Từ đầu quý III đến nay, hoạt động xuất khẩu cũng được cho là thuận lợi hơn khi các tỉnh thành phía Nam bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội sau quãng thời gian phong tỏa để chống dịch COVID-19 và nhu cầu nhập khẩu cà phê của một số thị trường lớn, đặc biệt là thị trường châu Âu đã bắt đầu tăng trở lại. Điều này mở ra kỳ vọng xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan hơn vào những tháng cuối năm.
Trong khi đó, Việt Nam cũng đang có cơ hội gia tăng xuất khẩu khi Brazil, nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới và cũng là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do nguồn cung sụt giảm bởi thời tiết cực đoan gây thiệt hại cho các nông trại trồng cà phê.
Thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam dự báo sẽ khả quan hơn trong những tháng cuối năm |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của nước ta trong tháng 8 đạt 111.697 tấn, trị giá 224,7 triệu USD, giảm 8,7% về lượng và 4,4% về trị giá so với tháng trước đó, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái tăng 11,5% về lượng và tăng 22% về trị giá.
Đáng chú ý, đây đã là tháng thứ hai liên tiếp xuất khẩu cà phê tăng hơn 11% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu nhập khẩu của các thị trường tiêu thụ lớn tại châu Âu và Mỹ tăng lên khi các hạn chế do dịch COVID-19 dần được dỡ bỏ cho phép các cửa hiệu cà phê mở cửa trở lại.
Ngoài ra, việc chuẩn bị lượng hàng cho nhu cầu tiêu thụ cà phê dịp Noel và năm mới cũng đang thúc đẩy các nhà nhập khẩu tăng cường mua vào ngay cả khi giá cước vận tải biển từ Việt Nam tới châu Âu và Mỹ vẫn đang ở mức cao.
Trong tháng 8, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sang EU - thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của nước ta đạt 44.352 tấn, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, lượng cà phê xuất khẩu sang thị trường này cũng tăng hơn 49,3% trong tháng 7.
Nhu cầu nhập khẩu cà phê của một số thị trường lớn, đặc biệt là thị trường châu Âu đã bắt đầu tăng trở lại |
Ngoài ra, lượng cà phê xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Nga, Trung Quốc… cũng tăng khá mạnh so với cùng kỳ.
Nhờ đó lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 1,1 triệu tấn, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái và thu hẹp so với mức giảm hơn 10% trong 6 tháng đầu năm.
Giá xuất khẩu liên tục tăng từ đầu năm đến nay đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê trong 8 tháng lên gần 2 tỷ USD, tăng hơn 2% so với cùng kỳ. Trong nửa đầu năm nay, các nhà nhập khẩu châu Âu và Mỹ chủ yếu nhập khẩu cà phê từ Brazil do nguồn cung dồi dào và cước phí vận chuyển thấp hơn các quốc gia châu Á khác, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, từ đầu quý III đến nay tình hình đã đảo chiều khi sản lượng cà phê của Brazil sụt giảm do thời tiết bất lợi và các vấn đề liên quan đến logistics.
Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), xuất khẩu cà phê nhân của Brazil trong tháng 8 tiếp tục giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 2,33 triệu bao (loại 60 kg), mức thấp nhất trong một năm do khó khăn trong việc tìm kiếm container và chỗ trống trên tàu, Reuters đưa tin.
Nicolas Rueda, chủ tịch Cecafe cho biết: "Cuộc khủng hoảng vận tải hiện nay khiến giá cước vận chuyển tăng cao, tình trạng hủy đặt chỗ liên tục diễn ra và việc đặt chỗ mới cho các container hoặc chỗ chứa trên tàu đang trở lên khó khăn hơn".
Đã có khoảng 3,5 triệu bao cà phê không thể giao đúng hạn trong năm 2021 do các rào cản vận chuyển, gây thiệt hại khoảng 500 triệu USD cho ngành xuất khẩu cà phê của nước này. Khoảng 40% đến 50% lượng cà phê bị hoãn ở cảng trong 3 tháng qua, so với mức 10% đến 20% trong những tháng đầu năm 2021 do tình hình xấu đi.
Brazil chiếm gần 40% thương mại cà phê toàn cầu nên sự chậm trễ có thể làm gián đoạn hoạt động của một số nhà chế biến cà phê ở Mỹ và châu Âu, những khách hàng lớn nhất của Brazil.
Việc thực hiện giãn cách xã hội để kiểm soát dịch COVID-19 tại Việt Nam và sản lượng giảm tại Brazil đã đẩy giá cà phê thế giới tăng mạnh trong thời gian qua và có thể còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/9, giá cà phê robusta giao tháng 11/2021 trên sàn ICE tăng 17,2% so với một tháng trước và tăng 57,2% so với đầu năm nay, lên 2.160 USD/tấn. Giá cà phê Arabica giao tháng 11/2021 trên sàn New York cũng tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 43% so với đầu năm nay, đạt 183,35 US cent/lb.
Tại Việt Nam, sau khi chạm mốc 2.012 USD/tấn trong tháng 8, giá cà phê xuất khẩu trong nửa đầu tháng 9 tiếp tục tăng lên mức bình quân 2.038 USD/tấn, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong gần 4 năm qua kể từ mức 2.150 USD/tấn ghi nhận được vào tháng 11/2017.
Tại thị trường trong nước, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 8 – 8,5% trong hơn 1 tháng qua, dao động 40.000 – 40.900 đồng/kg tính đến ngày 22/9.
© thitruongbiz.vn