Thông qua sự hợp tác này, Qualcomm Technologies sẽ tài trợ tổng cộng 100.000 USD cho PTIT, bao gồm chi phí nhân sự, thiết bị, vật tư phòng thí nghiệm, phí quản lý hành chính của trường đại học, cũng như phí tổ chức các buổi thảo luận, hội thảo và xuất bản thông tin. Trong thời gian 12 tháng, bốn nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành bốn dự án chuyên ngành trong các lĩnh vực 5G, AI, IoT và hệ thống UAV (phương tiện bay không người lái).

Bốn dự án nghiên cứu được chọn gồm có:

Nghiên cứu hệ thống máy bay không người lái (UAV) nhằm phát hiện hư hỏng về đường bộ sau lũ quét sử dụng GPS, bản đồ số và thị giác máy tính bằng công nghệ học sâu (deep learning). Dẫn dắt bởi TS. Nguyễn Việt Hùng và ThS. Vũ Hoài Nam, cùng một nhóm gồm các sinh viên lập trình viên, kiểm định chất lượng và thiết kế, dự án này nhằm phát triển một hệ thống UAV để giám sát thiệt hại các con đường sau lũ quét, một bản đồ số để tái hiện thực trạng của con đường bị hư hỏng và thực hiện một bài báo đăng tải trên tạp chí khoa học quốc tế (ISI).

Dự án Phát triển Kiến trúc Internet vạn vật (IoT) trên nền tảng 5G với hiệu suất cao, độ trễ thấp và an toàn bảo mật. Dự án này sẽ tiến hành thực hiện hai bài báo trên các Tạp chí được chỉ mục ISI/Scopus, ba bài báo trên các tạp chí Khoa học Quốc gia, ba hội thảo quốc gia và quốc tế.

Dự án điện toán biên cho Internet Vạn vật (IoT) - do TS. Hoàng Trọng Minh chủ trì và thực hiện, sẽ xuất bản hai bài báo được chỉ mục Q3/Scopus hoặc một bài báo được chỉ mục Q2/Scopus.

Dự án Phát triển các giải pháp chăm sóc sức khỏe số dựa trên Internet of Medical Things (IoMT) và Trí tuệ nhân tạo (AI) - do TS. Lê Hải Châu, Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Thị Thu Hằng và Nguyễn Trọng Trung Anh dẫn dắt và tiến hành. Nghiên cứu này sẽ đào tạo ít nhất một sinh viên Thạc sĩ, một bài báo được chỉ mục ISI/Scopus và một bài xuất bản trong hội nghị quốc tế hoặc tạp chí quốc gia.

Đại diện các đơn vị tham gia sự kiện.

Đại diện các đơn vị tham gia sự kiện.

Kể từ khi thành lập văn phòng tại Hà Nội vào năm 2003 và sau đó là tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2014, Công ty TNHH Qualcomm Việt Nam luôn đóng góp vai trò quan trọng trong cách con người kết nối, tính toán và giao tiếp tại Việt Nam - bao gồm việc sử dụng 2G, 3G, 4G và bây giờ là 5G. Qualcomm Việt Nam đã hợp tác thành công với các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) và các nhà mạng di động hàng đầu Việt Nam trong nhiều năm. Gần đây Qualcomm còn bắt tay hỗ trợ các ban ngành và chính phủ hiện thực hóa chính sách Công nghiệp 4.0 và mục tiêu “Make in Vietnam”.

PGS.TS. Đặng Hoài Bắc, Phó Giám đốc PTIT cho biết: “Việc hợp tác với các tập đoàn hàng đầu thế giới, đặc biệt là một trong bốn công ty công nghệ lớn (BigTech) như Qualcomm Technologies là một trong những chiến lược ưu tiên hàng đầu của PTIT. Bốn dự án hợp tác khoa học và công nghệ trên được công bố và triển khai từ đầu năm 2022 sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp và lâu dài, mang lại lợi ích cho cả Qualcomm Technologies và PTIT. Các dự án này cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Bộ TT&TT Việt Nam. PTIT chân thành cảm ơn Tập đoàn Công nghệ Qualcomm đã hỗ trợ hết mình trong hoạt động nghiên cứu khoa học và mong muốn các hoạt động hợp tác ngày càng hiệu quả và mở rộng hơn để giúp Việt Nam trở thành cường quốc công nghệ số trong khu vực.”

Alex Rogers, Chủ tịch Qualcomm mảng Bản quyền công nghệ và Hợp tác đối ngoại chia sẻ: “Chúng tôi rất hứng khởi về thoả thuận hợp tác này với PTIT. Việt Nam đã và đang vững bước tiến vào kỷ nguyên mới của 5G, AI, điện toán đám mây và các ứng dụng công nghệ IoT đa dạng. Vì vậy, Qualcomm Technologies tự hào khi được hỗ trợ và thúc đẩy cho các ý tưởng đổi mới, nhằm thể hiện sức mạnh và sự sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo công nghệ của Việt Nam. Tôi chắc chắn rằng sự hợp tác nghiên cứu này với PTIT sẽ mang lại kết quả tốt đẹp và thành công.