Tình trạng “ép” mua bảo hiểm nhân thọ

Thời gian qua, nhiều người dân đã phản ánh trên các phương tiện truyền thông, báo chí, mạng xã hội về tình trạng bị nhân viên ngân hàng “ép” mua bảo hiểm nhân thọ khi làm thủ tục vay vốn ngân hàng. Có một thực tế là nhiều nhân viên ngân hàng đã dùng nhiều “chiêu trò” khác nhau để bắt buộc khách hàng phải mua bảo hiểm dù họ không có nhu cầu. Ví như “nếu mua bảo hiểm thì mới được giải ngân khoản vay”, “nếu không mua bảo hiểm mức phí phạt khi trả tiền trước hạn sẽ cao hơn”,… cố tình đẩy người vay vào thế khó xử.

Vay tiền ngân hàng có bắt buộc phải mua bảo hiểm nhân thọ không?
Hình thức liên kết giữa công ty bảo hiểm và ngân hàng đã tồn tại từ lâu

Việc nhiều công ty bảo hiểm liên kết với ngân hàng để bán bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tài sản... vốn đã tồn tại từ lâu. Kênh phân phối này được gọi là “Bancassurance”, tức phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Theo một số liệu thống kê, năm 2018, doanh thu phí bảo hiểm mới đến từ kênh phân phối qua ngân hàng chỉ chiếm 20% tổng số phí bảo hiểm thu được của cả thị trường, nhưng đến tháng 8/2019 tỷ lệ này tăng lên gần 30%. Điều đó cho thấy lợi nhuận thu được từ kênh Bancassurance là tương đối đáng kể.

Thậm chí, có một số công ty bảo hiểm đã chính thức ký kết phân phối độc quyền sản phẩm bảo hiểm với các ngân hàng như: Generali ký với ngân hàng Phương Đông (OCB) trong thời hạn 15 năm; Dai-ichi Life Việt Nam ký thoả thuận với Sacombank trong thời hạn 20 năm và SHB trong 15 năm; Manulife với VietinBank trong 16 năm...

Khởi điểm sự kết hợp này được xem là có lợi cho cả hai ngành bảo hiểm và ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua cho thấy đã xuất hiện những “biến tướng” khi khách hàng bày tỏ nỗi bức xúc khi họ bị “ép” phải mua bảo hiểm mới được hoàn tất thủ tục vay vốn ngân hàng hoặc sẽ được giải ngân nhanh hơn. Mặt khác, doanh số bán bảo hiểm cũng là một phần chỉ tiêu áp cho nhân viên một số ngân hàng. Bởi vậy, nhân viên ngân hàng cũng bị áp lực phải chào mời khách mua bảo hiểm khi làm hồ sơ vay vốn cho họ.

Vay tiền ngân hàng có bắt buộc phải mua bảo hiểm nhân thọ không?
Biến tướng "ép" khách hàng phải mua bảo hiểm mới được vay vốn. Ảnh: Thanh Niên

Còn có một thực tế là khi mua bảo hiểm trong lúc vay vốn, khách hàng được nhân viên ngân hàng tận tình chào mời mua bảo hiểm nhưng khi gặp sự cố và cần tư vấn để sử dụng bảo hiểm thì nhân viên ngân hàng hầu như không có khả năng chuyên môn để tư vấn cho khách hàng xử lý mà phải liên hệ tới công ty bảo hiểm để xin tư vấn.

Chưa kể, còn có trường hợp nhân viên ngân hàng đã nghỉ việc hoặc luân chuyển sang vị trí khác, khiến yêu cầu và câu hỏi của khách hàng không có ai hồi đáp, khi đem đến công ty bảo hiểm để hỏi thì họ lại đùn đẩy trách nhiệm về ngân hàng. Chính vì thế, nhiều khách hàng khẳng định rằng nếu họ có nhu cầu mua bảo hiểm thì sẽ đến thẳng các công ty bảo hiểm để làm việc trực tiếp, chứ không thông qua một kênh trung gian nào khác.

Hành vi"ép" mua bảo hiểm: Mức phạt tiền lên tới 50 triệu đồng

Theo Bộ Tài chính, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã có các quy định nhằm bảo đảm việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, nghiêm cấm việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm ép buộc khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Cụ thể, Khoản 4 Điều 10 Luật Kinh doanh bảo hiểm đã nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ định, yêu cầu, ép buộc, ngăn cản tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm. Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định không tổ chức, cá nhân nào được phép can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài của bên mua bảo hiểm. Khoản 3 Điều 38 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Vay tiền ngân hàng có bắt buộc phải mua bảo hiểm nhân thọ không?
Không có quy định nào bắt buộc phải mua bảo hiểm mới được vay tiền ngân hàng.

Bộ Tài chính đã có quan điểm rõ ràng về tình trạng ngân hàng, tổ chức tín dụng “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn. Trong năm 2021, Bộ đã có nhiều văn bản yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật khác có liên quan. Trường hợp phát hiện có vi phạm quy định về hoạt động đại lý cần có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời theo quy định tại hợp đồng đại lý bảo hiểm và quy định pháp luật có liên quan.

Bộ Tài chính cũng có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, yêu cầu rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, xử lý nghiêm những trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng (nếu có).

Đồng thời, tổ chức tín dụng có nghĩa vụ giải thích cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức tín dụng không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng và không mang tính bắt buộc theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN ngày 2/7/2014 của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Vay tiền ngân hàng có bắt buộc phải mua bảo hiểm nhân thọ không?
Khách hàng nên cân nhắc các chi phí vay tiền để xem việc ngân hàng đề nghị mua bảo hiểm có hợp lý không.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: Các ngân hàng không được gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng. Việc chào bán, giải thích điều khoản, điều kiện của sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng mua bảo hiểm của ngân hàng phải tuân thủ quy định pháp luật, nhằm giúp khách hàng hiểu đúng và đủ quyền và lợi ích của mình, các điều kiện, điều khoản thanh toán của bảo hiểm.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh bảo hiểm cho các nhân viên ngân hàng. Phải đặc biệt lưu ý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm.

Theo Nghị định 98/2013/NĐ được sửa đổi bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức sẽ bị bị phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, hình thức xử phạt bổ sung bao gồm đình chỉ hoạt động từ 2 đến 3 tháng.

Như vậy, đến nay không có quy định nào bắt buộc người vay vốn ngân hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ. Quyết định mua hay không mua đều là lựa chọn của khách hàng. Đáng nói, dù luật đã có, vấn đề này đã được nhiều khách hàng phản ảnh, các ngân hàng cũng đã có nhiều biện pháp, quy định để chấn chỉnh nhưng tình trạng giải ngân khoản vay đồng thời khách hàng phải ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vẫn tiếp tục diễn ra. Số lượng bị xử phạt chưa nhiều.

Làm gì khi bị “ép” mua bảo hiểm?

Trả lời báo Lao Động, TS. Nguyễn Văn Thuận, Trường Đại học Tài chính – Marketing, đánh giá, trong bối cảnh tín dụng sụt giảm, tài sản thế chấp và thu nhập của khách hàng chưa đáp ứng đủ điều kiện vay, nhân viên ngân hàng thường chào mời người vay tiền mua bảo hiểm nhân thọ để bảo đảm an toàn cho khoản vay. Tuy vậy, để quan hệ tín dụng không bị méo mó, ngân hàng cần cung cấp cho khách hàng mọi thông tin về điều kiện vay vốn, mối quan hệ giữa khoản vay với sản phẩm bảo hiểm. Còn người vay tiền cũng cần tính toán đến các chi phí khi vay tiền để xem việc ngân hàng đề nghị mua bảo hiểm có hợp lý, nếu không thì có thể lựa chọn ngân hàng khác để vay tiền.