Tân Triều (Đồng Nai) là một trong những vùng trồng bưởi nổi tiếng đã được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý vào năm 2012. Ngoài việc tiếp tục trồng bưởi để giữ gìn thương hiệu bưởi Tân Triều, một số hộ dân còn mở rộng mô hình du lịch sinh thái để phát triển đặc sản bưởi của vùng này.

Ông Năm Huệ (80 tuổi) là đời nông dân thứ 6 trong gia đình làm nghề nông. Nhìn thấy bản thân người nông dân quá thiệt thòi vì bị ép giá, ông Năm Huệ quyết định trồng một loại cây đặc sản là bưởi thay vì trồng mía, lúa và đậu bắp như trước đây.

Ngược dòng ký ức

Cách TP Biên Hòa chừng 10km về phía Bắc, Tân Triều là vùng đất chuyên canh cây bưởi cho đến hiện nay. Theo truyền thuyết, năm 1869, vị cha xứ của nhà thờ Tân Triều đã đem hai giống bưởi là bưởi đường lá cam và bưởi đường cao nốm từ Brazil về trồng. Cả hai giống bưởi này đều phát triển rất tốt và cho ra những quả bưởi có vị ngon. Người dân ở khu vực quanh nhà thờ bắt đầu nhân giống ra trồng và từ đó đem lại thương hiệu bưởi Tân Triều nổi tiếng khắp mọi miền.

IMG_2933

Ông Năm Huệ, người "giữ lửa" cho làng bưởi Tân Triều.

Theo dòng ký ức của ông Năm Huệ, sau trận lụt Nhâm Thìn (1952), người dân ở vùng đất Tân Triều không còn trồng trầu mà chuyển sang trồng bưởi. Bởi lẽ, các giống bưởi này thích hợp với thổ nhưỡng của cù lao Tân Triều. Ban đầu, gia đình ông Năm Huệ chỉ trồng vài cây bưởi vì thời đó ông chỉ trồng mía, đậu bắp,… Đến năm 1993, ông tập trung trồng và phát triển bưởi Tân Triều.

Để lựa chọn loại bưởi thích hợp với cù lao Tân Triều, ông cho trồng thử bưởi đường lá cam và đường cao nốm. Tuy nhiên, vì Tân Triều là vùng trũng thấp và có độ ẩm cao nên không phù hợp với dòng bưởi đường cao nốm. Theo ông Năm Huệ, hầu như bây giờ, người dân không còn biết đến bưởi đường cao nốm mà lựa chọn trồng bưởi đường lá cam, vì loại bưởi này thích nghi mọi thời tiết khắc nghiệt.

Tại thời điểm lập vườn chuyên canh, bưởi đường cao nốm có giá 120.000 đồng/12 trái nhưng ông Năm Huệ lại chọn trồng bưởi đường lá cam có giá 100.000 đồng/12 trái. Bởi lẽ, người nông dân này hiểu được đặc tính của các giống bưởi. Dù nhỏ trái, nhưng bưởi đường lá cam cho năng suất cao.

Được biết, tổng diện tích của cù lao Tân Triều hiện nay khoảng 1.800ha, trong đó diện tích trồng bưởi chuyên canh là 300ha. Tuy nhiên, tại đây số hộ dân sở hữu vườn bưởi được tính bằng ha không nhiều. Có được 4ha, ông Năm Huệ tận dụng 1,5ha trồng bưởi.

Ông Năm Huệ tâm sự: “Nếu một ngày không còn bưởi Tân Triều nữa chắc tôi buồn lắm”.

Làm du lịch để “giữ lửa” cho niềm đam mê

Năm 2001, ông Năm Huệ mở khu du lịch sinh thái nhằm đưa trái bưởi đến tận tay người tiêu dùng mà không qua trung gian. Thời gian đầu, số lượng khách biết đến khu du lịch của ông không nhiều. Bắt đầu với 6 nhân viên nhưng ông vẫn quyết định mở cửa và duy trì cho đến hiện nay.

IMG_2937

Bưởi Tân Triều được bồi đắp phù sa bởi sông Đồng Nai và rạch Tân Triều đã tạo nên vị riêng cho giống bưởi này.

Ban đầu, ông Năm Huệ chỉ dựng một cái chòi nhỏ trong vườn bưởi để khách đến mua có chỗ ngồi nghỉ ngơi. Dù mua 1 trái hay 10 trái thì việc mở cửa để khách hàng được tận tay chọn lựa là mơ ước của ông. Về sau, ông Năm Huệ bắt đầu mở thêm bếp và bán các món chế biến từ bưởi như nước bưởi, chè bưởi, trà bưởi, rượu bưởi, gỏi bưởi,…

“Vừa rồi nếu không may dịch Covid-19 kéo dài thêm 1 - 3 tháng nữa chắc tôi đã giải thể khu du lịch này. Lúc dịch bùng phát, nhân viên tôi giữ hết không cho về, địa phương có thông báo tôi làm danh sách để nhận tiền hỗ trợ nhưng tôi từ chối, vì tôi hiểu nhiều nơi còn khó khăn hơn. Lúc đó, một chuyến xe chở bưởi đi bán chỉ được 10 - 12 triệu thay vì 60 - 70 triệu như trước. Bây giờ thì tôi vui vì được mở cửa trở lại dù còn nhiều vấn đề cần khắc phục”, ông Năm Huệ xúc động kể lại.

Điều làm nên sự đặc biệt của bưởi Tân Triều và các món ăn được chế biến từ bưởi là cây bưởi phải được trồng tại cù lao Tân Triều. Theo ông Năm Huệ, nếu đem giống bưởi Tân Triều trồng ở nơi khác thì bưởi vẫn cho ra vị ngon nhưng không giữ chất riêng của vùng đất này. Bởi lẽ, cù lao Tân Triều được bồi đắp phù sa từ sông Đồng Nai và rạch Tân Triều.

Cây bưởi được chăm sóc từ lúc nhỏ cho đến khi sum suê trái là cả tâm huyết của ông. Làm giàu từ bưởi không phải là tất cả những điều ông mong muốn, ông muốn "bưởi Tân Triều phải thật sự là bưởi của cù lao Tân Triều". Thế nên mới có câu chuyện ông quyết định không nhận lời khi có người ngỏ ý đặt “mấy container” bưởi quả, cũng như làm số lượng lớn rượu để xuất khẩu.

"Các anh trong cơ quan ban ngành tỉnh Đồng Nai có mấy lần mời tôi tham gia hội thảo, sự kiện về xúc tiến thương mại xuất khẩu, nhưng sau này tôi từ chối. Tôi nói các anh có mời tôi đi cũng chỉ làm tốn kém ngân sách thôi, vì tôi không muốn làm bưởi chỉ để xuất khẩu", ông Năm Huệ bộc bạch.

Theo ông Năm Huệ, số lượng bưởi Tân Triều có hạn, trong khi đó nhu cầu xuất khẩu rất cao và cần số lượng lớn. Vì vậy, nếu không đủ bưởi để xuất khẩu đồng nghĩa với việc bản thân ông phải đi thu gom từ nhiều nơi khác. Ông sợ như vậy sẽ làm thương hiệu bưởi Tân Triều biến chất.