Một ngân hàng rót vốn cho một công ty bất động sản là điều rất bình thường trên thị trường. Thế nhưng việc Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) và Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vi Na (Land Sài Gòn) có quan hệ tín dụng với nhau lại khiến không ít người đặt câu hỏi về tính hợp pháp vì cả HDBank và Land Sài Gòn đều là các bên liên quan đến người phụ nữ giàu nhất Việt Nam: bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Ảnh: Bà Nguyễn Thị Phương Thảo
Ảnh: Bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Land Sài Gòn liên quan nhóm công ty của bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Trước đây, tại thời điểm hợp đồng tín dụng giữa hai bên phát sinh, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank và Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sovico. Sovico lại là cổ đông lớn của Land Sài Gòn.

Cụ thể, Land Sài Gòn có Tập đoàn Điện lực (EVN) là cổ đông lớn. Tuy nhiên, nhóm Sovico đã thực hiện nhiều thương vụ thâu tóm để trở thành cổ đông chi phối tại Land Sài Gòn.

Đến giữa năm 2014, Sovico đã nâng tổng sở hữu lên thành 50,86% vốn tại Land Sài Gòn. Cùng với 23,61% cổ phần LSG được sở hữu bởi Công ty Đại Á – có liên quan tới HDBank (ngân hàng có cổ đông lớn là Công ty cổ phần Sovico) và Chứng khoán Phú Gia nắm 5,75% thì nhóm cổ đông của Sovico đã nắm giữ tới 80,32% cổ phần tại Land Sài Gòn.

CTCP Địa ốc Đại Á có cổ đông sáng lập là Ngân hàng TMCP Đại Á – đơn vị đã sáp nhập vào HDBank từ cuối năm 2013.

Ông Nguyễn Quang Trung là Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Phú Gia (PGSC) – đơn vị do CTCP Đầu tư Sóng Việt (đơn vị thành viên của Sovico) cùng Sovico và HDBank sở hữu tổng cộng hơn 30% vốn tính đến 30/06/2013.

Như vậy, các cổ đông lớn của Land Sài Gòn đều liên quan đến nhóm công ty của bà Nguyễn Thị Phương Thảo là HDBank và Sovico.

Thế nhưng, HDBank rất nhiều lần rót vốn cho Land Sài Gòn.

Ngân hàng liên quan bà Thảo rót vốn cho công ty liên quan bà Thảo

Năm 2016, Land Sài Gòn có khoản vay ngắn hạn lên đến 1.000 tỷ đồng tại HDBank. Sang năm 2017, Land Sài Gòn thanh toán 1.021 tỷ đồng nhưng vay thêm 241 tỷ đồng. Khoản vay này được đảm bảo bằng toàn bộ dự án “Khu phức hợp Cao ốc – Văn phòng – Thương mại – Khách sạn và Chung cư tại số 628-630 đường Võ Văn Kiệt” – Dragon Riverside City.

Ngoài ra, Land Sài Gòn còn có khoản vay dài hạn tại HDBank trị giá gần 69 tỷ đồng. Khoản vay này cũng được đảm bảo bằng toàn bộ tài sản dự án Dragon Riverside City.

Có thể thấy, HDBank là nguồn vay lớn nhất của Land Sài Gòn.

Cho tới nay, HDBank tiếp tục là “bầu sữa vốn” lớn nhất của Land Sài Gòn. Tại thời điểm cuối năm 2020, tổng vay và nợ tài chính của Land Sài Gòn đạt 3.160 tỷ đồng. Trong đó, có đến 1.550 tỷ đồng là hạn mức vay mà HDBank dành cho Land Sài Gòn. Khoản vay này được đảm bảo bằng toàn bộ tài sản của dự án Chung cư Dragon Hill Premier thuộc dự án Dragon Riverside City.

Việc HDBank do bà Thảo nắm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị cho công ty liên quan đến Sovico, nơi bà Thảo là Chủ tịch Hội đồng quản trị vay tiền (xét tại thời điểm hợp đồng tín dụng phát sinh) liệu có đúng pháp luật?

Điều 126 Bộ Luật Tổ chức tín dụng hiện hành quy định Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng đối với những tổ chức, cá nhân sau:

Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn.

Nhận “bầu sữa” HDBank, Dragon Riverside City vẫn long đong

HDBank và Land Sài Gòn có liên quan đến nhau nhờ việc bà Nguyễn Thị Phương Thảo vừa là lãnh đạo, vừa là cổ đông ở cả HDBank và Sovico. Còn “vật kết nối” giữa HDBank chính và Land Sài Gòn chính là dự án Dragon Riverside City.

Các khoản vay của Land Sài Gòn tại HDBank đều phục vụ cho phát triển dự án Dragon Riverside City. Tuy nhiên, trải qua nửa thập kỷ nhận “bầu sữa” từ HDBank, Dragon Riverside City vẫn khá long đong, lận đận.

Đầu tiên, Dragon Riverside City gây xôn xao dư luận vì nhiều thông tin cho rằng Sovico thâu tóm đất giá bèo từ EVN. Sau đó, năm 2019, UBND TP.HCM đã ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ gần 35.000 m2 công trình xây dựng không phép tại Dragon Riverside City.

Kể từ đó đến nay, dự án Dragon Riverside City vẫn long đong, lận đận. Hiện tại, trên thị trường, căn hộ tại dự án được rao bán với mức giá từ 60 triệu đồng tới 65 triệu đồng/m2. Tại thời điểm cuối quý 1/2021, giá trị hàng tồn kho tại Dragon Hill Premier là 942 tỷ đồng nhưng Land Sài Gòn liên tục rơi vào tình cảnh doanh thu 0 đồng.

Trong năm 2020 và cả quý 1/2021, Land Sài Gòn đều ghi nhận doanh thu 0 đồng. Năm 2020 do có doanh thu tài chính nên Land Sài Gòn lãi 40,2 tỷ đồng nhưng sang quý 1/2021, công ty ghi nhận khoản thua lỗ 8,4 tỷ đồng.

Còn nữa...