Diễn biến phiên giao dịch ngày 11/3
Diễn biến phiên giao dịch ngày 11/3

Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/3, VN-Index giảm gần 13 điểm, xuống còn 1.466,54 điểm; HNX-Index giảm gần 6 điểm, còn 442,2 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt trên 1.213 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị giao dịch 34.655 tỷ đồng.

GAS là cổ phiếu đáng chú ý nhất trong nhóm VN30 khi có một phiên điều chỉnh mạnh nhất kể từ đầu năm. Đóng cửa, cổ phiếu GAS giảm 4,73%, là nguyên nhân thổi bay gần 3 điểm ở VN-Index và tới gần 4 điểm ở VN30. PLX cũng giảm tới 5,38%, mức giảm kỷ lục trong một ngày kể từ phiên 22/11/2021.

Cổ phiếu dầu khí cũng giảm ngay cả khi giá dầu đã có diễn biến phục hồi trở lại sau hai phiên giảm mạnh vừa qua. Các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường như chứng khoán, dầu khí, thép, bất động sản, xây dựng...hầu hết đều giảm mạnh.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa trái chiều. BID tăng 2,2%, MBB tăng 1,29%, STB tăng 1,58%, HDB tăng 1,3%, EIB tăng 3,21%, trong khi TCB, VPB, ACB, VIB, TPB, MSB, LPB quay đầu giảm.

Bên cạnh đó, cổ phiếu xi măng bất ngờ bứt phá khi HT1, BTS kết phiên trong sắc tím, BCC cũng tăng khá mạnh. Cổ phiếu phân bón, hay gỗ cũng hiếm hoi tăng giữa lúc thị trường đỏ lửa.

Nhóm cổ phiếu khai khoáng với các dòng dầu khí và khai thác than đều bị chốt lời mạnh, các mã PVC, PVB, TC6, TMB, TDN, HLC… đồng loạt kịch sàn. Bên cạnh đó, hàng loạt các ngành như chứng khoán, vật liệu xây dựng, bán lẻ, chế biến thủy sản… đều có diễn biến kém lạc quan.

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 5,44 điểm (1,22%) xuống 442,2 điểm. Ngược lại, UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (0,07%) lên 115,37 điểm.

Thanh khoản thị trường duy trì mức cao với giá trị giao dịch 3 sàn đạt 36.000 tỷ đồng. Về giao dịch khối ngoại, họ bán ròng 545 tỷ đồng trên HOSE.

Trước đó, trong phiên sáng, áp lực từ nhóm cổ phiếu Large Cap là nguyên nhân chính khiến các chỉ số giao dịch trong sắc đỏ. Kết phiên sáng, VN-Index giảm nhẹ 3,74 điểm, xuống còn 1.475,34 điểm; HNX-Index giảm 1,93 điểm, xuống còn 445,71 điểm. Độ rộng toàn thị trường kết phiên sáng nghiêng về bên bán với 516 mã giảm và 443 mã tăng. Trong rổ VN30, sắc đỏ chiếm ưu thế với 21 mã giảm, 8 mã tăng và 1 mã đứng giá.

Theo nhận định của CTCK Yuanta Việt Nam, việc chỉ số VN-Index điều chỉnh nhẹ trong biên độ 1.470 – 1.490 điểm ngày 11/3 là điều trong dự đoán. Đồng thời, dòng tiền vẫn suy yếu tại các nhịp tăng của thị trường cho thấy, các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại, trong khi đó nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn đang thu hút dòng tiền ngắn hạn cho nên dòng tiền ngắn hạn có thể sẽ tiếp tục phân hóa ở những phiên giao dịch tới.

Điểm tích cực là rủi ro ngắn hạn từ TTCK thế giới đã có chiều hướng giảm cho thấy, tâm lý nhà đầu tư có thể sẽ giảm bi quan hơn so với giai đoạn trước. Xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục với tỷ trọng 55-60% danh mục.

Còn theo CTCK MB (MBS), triển vọng đối với nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ thị trường hàng hóa cơ bản vẫn trong xu hướng tích cực khi các yếu tố hỗ trợ vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét. Bên cạnh nhóm cổ phiếu này, nhà đầu tư có thể quan tâm đến nhóm cổ phiếu bất động sản khi dòng tiền chốt lời đang có dấu hiệu quay lại đối với nhóm cổ phiếu bất động sản.

CTCK Đông Á (DAS) thì khuyến nghị nhà đầu tư có thể quan tâm vào các cổ phiếu hàng hóa như cổ phiếu thép, dầu khí, hóa chất cơ bản và nhóm thủy sản xuất khẩu trong ngắn hạn. Đối với cổ phiếu ngân hàng và bảo hiểm. có thể mua cho vị thế trung hạn khi đang tạo nền giá tích lũy.