Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý IV/2024 của 27 ngân hàng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/số dư nợ xấu) một nửa nhà bằng đều giảm so với thời điểm cuối năm ngoái.
Xét chung toàn ngành, tỷ lệ này tăng 9 điểm %, từ mức 82,4% cuối năm ngoái lên 91,4% vào cuối quý IV/2024. Theo số liệu thống kê, có 14/27 ngân hàng báo cáo tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng trong năm qua.
Hiện chỉ còn 4 ngân hàng duy trì được tỷ lệ bao phủ trên ngưỡng 100% là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank. MB đã rời nhóm này khi ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 117% từ đầu năm xuống còn 92,3% cuối quý IV. Trước đó, trong quý II, MB từng ghi nhận tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu 101,7%.
Vietcombank tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ bao phủ nợ xấu, đạt 223,3%, giảm thêm 4 điểm % so với cuối năm ngoái. Năm 2022, tỷ lệ bao phủ của Vietcombank từng ở trên mốc 300%. Mặc dù vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank vẫn đang gấp 2,4 lần trung bình ngành.
Hai đại diện tiếp theo của nhóm Big4 là VietinBank và BIDV lần lượt xếp vị trí thứ hai và ba với tỷ lệ bao phủ đạt 170,7%, tăng 3,5 điểm % và 133,7%, giảm 47,2 điểm % so với cuối năm 2023. Cuối quý IV, VietinBank vẫn tiếp tục dẫn trước BIDV về tỷ lệ bao phủ nợ xấu.
Agribank chưa công bố báo tài chính năm 2024, nhưng theo số liệu từ báo cáo bán niên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 116,1%, giảm 16,3 điểm % so với hồi đầu năm.
Những vị trí còn lại trong Top 10 lần lượt thuộc về Techcombank, Bac A Bank, MB, KienlongBank, LPBank, SeABank và TPBank. Trong đó, Techcombank, TPBank và KienlongBank là ba ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu được cải thiện, tăng lần lượt 11,7 điểm %, 17,6 điểm % và 21,4 điểm % so với năm 2023.
Theo thống kê, Bac A Bank là ngân hàng có tăng trưởng nợ xấu mạnh nhất với mức tăng 48%, từ 916 tỷ đồng cuối năm 2023 lên 1.359 tỷ đồng cuối tháng 12/2024. Hai ngân hàng khác cũng có mức tăng nợ xấu trên 40% là ACB (tăng 47%), Saigonbank (43%).
Ngoài top 10, có 10 ngân hàng cổ phần cải thiện được tỷ lệ bao phủ nợ xấu bao gồm VietABank, HDBank, MSB, VPBank, Nam A Bank, VietBank, BVBank, Eximbank, PGBank và NCB với mức tăng không quá lớn, đều dưới 10 điểm %.
Sau 12 tháng, BIDV là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm sâu nhất, từ 180,9% xuống còn 133,7%, nguyên nhân do số dư nợ xấu của ngân hàng đã tăng gần 30% trong năm. Cuối năm 2022, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ông lớn cổ phần này từng ở mức 188%, đứng thứ 5 toàn ngành.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao cho thấy ngân hàng có sự chuẩn bị tốt cho rủi ro, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận. Vì vậy, mỗi ngân hàng đều có tính toán nhằm giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức hợp lý để vừa dự phòng được nợ xấu, vừa đảm bảo lợi nhuận cho mình.
Trong năm 2024, nợ xấu đang trở thành vấn đề nan giải với nhiều ngân hàng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại. Áp lực nợ xấu tăng mạnh, nhưng dự phòng rủi ro lại không tăng tương xứng khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu ngân hàng sụt giảm.
Nợ xấu ngành ngân hàng được đánh giá đang tăng nhanh. Các chuyên gia cho rằng, nhiều ngân hàng vẫn gặp vướng trong quá trình xử lý tài sản làm ảnh hưởng đến quá trình khắc phục nợ xấu.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng có nhiều giải pháp để giảm áp lực nợ xấu. Một trong những giải pháp chính là trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu bằng nguồn tự lực của các ngân hàng. Đồng thời, đẩy mạnh thu hồi nợ, xử lý các loại tài sản đảm bảo với các khoản nợ không có khả năng thu hồi…
Nhưng trong bối cảnh thị trường bất động sản có lúc trầm lắng, dù đã có dấu hiệu chuyển động thời gian vừa qua nhưng giá cao nên vấn đề xử lý phát mại tài sản đảm bảo cũng như tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn.
Theo ông Hùng, nhiều khách hàng thiếu hợp tác, tổ chức tín dụng không được quyền thu giữ tài sản, cá biệt có khách hàng cố tình không trả nợ… Điều này ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Ông Hùng cho rằng, trong năm 2025, nợ xấu vẫn là một bài toán" khó với các ngân hàng, đặc biệt khi các doanh nghiệp còn đang rất khó khăn, vừa mới trải qua giai đoạn dài ảnh hưởng bởi Covid-19, tiếp tục gánh chịu hậu quả từ thiên tai như bão Yagi.
Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của Ngân hàng nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng nhận định tỷ lệ nợ xấu có chiều hướng giảm trong quý IV/2024 so với quý trước và kỳ vọng tiếp tục giảm trong quý I/2025.
Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định triển vọng nợ xấu trong năm 2025 là tích cực, song vẫn cần sự quản lý rủi ro chặt chẽ và các biện pháp hỗ trợ từ chính phủ để đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Sang 2025, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có thể giảm xuống 1,8% nhờ vào các biện pháp quản lý rủi ro chặt chẽ hơn và sự cải thiện trong chất lượng tài sản.
Bên cạnh đó, chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng nợ xấu toàn ngành ngân hàng sẽ hạ nhiệt theo đà phục hồi của nền kinh tế. Ngoài ra, nợ xấu do ảnh hưởng từ bão Yagi sẽ không đáng ngại nhờ những chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, VCBS cho rằng nợ xấu sẽ có sự phân hóa về chất lượng tài sản giữa các ngân hàng.
“Với nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải. Nhóm ngân hàng có tỷ trọng tín dụng doanh nghiệp cao, bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp, và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024 – 2025”, VCBS nhận định.
URL: https://thitruongbiz.vn/top-10-ngan-hang-co-so-du-no-xau-cao-nhat-nam-2024-d27086.html
© thitruongbiz.vn