Kết quả giải trình tự gene của Bệnh viện Bạch Mai xác định có 3 người tại Hà Nội nhiễm biến chủng BA.5.

BA.5 là biến chủng phụ của Omicron, có khả năng lây nhiễm nhiều hơn các biến chủng khác như BA.1, BA.2 nhưng mức độ nặng hay không chưa có bằng chứng rõ ràng. Theo ông Cương, các triệu chứng của 3 ca trên là nhẹ hoặc không triệu chứng.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, việc tiêm vắc xin mũi 4 và tiêm cho trẻ em tỷ lệ hơi chậm, do một số bộ phận người dân chưa đồng tình. Ngành y tế đang đẩy mạnh truyền thông để tăng cường tỷ lệ tiêm.

Liên quan đến việc hơn 850 cán bộ nhân viên y tế nghỉ việc, ông Cương cho biết việc này xảy ra rải rác trong năm. Nguyên nhân do dịch bệnh Covid-19 kéo dài trong 2 năm tạo áp lực tương đối lớn lên cán bộ y tế tất cả các tuyến, nguồn thu của các đơn vị giảm nhiều, đặc biệt là các bệnh viện tự chủ và y tế cơ sở, nên thu nhập của cán bộ y tế so với khối lượng công việc chưa tương xứng.

Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo với các cấp lãnh đạo và đưa ra một số giải pháp thực hiện. Theo đó, căn cứ vào đề án vị trí việc làm tuyển dụng các nhân viên y tế; điều tiết nhân lực cho các đơn vị khó khăn về nhân lực.

GS TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới thì biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.

Hầu hết các nước đã báo cáo sự xuất hiện của biến chủng BA.5.
Hầu hết các nước đã báo cáo sự xuất hiện của biến chủng BA.5.

Từ dự báo đối với SARS-CoV-2 là bản chất của nó có sự tiến hóa khôn lường và nếu trong phạm vi đột biến vừa phải, nó trở thành biến thể mới, thậm chí có thể biến thể nhiều hơn nữa, có thể trở thành biến chủng. Có nghĩa là SARS-CoV-3, 4 có thể xuất hiện.

Tuy nhiên, đối với kịch bản hiện nay trên sự tiến hóa như vậy, ông Lân cho rằng, nếu vẫn như các biến thể phụ thì còn có khả năng đáp ứng của vaccine.

Thứ hai là nếu không phải nặng thì dù có lây lan nhanh hơn nhưng chúng ta liên tục tiêm những vaccine theo chỉ định thì vẫn đáp ứng được như kịch bản hiện nay. Có nghĩa là vẫn mở cửa, vẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Chỉ có khi cần thiết, chúng ta tăng thêm điều trị nếu có sự hơi quá tải.

Ngược lại, vẫn phải chuẩn bị cả những tình huống xấu nhất trong dự báo. "Đấy là những chủng biến thể mới không còn hiệu quả đối với vaccine. Thứ hai là lây lan nhanh và thứ ba là nặng, thậm trí nó kết hợp tất cả. Như vậy, bên cạnh các biện pháp và kinh nghiệm trong thời gian qua, thì biện pháp hành chính xã hội có thể cũng phải thiết lập để vì sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết", GS TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.

Theo ông Lân, tuy vậy, vaccine vẫn là một yếu tố rất quan trọng. Việc tiêm mũi 3, mũi 4 củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt là sẽ phòng được BA.5, kể cả nhập viện, chuyển nặng và tử vong. Nếu có nhiễm đi nữa thì cũng sẽ nhẹ hơn.

Bên cạnh đó, đặc thù của vaccine SARS-Cov-2 khi chậm lại, miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian, sau 4 đến 6 tháng. Vì vậy, cần tiêm nhắc lại định kỳ để duy trì miễn dịch. "Đây là một trong những biện pháp tốt nhất để chúng ta phòng các biến thể mới xâm nhập như là BA.4, BA.5 và kể cả những biến thể khác", Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định.