Theo đó, ngày 22/3/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 148/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – Công ty cổ phần (Công ty) (Địa chỉ trụ sở chính: Tòa nhà Viện Dầu khí Việt Nam, số 167, đường Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam), cụ thể như sau:

Phạt tiền 70.000.000 đồng (mức cao nhất của khung phạt từ 50.000.000 – 70.000.000 đồng) theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (nay là điểm a khoản 3 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP);

Phạt tiền 125.000.000 đồng (mức trung bình của khung phạt từ 100.000.000 – 150.000.000 đồng) theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Vì đã có hành vi vi phạm hành chính: Công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật (Công ty công bố thông tin (CBTT) không đúng thời hạn theo quy định pháp luật trên hệ thống CBTT của Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh và trên hệ thống CBTT của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (IDS) các tài liệu sau: CBTT về việc thành lập chi nhánh của Công ty ngày 22/6/2020, CBTT bất thường về việc thành lập Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo ĐLDK ngày 10/8/2020, Quyết định nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí của ông Nguyễn Hữu Quý – Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) ngày 31/8/2020);

Không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập (Công ty có 7 thành viên HĐQT, trong đó có 1 Thành viên HĐQT độc lập, không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên HĐQT độc lập theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 276 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán).

POW bị xử phạt 195 triệu đồng, cổ phiếu 'lao dốc'
Ảnh minh họa

Ngoài ra, POW vừa có thông báo giải trình kết quả kinh doanh bị thua lỗ trong quý IV/2021. Theo báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Gao dịch Chứng khoán TP.HCM, trong quý IV/2021, tổng doanh thu và thu nhập hợp nhất toàn Tổng Công ty chỉ đạt hơn 3.709 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận sau thuế hợp nhất toàn Tổng Công ty bị lỗ hơn 1,13 tỷ đồng, giảm 100% so với cùng kỳ năm 2020.

Kết quả kinh doanh trong quý IV/2021 bị sụt giảm mạnh là do sản lượng điện sản xuất của hầu hết các nhà máy điện trong toàn tổng công ty đều giảm so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể:

Tại Công ty mẹ, sản lượng điện tại Nhà máy điện Cà Mau 1&2 chỉ đạt 651 triệu kWh, giảm 685 triệu kWh so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng điện tại Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 chỉ đạt 14 triệu kWh, giảm 251 triệu kWh so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng điện tại Nhà máy điện Vũng Áng 1 chỉ đạt 597 triệu kWh, giảm 657 triệu kWh so với cùng kỳ năm 2020.

Tại Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na (HHC), tuy tình hình thủy văn có thuận lợi nhưng lưu lượng nước về hồ chỉ đạt khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2020 dẫn đến sản lượng giảm, doanh thu giảm nhưng giá vốn giảm không đáng kể do các chi phí cố định của thủy điện không thay đổi. Điều này dẫn đến lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý IV/2021 của HHC chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2020.

Tại Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), mặc dù doanh thu bán hàng tăng, doanh thu tài chính tăng và chi phí tài chính giảm nhưng chi phí nguyên liệu khí đầu vào tăng cao dẫn đến giá vốn tăng 42% nên lợi nhuận sau thuế giảm 57% so với cùng kỳ năm 2020.

Được biết, tính tới 31/12/2021, POW đang ghi nhận đầu tư 320 tỷ đồng vào CTCP Điện Việt Lào theo hình thức đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. Ngoài ra, CTCP Điện Việt Lào được thành lập chính thức tháng 7/2003 với tên gọi CTCP Đầu tư và Phát triển điện Việt –Lào, thực hiện dự án thủy điện Xekaman 3 tại Lào.

Theo dữ liệu tới tháng 11/2019, cổ đông lớn của CTCP Điện Việt Lào bao gồm Tổng Công ty Sông Đà – CTCP sở hữu 35,11% vốn điều lệ; CTCP Quản lý Đầu tư Xây dựng Việt Hà sở hữu 20,79% vốn điều lệ; POW sở hữu 9,85% vốn điều lệ; Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt sở hữu 9,6% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư Xây dựng Xuân Mai Sài Gòn sở hữu 8,32% vốn điều lệ; Công ty TNHH Khải Hưng sở hữu 7,98% vốn điều lệ; và các cổ đông khác.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý IV/2021, POW ghi nhận doanh thu giảm 54,7% so với cùng kỳ về 3.598,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm 1,13 tỷ đồng so với cùng kỳ 1.175,6 tỷ đồng.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 2.013,2 tỷ đồng về âm 326,3 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng thêm 103,31 tỷ đồng lên 106,9 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 803,69 tỷ đồng về âm 396,99 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, trong kỳ công ty đã kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp âm. Tuy nhiên, nhờ việc hoàn nhập dự phòng chi phí quản lý so với cùng kỳ trích lập đã giúp công ty giảm tác động tiêu cực.

Lũy kế trong năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu đạt 24.565,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.032,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 17,4% và 23,7% so với cùng kỳ.

Năm 2021, POW đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu là 28.403,6 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 1.548,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 6% và 42% so với thực hiện năm trước. Như vậy, kết thúc năm tài chính với lợi nhuận trước thuế đạt 2.319,3 tỷ đồng, công ty hoàn thành 149,8% kế hoạch lợi nhuận năm.

POW bị xử phạt 195 triệu đồng, cổ phiếu 'lao dốc'

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/3, cổ phiếu POW hiện ở mức 16.700 đồng/cổ phiếu.