Nền kinh tế đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, tuy nhiên vẫn có những điểm sáng và GDP sẽ đảo chiều khi các biên pháp mở cửa thị trường được kích hoạt… Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo trực tuyến “Bức tranh kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long - Dự báo quý IV và triển vọng năm 2022” diễn ra ngày 1/10.
Hội thảo do Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI tại Cần Thơ phối hợp với Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức.
Bức tranh kinh tế vẫn có những điểm sáng
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch VCCI cho biết, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ cuối tháng 4/2021 với 774.855 ca nhiễm (tính đến 29/9), do biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm trong cả nước, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
Đáng chú ý là số doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số DN thành lập mới. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2021, cả nước có 117,8 nghìn DN gia nhập thị trường, trong đó, số DN thành lập mới là 85,5 nghìn DN, giảm 13,6%. Cũng trong 9 tháng này, có 90,3 nghìn DN rút khỏi thị trường (trung bình mỗi tháng có 10 nghìn DN), tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Sản xuất kinh doanh của DN thuộc nhiều ngành kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Riêng vùng ĐBSCL, con số các DN tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng qua lên tới gần 90%. Các DN có thể duy trì hoạt động thông qua thực hiện “3 tại chỗ” cũng chỉ hoạt động được từ 5-10% công suất trong khi chi phí rất cao (quy định phải bình ổn giá, chi phí hỗ trợ người lao động, thực hiện “3 tại chỗ”, nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển…).
Nền kinh tế sẽ ‘bật’ trở lại khi biện pháp mở cửa thị trường được kích hoạt |
Tuy đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng theo ông Thành, bức tranh kinh tế vẫn có những điểm sáng. GDP 9 tháng tăng trưởng dương (1,42%). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu tăng 18,8%; nhập khẩu tăng 30,5%, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/9 đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù GDP quý III/ 2021 giảm mạnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng 1,04% trong khi các khu vực khác giảm. Sự đóng góp của ĐBSCL - trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến lương thực, thực phẩm lớn của cả nước trong việc duy trì sự tăng trưởng là vô cùng lớn.
Lấy lại “ánh hào quang”
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC, nguyên Chủ tịch VCCI phát biểu: “Chúng ta tin tưởng rằng, sự suy giảm GDP trong quý III chỉ là nhất thời, GDP sẽ đảo chiều khi các biện pháp mở cửa thị trường được kích hoạt. Và chúng ta có thể không đạt được mục tiêu 3,5 – 4% như dự kiến nhưng vẫn có khả năng tăng trưởng vào quý IV này và trong năm 2022, đà tăng trưởng sẽ hồi phục lại.”
Theo ông Lộc, mỗi địa phương cần tái cấu trúc để phục hồi tăng trưởng. Đối với nền kinh tế của mỗi địa phương và DN, quá trình phục hồi cũng chính là quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.
“Trong cơ cấu kinh tế mới của chúng ta, DN dân tộc phải là chủ đạo. DN vừa và nhỏ sẽ lên ngôi. Thị trường nội địa sẽ là chỗ đứng, hội nhập phải đa phương. Đó là những định hướng tái cấu trúc của tương lai” – Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc nói.
Về khu vực ĐBSCL, theo ông Vũ Tiến Lộc, vùng này không dựng đê điều như ngoài Bắc, từ hàng ngàn năm, ĐBSCL đã là 1 hệ sinh thái an toàn sống chung với ngập mặn thành công. ĐBSCL sẽ tạo ra một hệ sinh thái có hiệu quả, sống chung an toàn với Covid và bứt phá vượt lên trong thời gian tới.
Chủ tịch VIAC cho biết thêm, ngay trong năm 2021, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 5,6%, là mức phục hồi lớn nhất trong vòng 80 năm qua. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có nguy cơ lỡ nhịp, phải đứng ngoài tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nền kinh tế lớn, cũng là các đối tác chiến lược của chúng ta đang phục hồi, đang nỗ lực nối lại các chuỗi cung ứng; các đối thủ cạnh tranh cũng đang tái khởi động và tranh thủ các đơn hàng.
Theo ông Lộc, giải cứu nền kinh tế, giải cứu DN đang là yêu cầu cấp bách. Thông điệp của chúng ta là: Việt Nam đã mở cửa, tái khởi động phục hồi nền kinh tế, rằng Việt Nam không để đại dịch kìm chân, virus sẽ không thể buộc Việt Nam phải đóng cửa nền kinh tế. Việt Nam đã đang và sẽ là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư.
“Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng kịch bản và triển khai mở cửa nền kinh tế. Bên cạnh khung khổ hướng dẫn chung của trung ương. Thiết nghĩ chúng ta cũng nên ủng hộ các giải pháp, phương án và kịch bản mở cửa và kích hoạt các hoạt động kinh tế của mỗi địa phương…” – Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc nói.
© thitruongbiz.vn