Khu Thủy đình, một hạng mục của Khu du lịch Tam Chúc

Thời gian vừa qua, ngành du lịch cả nước nói chung trong đó có tỉnh Hà Nam nói riêng đã chịu tác động của đại dịch COVID-19. Ngành du lịch của tỉnh đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có, thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ. Chính vì vậy phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19”, phát huy hiệu quả tiềm năng vốn có, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh... được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam.

Tỉnh Hà Nam có rất nhiều những lợi thế để phát triển du lịch về vị trí địa lý nằm ở cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội, trên tuyến du lịch xuyên Việt nên có lợi thế so sánh rất quan trọng để thu hút mạnh mẽ thị trường khách du lịch xuyên Việt và thị trường khách du lịch cuối tuần của Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận.

Đây là một trong những điều kiện tốt để du lịch Hà Nam phát triển. Về tài nguyên du lịch tự nhiên của Hà Nam khá phong phú, đa dạng và tương đối đặc thù. Địa hình Hà Nam đa dạng tạo ra những cảnh quan đặc sắc với những thắng cảnh nổi tiếng trong nước như: Hồ Tam Chúc, Ngũ Động Sơn, hang Luồn, Bát cảnh tiên.

Bên cạnh đó là tài nguyên du lịch nhân văn: Các di tích lịch sử tuy không nhiều, nhưng có giá trị khá nổi bật như: Đền Trần Thương, Đền Lảnh Giang, chùa Bà Đanh, chùa Long Đọi Sơn, đền Trúc... và hệ thống lễ hội tiêu biểu như Lễ hội Tịch Điền, Lễ phát lương Đền Trần Thương..., Làng nghề truyền thống tiêu biểu như: văn hóa dân gian, văn hoá ẩm thực đặc sắc. Đặc biệt, Hà Nam là đất khoa bảng với những danh nhân nổi tiếng trong lịch sử dân tộc như: Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, nhà văn liệt sỹ Nam Cao.

Trên cơ sở những điều kiện tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch trong thời gian qua tỉnh Hà Nam cũng đã triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch, đề án, dự án đã được phê duyệt, trọng tâm là Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đến năm 2030. Rà soát, điều chỉnh, xây dựng quy hoạch các khu, điểm có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để thu hút đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng Khu du lịch Tam Chúc, tập trung hoàn thiện các công trình chính, điểm nhấn, công trình giao thông kết nối Khu du lịch với Quốc lộ 1A và Bái Đính - Tràng An, Ninh Bình. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020 - 2025. Hỗ trợ đầu tư các điểm tham quan du lịch làng nghề và các phòng trưng bày gắn với khu, điểm du lịch, làng nghề; khuyến khích sản xuất những mặt hàng lưu niệm, đặc sản của địa phương.

Có thể nói, năm 2021 là một năm hết sức khó khăn đối với du lịch tỉnh Hà Nam, khi Hà Nam phát hiện ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân. Từ đó đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh càng trở nên khó khăn và căng thẳng khi dịch bệnh bùng phát tại TP Phủ Lý bắt đầu từ ngày 19/9/2021 tại thôn Lê Lợi, xã Phù Vân. Vượt qua những khó khăn của dịch bệnh trong năm 2021 lượng khách du lịch đến Hà Nam ước đạt 2.539.000 lượt khách (trong đó khách nội địa đạt 2.473.900 lượt, khách quốc tế 65.100 lượt), doanh thu du lịch ước đạt 1.614 tỷ đồng. Trong khi đó năm 2019, Hà Nam đón khoảng 2.895.600 lượt du khách, ước đạt 716 tỷ đồng doanh thu du lịch, vượt 141.9% so với năm 2018. Nhưng đến năm 2020, do ảnh hưởng của COVID-19, lượng khách ước đạt 1.700.000 lượt, doanh thu ước đạt 1.006 tỷ đồng, tăng 40.5% so với năm 2019.

Để du lịch tỉnh Hà Nam thích ứng, phát triển trong giai đoạn mới, từ ngày 15/02/2022, với việc dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế đã là động lực cho ngành Du lịch cả nước nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng có những điều kiện thuận lợi tái khởi động du lịch. Triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19’’, ngành Du lịch đã thực hiện các giải pháp chuyển trạng thái dần thích ứng với bối cảnh bình thường mới, sớm phục hồi du lịch bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép’’ vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Do vậy, việc mở rộng các hoạt động quảng bá, xúc tiến trên bước đầu đã mang lại hiệu quả, nhưng để chuyển đổi phù hợp với sự thay đổi do tác động của dịch bệnh cần phải chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số để bắt kịp xu hướng truyền thông, quảng bá phù hợp với rào cản dịch bệnh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, quảng bá các khu, điểm du lịch Hà Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng rất được chú trọng thông qua việc phối hợp thực hiện các chương trình phóng sự, trải nghiệm, tin bài trên các kênh truyền hình Trung ương và địa phương…

Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch; xây dựng Chiến lược marketing du lịch Hà Nam; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó chú trọng quảng bá du lịch trên các trang mạng xã hội, website. Triển khai hiệu quả công tác phối hợp, trao đổi kinh nghiệm; kết nối tour, tuyến du lịch với các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm thực hiện tốt liên kết phát triển du lịch.

Tham gia các hoạt động trọng điểm về du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát như các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia; các hội thảo phát triển du lịch, các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch; các sự kiện du lịch lớn trong nước như các hội chợ VITM, ITE…

Việc chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ du lịch gắn với thực tiễn cho các đối tượng tham gia hoạt động du lịch. Tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch theo “Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch Hà Nam giai đoạn 2020 - 2025” đã được UBND tỉnh phê duyệt sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tái khởi động thị trường du lịch, xây dựng kế hoạch kích cầu du lịch đến với Hà Nam sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát…/.