Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2025 - 2029 sẽ mang lại nhiều tác động quan trọng đối với Việt Nam. Ngay lập tức, thị trường tài chính Việt Nam có thể sẽ phản ứng trước những thay đổi từ nền kinh tế và chính sách thương mại Mỹ. Về lâu dài, các mối quan hệ kinh tế và chính trị giữa Việt Nam và Mỹ cũng có thể chịu ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt trong các lĩnh vực như đầu tư, thương mại và hợp tác công nghệ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã lấy lại đà tăng tích cực sau nhiều phiên căng thẳng trước tác động của bầu cử Mỹ, với hơn 500 mã cổ phiếu bật tăng mạnh. Chỉ số VN-Index đã tăng gần 16 điểm, cho thấy tâm lý lạc quan trở lại.
Phiên giao dịch ngày 6/11 mở cửa đầy triển vọng, khi nhiều cổ phiếu thuộc các ngành bất động sản khu công nghiệp và xuất khẩu tăng giá mạnh mẽ trong bối cảnh bầu cử Mỹ chuẩn bị kết thúc. Đến 13h50 (giờ Việt Nam), Fox News thông báo ông Trump đã vượt qua ngưỡng phiếu đại cử tri cần thiết để trở thành tổng thống thứ 47 của Mỹ, tạo ra động lực tích cực cho thị trường Việt Nam.
VN-Index bật tăng với hơn 500 mã cổ phiếu tăng giá, trong đó có 18/22 nhóm ngành diễn biến tích cực. Đặc biệt, ba nhóm ngành chiếm tỉ trọng lớn nhất trên VN-Index đều phủ sắc xanh. Nhóm bất động sản, nổi bật là các doanh nghiệp khu công nghiệp, đóng góp mức tăng 1,35% vào chỉ số; nhóm tổ chức tín dụng tăng gần 1,2%; và nhóm dịch vụ tài chính và bảo hiểm lần lượt tăng 1,49% và 0,77%.
Mặc dù ghi nhận phiên tăng điểm đầy hứng khởi, thanh khoản thị trường vẫn khiêm tốn với tổng giá trị giao dịch dưới 16.000 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 400 tỷ đồng, đặc biệt tập trung vào các mã VHM của Vinhomes, MSN của Masan và SSI.
Theo phân tích từ chuyên gia Vietcap, thị trường tháng 11 có xu hướng thận trọng hơn do tác động từ bầu cử Mỹ và các quyết định sắp tới của Fed. Tuy nhiên, triển vọng vĩ mô trong nước vẫn khả quan khi chỉ số PMI của Việt Nam đã phục hồi lên mức 51,2 trong tháng 10, cho thấy sự tăng trưởng trở lại trong sản xuất và đơn hàng mới.
Giá vàng thế giới sụt giảm mạnh đã kéo theo giá vàng nhẫn 99,99 các loại tụt khỏi mốc 88 triệu đồng/lượng. Đến 15h chiều 6/11, ngay sau khi kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ công bố, giá vàng bất ngờ biến động mạnh.
Nhiều nhà đầu tư cho biết giá vàng đang “lao dốc không phanh” trên thị trường quốc tế, với kim loại quý giảm hơn 20 USD/ounce, xuống còn 2.724 USD/ounce. Sau nhiều ngày neo ở mức cao quanh 2.740 - 2.745 USD/ounce, giá vàng chịu áp lực chốt lời khiến xu hướng giảm thêm trầm trọng.
Giá vàng nhẫn 99,99 trong nước cũng nối dài đà giảm, với SJC niêm yết mức mua vào 86,4 triệu đồng/lượng và bán ra 87,9 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng so với buổi sáng và giảm tổng cộng 600.000 đồng/lượng so với hôm qua. Nếu so với đỉnh giá 89,5 triệu đồng/lượng vào tuần trước, mỗi lượng vàng nhẫn đã “bốc hơi” hơn 1,5 triệu đồng.
Giá vàng nhẫn có sự chênh lệch giữa các doanh nghiệp: PNJ bán ra ở mức 88,2 triệu đồng/lượng, DOJI cao hơn ở 88,45 triệu đồng/lượng, còn Mi Hồng bán ra 88 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng miếng SJC vẫn duy trì quanh mức 87 triệu đồng/lượng mua vào và 89 triệu đồng/lượng bán ra, tạo khoảng cách lớn với vàng nhẫn 99,99.
Trước đó, một số phân tích dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng nếu ông Trump đắc cử, nhưng diễn biến thị trường đã đi ngược kỳ vọng, khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ khi chứng kiến giá vàng thế giới lao dốc mạnh.
Theo báo cáo vĩ mô gần đây nhất của ACBS Research về tác động của bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 đến nền kinh tế Việt Nam, nếu Harris tiếp nối các chính sách của Tổng thống Joe Biden, sự ổn định về chính trị và kinh tế có thể được duy trì. Ngược lại, nếu Trump trở lại, ông có thể tái khởi động các chính sách thương mại cứng rắn như từng làm vào năm 2018, gây ảnh hưởng lớn đến quan hệ thương mại quốc tế.
Về kinh tế Mỹ, Trump chủ trương cắt giảm thuế cho doanh nghiệp và cá nhân, khuyến khích phát triển kinh doanh. Trong khi đó, Harris muốn tăng thuế nhắm vào người giàu và doanh nghiệp lớn, cùng với việc mở rộng phúc lợi xã hội để giảm bất bình đẳng. Ở phương diện đối ngoại, Trump tiếp tục ủng hộ chiến tranh thương mại và áp thuế nhập khẩu, đặc biệt là với hàng hóa Trung Quốc. Harris, mặc dù cũng thận trọng với thương mại Trung Quốc, nhưng có cách tiếp cận chọn lọc hơn.
Tác động của cuộc bầu cử đến Việt Nam là đáng kể vì Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với thặng dư thương mại 83 tỷ USD, trong khi Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất. Nếu Trump áp thuế nhập khẩu đối với hàng Việt Nam, các ngành xuất khẩu như thủy sản, dệt may, săm lốp, đồ gỗ và thép sẽ đối mặt với áp lực thuế cao, cùng với nguy cơ giảm nhu cầu tại Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội thay thế xuất khẩu từ Trung Quốc trong một số lĩnh vực.
Khi Trump giành chiến thắng, các nhà phân tích cho rằng, trong ngắn hạn, khi ông thực thi các chính sách kinh tế của mình, VNĐ có thể đối mặt với áp lực mất giá do USD tăng, từ đó thu hẹp không gian chính sách tiền tệ của Việt Nam và ảnh hưởng đến kinh tế, nhất là lĩnh vực ngân hàng. Về dài hạn, xu hướng giảm phụ thuộc vào Trung Quốc của Mỹ có thể thúc đẩy dòng vốn FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam, mang lại lợi ích cho ngành bất động sản khu công nghiệp, vận tải và kho bãi.
Theo phân tích của Agriseco Research, kết quả bầu cử sẽ dẫn đến những thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại, chi tiêu công và quy định kinh doanh. Đáng chú ý, Donald Trump với định hướng bảo hộ sản xuất trong nước có thể gây thêm khó khăn cho các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam.
Nếu Harris được đánh giá có xu hướng ôn hòa và duy trì các chính sách hỗ trợ tầng lớp trung lưu, tăng thuế doanh nghiệp lớn và người giàu để thúc đẩy phúc lợi xã hội. Ngược lại, Trump ủng hộ giảm thuế doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất nội địa và áp đặt thuế nhập khẩu, đặc biệt với hàng hóa từ Trung Quốc.
Đối với Việt Nam, việc Trump đắc cử sẽ khiến chính sách thuế nhập khẩu cao sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam kém cạnh tranh tại Mỹ. Ngoài ra, các cuộc điều tra về nguồn gốc xuất xứ sẽ gia tăng chi phí và thách thức cho các doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, các mặt hàng Trung Quốc bị hạn chế có thể tạo cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị phần xuất khẩu tại Mỹ.
Về thu hút đầu tư, chính sách áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc có thể đẩy mạnh làn sóng FDI rời khỏi nước này. Việt Nam dự kiến vẫn là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn FDI này. Ngành bất động sản khu công nghiệp và các lĩnh vực sản xuất khác sẽ hưởng lợi từ làn sóng FDI mới. Tuy nhiên, nếu Trump đẩy mạnh các biện pháp chống lạm phát trong nước, đồng USD tăng mạnh sẽ gây áp lực lên tỷ giá VNĐ, ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách tiền tệ Việt Nam và sức khỏe của nền kinh tế.
Đối với các vấn đề kinh tế khác, chính sách của Donald Trump được cho là sẽ làm gia tăng lạm phát ngắn hạn tại Mỹ, gây ảnh hưởng đến sức mạnh của đồng USD và một số lĩnh vực kinh tế, trong đó có lộ trình điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Thực tế, vào tháng 10, khi khả năng chiến thắng của Trump được dự báo tăng, chỉ số DXY đại diện sức mạnh đồng USD tăng gần 3,3%, giá hợp đồng tương lai vàng tăng 5,5%, liên tục đạt mức cao mới. Dự báo lộ trình cắt giảm lãi suất năm 2025 cũng có xu hướng được kéo dài. Những yếu tố này đã và sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nhìn chung, khi Trump đắc cử, các ngành như khu công nghiệp, dệt may và gỗ có thể hưởng lợi; ngành thủy sản, chất dẻo, dầu khí sẽ có ảnh hưởng trung lập; trong khi thép và năng lượng tái tạo có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Ngành gỗ sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản, bất kể kịch bản nào.
URL: https://thitruongbiz.vn/thi-truong-tai-chinh-viet-nam-se-ra-sao-sau-ket-qua-bau-cu-my-d26014.html
© thitruongbiz.vn