫn ưu tiên nắm giữ những cổ phiếu được chúng tôi khuyến nghị.
Các khuyến nghị cụ thể luôn được chúng tôi chia sẻ hàng ngày trong chuyên mục HOT-STOCK trên các Cộng đồng Phân tích, TVĐT - AIS.
CTCK SHS: Trong ngắn hạn, triển vọng của VN-Index đã tích cực hơn và có thể hướng đến mục tiêu như trong báo cáo chiến lược năm 2025. Mặc dù thị trường vẫn duy trì một số mã, nhóm mã tích lũy tương đối tốt.
Tuy nhiên, chỉ số dần hướng đến vùng giá mục tiêu, cũng như chỉ số VN30 đang hướng đến vùng giá tháng 11/2021 đến tháng 3/2022. Do đó, chúng tôi cho rằng hiện tại không phải là vùng giá hấp dẫn để giải ngân thêm.
Theo CTCK Asean: Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư theo trường phái giao dịch ngắn hạn hạn chế mua đuổi tại các nhịp kéo rướn trong phiên, chỉ nên tăng tỷ trọng cổ phiếu tại các nhịp điều chỉnh, rung lắc.
Ưu tiên quan sát là các cổ phiếu đang vận động trong xu hướng Tăng ngắn hạn, thuộc các lĩnh vực đang có câu chuyện hỗ trợ và ít chịu tác động bởi biến số thuế quan, bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bán lẻ, đầu tư công.
Thị trường chứng khoán châu Á khởi sắc trong phiên 24/6 sau thông tin Israel đồng ý với đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về một thỏa thuận ngừng bắn song phương với Iran, chấm dứt 12 ngày đối đầu căng thẳng.
Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 1,1% lên 38.790,56 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 2,1% lên 24.181,94 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải tăng 1,2% lên 3.420,57 điểm.Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 89,17 điểm (2,96%) lên 3.103,64 điểm, vượt qua ngưỡng 3.100 điểm lần đầu tiên sau 3 năm 9 tháng. Khối lượng giao dịch đạt mức cao ở mức 566,7 triệu cổ phiếu trị giá 18.800 tỷ won (tương đương 13,8 tỷ USD).Chứng khoán Đài Bắc tăng 2,1%, chứng khoán Jakarta tăng 1,3%, còn chứng khoán Sydney tăng 1%.
Trong một tuyên bố ngày 24/6, Chính phủ Israel cho biết nước này đã "đạt được tất cả các mục tiêu" trong cuộc xung đột với Iran, đồng thời nói thêm rằng họ đã loại bỏ "một mối đe dọa kép hiện hữu: hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Tuyên bố cũng nhấn mạnh Israel sẽ đáp trả mạnh mẽ bất kỳ hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn nào. Cổ phiếu hãng hàng không Virgin Australia tăng mạnh khi tái gia nhập thị trường chứng khoán địa phương, đánh dấu sự trở lại ngoạn mục sau khi gần như phá sản hơn bốn năm trước. Hầu hết các cổ phiếu blue-chip của Hàn Quốc đều kết thúc trong xu hướng tích cực, với các nhà sản xuất chip, ô tô và tài chính dẫn đầu đà tăng của thị trường. Cổ phiếu của Samsung Electronics đã tăng 4,31% lên 60.500 won/cổ phiếu, và đối thủ cạnh tranh về chip là SK hynix tăng vọt 7,32% lên 278.500 won/cổ phiếu.
Trong khi đó, cổ phiếu của nhà sản xuất pin hàng đầu LG Energy Solution tăng 2,21% lên 300.500 won/cổ phiếu; “ông lớn” sản xuất ô tô Hyundai Motor tăng 2,23% lên 206.000 won/cổ phiếu. Ngược lại, cổ phiếu của các nhà máy lọc dầu đã rớt giá trong bối cảnh giá dầu quốc tế giảm. Cổ phiếu của nhà máy lọc dầu hàng đầu SK Innovation giảm 0,97% xuống còn 101.800 won/cổ phiếu và S-Oil giảm mạnh 6,39% xuống còn 58.600 won/cổ phiếu.
Trên thị trường ngoại hối, đồng USD quay đầu giảm sau khi Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Michelle Bowman cho biết bà sẽ ủng hộ việc cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 7/2025 nếu lạm phát giữ ổn định. Thị trường hiện kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2025.
© thitruongbiz.vn