Du lịch mở cửa hoàn toàn trở lại từ giữa tháng 3, doanh nghiệp vừa mừng, vừa lo.
Du lịch mở cửa hoàn toàn trở lại từ giữa tháng 3, doanh nghiệp vừa mừng, vừa lo.

Lúng túng khi du khách đi cùng tour bị COVID-19

Việc có chính sách mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3 sẽ tạo điều kiện tốt nhất ngành du lịch sớm phục hồi. Điều đó có nghĩa, toàn bộ điểm tham quan sẽ được mở lại, hệ thống dịch vụ các loại được khôi phục hoàn toàn, tần suất giao thông được đảm bảo đủ chuyến như trước đây. Dù vậy, đó mới chỉ là phía du lịch trong nước. Đối với du lịch quốc tế, Việt Nam mở cửa mới chỉ là một phần, phần còn lại liên quan đến các điều kiện thủ tục đón khách, việc đi lại và quy định phòng dịch giữa các quốc gia.

Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, các địa phương sẽ căn cứ vào mức độ an toàn và kết quả phòng chống dịch để triển khai mở cửa du lịch. Điều kiện đón khách du lịch sẽ bám sát vào tiêu chuẩn về phòng chống dịch theo Bộ Y tế. Vấn đề về thị thực sẽ áp dụng nhiều biện pháp mới như áp dụng visa điện tử, miễn thị thực đơn phương, song phương.

Tất cả các cửa khẩu cũng đã sẵn sàng đón khách, khách quốc tế vào Việt Nam thì được đối xử như khách nội địa. Hiện, việc yêu cầu kết quả xét nghiệm COVID-19 cũng được nới lỏng hơn. Khi nhập cảnh qua đường hàng không, khách quốc tế sẽ được áp dụng cả hai phương pháp xét nghiệm: Kết quả PCR có giá trị trong 72 giờ, test nhanh có giá trị trong 24 giờ. Du khách quốc tế sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được tham gia các hoạt động du lịch và tự theo dõi sức khoẻ trong 14 ngày, giống như điều kiện của khách nội địa. Du khách nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ và đường biển chỉ cần test ngay cửa khẩu, có kết quả âm tính là được nhập cảnh.

Như vậy, với thời điểm mở cửa chậm hơn so với một số nước trong khu vực, ví như Singapore, Thái Lan,…, các doanh nghiệp du lịch sẽ có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị đón khách trong điều kiện bình thường mới. Dù vậy, hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang trong trạng thái vừa mừng, vừa lo trước đợt mở cửa sắp tới này.

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay vẫn là rủi ro bùng phát dịch bệnh. Theo nhận định của ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, điều cần làm của ngành du lịch hiện nay là làm thế nào để triển khai trong trạng thái bình thường mới đảm bảo an toàn. Đáng nói, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về những quy chuẩn ứng xử mới trong bối cảnh dịch bệnh. Đơn cử, nếu công ty du lịch có trường hợp du khách đi tour bị mắc COVID-19 thì trách nhiệm của du khách là gì, trách nhiệm của công ty du lịch là gì, nếu phải cách ly thì chi phí đó ai phải chịu…

Không chỉ vấn đề về an toàn, sự “đứt gãy” trong chuỗi cung ứng du lịch cũng là vấn đề đáng lo ngại. Ví dụ điển hình là các doanh nghiệp vận tải, sau thời gian dài dừng hoạt động, đã tự tăng giá. Một đại diện doanh nghiệp lữ hành cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, chi phí hàng không đã tăng giá cao “ngất ngưởng” mà không thông báo cho đơn vị lữ hành, khiến họ không xoay xở kịp. Bên cạnh đó, giá cả “leo thang” sẽ phần nào giảm thiểu mong muốn đi du lịch của du khách bởi sau dịch bệnh, không chỉ doanh nghiệp khó khăn mà chính người lao động cũng chịu nhiều tổn thất về tài chính.

Chưa kể, dù đã được phép mở cửa trở lại, nhưng chưa thể khẳng định, các doanh nghiệp sẽ có khách ngay lập tức. Vì vậy, thời gian ban đầu có thể chỉ là thời điểm các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch diễn ra để thu hút du khách. Nhiều doanh nghiệp đã đề xuất, hoạt động xúc tiến sản phẩm của doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ xúc tiến điểm đến của cơ quan quản lý Nhà nước nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. Tổng cục Du lịch cũng thông tin, thời gian tới, đơn vị xác định vẫn tập trung quảng bá du lịch Việt Nam tới thị trường truyền thống như Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu..., đặc biệt các nước thừa nhận Hộ chiếu vaccine.

Nỗi lo tái thiết du lịch

Áp dụng công nghệ còn hạn chế

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, việc đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng công nghệ để phát triển du lịch thông minh được cho là một giải pháp có hiệu quả để đẩy nhanh sự thích nghi của ngành công nghiệp không khói. Như ông Nguyễn Quý Phương đánh giá, trong trong bối cảnh mở cửa bình thường mới, thời điểm mở cửa không chỉ ở chính sách mà cả hạ tầng, điều kiện, để khi mở cửa phải đảm bảo chất lượng, dịch vụ.

Những xu hướng như du lịch thông minh (smart tourism), du lịch trực tuyến (e-tourism) đã được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai với hình thức đa dạng, thậm chí trở thành “mũi nhọn” giúp tăng trưởng du lịch trở lại. So với Việt Nam, những xu hướng này vẫn chưa thực sự rõ ràng. Việc ứng dụng công nghệ vào du lịch vẫn còn tương đối manh mún, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ninh...

Đơn cử, tại Hà Nội đã triển khai áp dụng một số phần mềm tiện ích thông minh hỗ trợ du khách tại các điểm đến như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long, Nhà tù Hoả Lò,… Còn TP Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng một số trạm thông tin du lịch thông minh, phần mềm du lịch thông minh như: “Vibrant Ho Chi Minh city”, “Sai Gon Bus”, “Ho Chi Minh City Travel Guide”,… Tại Huế, Di tích Lăng Tự Đức nằm trong 30 di tích được Google lựa chọn để số hóa 3D, giúp tăng hiệu quả quảng bá tới du khách.

Nỗi lo tái thiết du lịch

Đáng nói nhất là Đà Nẵng, từ năm 2018, chính quyền thành phố đã cho áp dụng ứng dụng Chatbot “Da Nang Fantasticity”, cùng một hệ thống phần mềm, tiện ích khác như “inDaNang”, “Da Nang Tourism”, “Go! Đà Nẵng”, “Da Nang Bus”. Đồng thời, thành phố cũng xây dựng hệ thống thuyết minh audio tự động tại một số điểm đền do Nhà nước quản lý; ứng dụng QR Code trong thông tin, giới thiệu các điểm tham quan, dịch vụ du lịch.

Trong bối cảnh dịch bệnh, Tổng cục Du lịch cũng đã áp dụng một số giải pháp công nghệ mới, bao gồm: nâng cấp ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn, Hệ thống khai báo an toàn COVID-19, Hộ chiếu vaccines. Như vậy, du khách có thể truy cập vào các thông tin quan trọng trong mùa dịch như bản đồ số du lịch an toàn, khai báo y tế, chứng nhận tiêm chủng, thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh ở các địa phương…

Như vậy, có thể thấy, sau hai năm dịch bệnh, các phát minh khoa học công nghệ mới trong ngành du lịch Việt Nam vẫn còn khá ít ỏi. Để ứng phó với dịch bệnh, công nghệ phổ biến nhất hiện được áp dụng vẫn chỉ là QR Code. Ngoài ra, thực tế cho thấy, nhiều địa phương vẫn chưa có hạ tầng công nghệ đáp ứng nhu cầu bình thường mới. Theo Chỉ số xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, có nhiều địa phương dù có du lịch phát triển nhưng vẫn đạt chỉ số này rất thấp như: Ninh Bình, Quảng Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Lào Cai…

Những lý do chính được đưa ra là các doanh nghiệp du lịch, phần lớn là vừa và nhỏ, vẫn còn hạn chế trong khả năng đầu tư cho công nghệ mới. Sau mùa dịch, doanh nghiệp đã khó còn khó hơn, nhiều doanh nghiệp đã phá sản hoặc chưa thể hoạt động trở lại vì thiếu nguồn vốn, nhân lực, khách hàng… Do đó, khả năng tiếp cận của ngành du lịch các địa phương đối với xu hướng du lịch thông minh trên thế giới vẫn còn thấp.

Nhìn chung, việc mở cửa hoàn toàn du lịch hiện nay đúng là một tín hiệu đáng mừng, nhưng kèm theo đó cũng là rất nhiều mối lo ngại về sự an toàn, khả năng phục hồi, thích nghi và cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Sự phục hồi của du lịch thế giới còn khá mong manh

Theo kết quả khảo sát đầu năm nay của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), dù đã có một số dấu hiệu tăng trưởng đáng khích lệ song sự phục hồi du lịch thế giới vẫn còn khá mong manh. Thống kê lượng khách quốc tế trong năm 2021 vẫn ở mức giảm, thấp hơn 70-75% so với năm 2019.

Năm 2022 sẽ có triển vọng tốt hơn, phần lớn các chuyên gia kỳ vọng rằng sự phục hồi sẽ diễn ra vào quý 3 của năm 2022. Các kịch bản của UNWTO chỉ ra năm 2022 lượng khách du lịch quốc tế có thể tăng từ 30% đến 78% so với năm 2021. Theo đó, du lịch nội địa, du lịch gần nhà, các hoạt động ngoài trời, các sản phẩm du lịch dựa vào thiên nhiên và du lịch nông thôn sẽ tiếp tục nằm trong những xu hướng du lịch năm 2022. Dù vậy, theo dự đoán, lượng khách quốc tế chỉ có thể quay trở lại mức năm 2019 sớm nhất vào năm 2024.

Những yếu tố chính quyết định sự phục hồi của du lịch quốc tế bao gồm: việc triển khai tiêm chủng nhanh chóng, việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại, sự hợp tác chặt chẽ hơn và thông tin rõ ràng hơn về các quy định đi lại giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ.