Trong mùa báo cáo tài chính quý II/2025, hàng loạt các ông lớn chứng khoán như VPS, ACBS, VIX... ghi nhận các tín hiệu tích cực khi hoàn thành phần lớn kế hoạch năm. Tuy nhiên, bức tranh tài chính tổng thể còn nhiều gam tối.
Trong quý II/2025, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 187,9 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả này đến từ sự tăng trưởng mạnh mẽ ở nhiều mảng hoạt động, đặc biệt là cho vay ký quỹ, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn và sự đảo chiều tích cực của tự doanh.
Trong quý II/2025, lãi từ các tài sản FVTPL của ACBS đạt 438,79 tỷ đồng, tăng gần 93% so với mức 227,99 tỷ đồng của quý II/2024. Sau khi trừ chi phí lỗ FVTPL 418,5 tỷ đồng và chi phí hoạt động tự doanh 6,4 tỷ đồng, ACBS lãi 14 tỷ đồng từ hoạt động này. Trước đó, trong quý II/2024, lỗ từ các tài sản FVTPL của ACBS cao vượt lãi khiến công ty lỗ hơn 15 tỷ đồng ở hoạt động này.
Trong kỳ, lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) cũng tăng mạnh, mang về 210,4 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản đầu tư này không mất chi phí nên đã trở thành mảng đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận thuần của ACBS.
Lãi từ các khoản cho vay và phải thu cũng tăng đến 61%, mang về 248,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, ACBS cũng đang dự phòng 212,7 tỷ đồng cho các khoản cho vay phải thu và chi phí đi vay của các khoản cho vay.
Ngược chiều với các hoạt động khác, mảng môi giới chứng khoán kỳ này chỉ mang về 99,7 tỷ đồng doanh thu, sụt giảm 10% so với quý II năm ngoái.
Kết quả, tổng doanh thu hoạt động của ACBS trong quý II vừa qua đạt 1.002 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 228 tỷ đồng, tăng trưởng gần 60%, góp phần kéo tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng lên số dương sau quý I tăng trưởng lợi nhuận âm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, ACBS đạt 1.755 tỷ đồng doanh thu hoạt động và 409 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, thực hiện được 30% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2025 (1.350 tỷ đồng).
Tính đến ngày 30/6/2025, tổng tài sản của ACBS đạt 33.857 tỷ đồng, tăng mạnh 30% so với đầu năm và vượt mục tiêu tài sản cả năm (32.850 tỷ đồng).
Trong đó, các khoản cho vay đã tăng thêm hơn 2.800 tỷ đồng lên 11.508 tỷ đồng và chiếm 34% tổng tài sản. ACBS tiếp tục gia tăng giá trị cho vay margin, dư nợ cho vay margin cuối quý II ở mức 11.420 tỷ đồng.
Danh mục đầu tư HTM tăng thêm gần 4.000 tỷ đồng, đạt 15.483 tỷ đồng. Đây là khoản đầu tư lớn nhất của ACBS tương đương gần 48% tổng tài sản. Trong đó, hơn 14.921 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, còn lại là là chứng quyền.
Danh mục các tài sản FVTPL của ACBS cũng được gia tăng đáng kể, tăng thêm 57% so với đầu năm lên 5.013 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị đầu tư vào cổ phiếu của công ty chứng khoán này lại giảm đáng kể, thay vào đó là khoản đầu tư trái phiếu mới phát sinh trong nửa đầu năm với giá trị 2.571 tỷ đồng, tương đương 51% danh mục FVTPL.
Để tài trợ cho sự mở rộng này, trong nửa đầu năm, ACBS đã tăng vốn điều lệ từ 7.000 tỷ đồng lên 11.000 tỷ đồng, đồng thời nâng tổng nợ phải trả từ 16.789 tỷ đồng đầu năm lên 20.271 tỷ đồng.
CTCP Chứng khoán VPS vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2025 với doanh thu hoạt động 1.723,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Đóng góp chính vào doanh thu của công ty là mảng môi giới với gần 478 tỷ đồng, tuy nhiên con số này đã thu hẹp 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Song chi phí môi giới của công ty cũng giảm 20% xuống 623,6 tỷ đồng. Như vậy, mảng này đem về 124 tỷ đồng cho VPS, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý II/2025, Chứng khoán VPS vẫn giữ ngôi đầu bảng với 15,37% thị phần toàn ngành, tuy nhiên đây là mức thị phần thấp nhất của công ty trong 9 quý trở lại đây.
Điểm sáng là hoạt động cho vay của VPS khởi sắc khi lãi từ cho vay và phải thu đạt 529,8 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Tại ngày 30/6/2025, dư nợ cho vay của VPS ghi nhận hơn 17.435 tỷ đồng, tăng tới 4.942 tỷ so với đầu năm, song con số này lại thu hẹp hơn 902 tỷ đồng so với cuối quý I. Trong đó chủ yếu là dư nợ cho vay ký quỹ (margin) với 17.013,8 tỷ đồng.
Trong kỳ, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 9% so với cùng kỳ lên 259,4 tỷ đồng. Khoản lỗ từ tài sản FVTPL lại giảm 6% so với cùng kỳ xuống còn 16,2 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc VPS lãi 243,2 tỷ đồng ở mảng này, trong khi cùng kỳ chỉ lãi 220,3 tỷ đồng. Lãi từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) cũng tăng gấp đôi lên 144,9 tỷ đồng.
Trừ đi các chi phí, Chứng khoán VPS ghi nhận lãi sau thuế 702,2 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm, Chứng khoán VPS ghi nhận doanh thu hoạt động giảm nhẹ xuống 3.192 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 40% so với cùng kỳ lên 1.797 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra, công ty đã hoàn thành được 37,5% mục tiêu doanh thu và 51% chỉ tiêu lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm.
Tại thời điểm 30/6/2025, tổng tài sản của công ty ở mức 32/138 tỷ đồng, tăng 1.770,4 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Ngoài biến động mạnh về các khoản cho vay nêu trên, thì khoản tiền và tương đương tiền của công ty cũng tăng mạnh từ 1.732 tỷ đồng hồi đầu năm lên 5.154 tỷ đồng.
Song danh mục FVTPL của Chứng khoán VPS lại thu hẹp đáng kể, từ con số 8.092 tỷ đồng hồi đầu năm xuống 2.498,8 tỷ đồng ở cuối quý II/2025.
Biến động chủ yếu từ công cụ thị trường tiền tệ chỉ ghi nhận 600 tỷ đồng, trong khi hồi đầu năm ở mức 6.953 tỷ đồng. Phần còn lại gồm trái phiếu niêm yết 1.562,8 tỷ đồng; trái phiếu chưa niêm yết 306 tỷ đồng; cổ phiếu niêm yết gần 15 tỷ đồng và cổ phiếu chưa niêm yết hơn 15 tỷ đồng.
Đến cuối quý II/2025, nợ phải trả của VPS ở mức 19.337,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, song lại giảm mạnh gần 5.000 tỷ đồng so với cuối quý I. Trong đó phần lớn là vay ngắn hạn với 13.431,5 tỷ đồng, tuy nhiên công ty không thuyết minh chi tiết các khoản vay.
CTCP Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2025 với nhiều điểm sáng.
Theo đó, doanh thu hoạt động của công ty ghi nhận 1.976 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng tới 7,6 lần lên 1.698 tỷ đồng. Song khoản lỗ từ các tài sản chính FVTPL chỉ tăng 60% lên 263 tỷ đồng.
Trừ đi, Chứng khoán VIX ghi nhận lãi thuần 1.435 tỷ đồng ở mảng này, gấp gần 23 lần so với con số 63 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là động lực chính đóng góp vào lợi nhuận của Chứng khoán VIX.
Giá gốc tài sản FVTPL ở thời điểm cuối quý II/2025 ghi nhận 11.301,4 tỷ đồng, trong khi đó giá thị trường ở mức 12.921,9 tỷ đồng. Như vậy, công ty đang lãi 1.620,5 tỷ đồng ở danh mục này.
Trong đó, cổ phiếu niêm yết ghi nhận giá trị gốc 5.086,8 tỷ đồng, công ty tạm lãi 1.098 tỷ đồng; cổ phiếu chưa niêm yết ghi nhận giá trị gốc 1.197 tỷ đồng, công ty lãi 47 tỷ đồng; ủy thác đầu tư có giá gốc 3.577,5 tỷ đồng và tạm lãi 476 tỷ đồng. Trái phiếu chưa niêm yết giữ nguyên giá trị gốc là 1.439,8 tỷ đồng.
Bên cạnh tự doanh, lãi từ các khoản cho vay và phải thu cũng tăng gấp 1,8 lần, đạt 214 tỷ đồng. Dư nợ cho vay margin của Chứng khoán VIX ở mức 9.278 tỷ đồng ở thời điểm cuối quý II, tăng 61% so với so với hồi đầu năm và là con số cao nhất từ trước đến nay.
Khấu trừ mọi chi phí, Chứng khoán VIX báo lãi sau thuế 1.301,6 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần so với con số 123,8 tỷ đồng đạt được cùng kỳ.
Giải trình về mức lợi nhuận cao đột biến này, ban lãnh đạo Chứng khoán VIX cho biết, việc VN-Index kết thúc quý II ở mức 1.376 điểm – cao nhất kể từ năm 2022 giúp hoạt động tự doanh của công ty tăng trưởng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 205, tổng doanh thu hoạt động của Chứng khoán VIX đạt 2.955,8 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với giai đoạn cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 2.067 tỷ đồng và 1.673 tỷ đồng, cùng tăng 5,8 lần so với cùng kỳ. Đây là mức lãi cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty, đồng thời đánh dấu mốc năm đầu tiên gia nhập câu lạc bộ công ty chứng khoán lãi nghìn tỷ.
Với kết quả đạt được, VIX đã vượt xa kế hoạch năm 2025 khi đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 1.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.200 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 30/6/2025, tổng tải sản của Chứng khoán VIX đạt 24.385 tỷ đồng, tăng 24% so với con số đầu năm.
Nợ phải trả của công ty tăng 17% so với đầu năm lên 6.666,6 tỷ đồng, tăng tới 3.105 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là 6.207 tỷ đồng vay ngắn hạn. Tuy nhiên công ty không thuyết minh chi tiết khoản vay.
Thực tế, các khoản vay của VIX đã phình to từ năm 2024. Từ con số 257 tỷ đồng vào cuối năm 2023, đến hết năm 2024 đã tăng gần 14 lần lên 3.562 tỷ đồng.
© thitruongbiz.vn