Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa trong phiên giao dịch ngày hôm qua (10/4). Đáng chú ý, sau phiên phục hồi hôm thứ 4 (9/4), giá dầu đột ngột quay đầu giảm mạnh hơn 3%.
Theo ghi nhận MXV, thị trường năng lượng chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch hôm qua. Trong đó, giá hai mặt hàng dầu thô đã quay trở lại xu hướng giảm mạnh do lo ngại căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Kết thúc phiên giao dịch, cả hai mặt hàng dầu Brent và dầu WTI đều giảm đến hơn 3%. Giá dầu Brent ghi nhận mức giảm 3,28%, xuống mốc 63,33 USD/thùng; trong khi giá dầu WTI đã quay về gần mốc 60 USD/thùng, cụ thể hiện đang dừng ở mốc 60,07 USD/thùng, giảm tới 3,66%.
Trong thông báo mới nhất từ Nhà Trắng ngày 10/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nâng mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên 145%, bao gồm mức thuế cơ bản 20% trước đó và các khoản thuế bổ sung. Động thái này được đưa ra sau khi Bắc Kinh áp dụng mức thuế trả đũa 84% với hàng hóa Mỹ, làm leo thang căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cũng trong ngày hôm qua, Tổng thống Trump tiếp tục đưa ra cảnh báo về các biện pháp trừng phạt mới, lần này là Mexico. Trong bài đăng mới trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Trump yêu cầu Mexico thực thi thỏa thuận về nước năm 1944 giữa hai nước và chuyển cho tiểu bang Texas của Mỹ 1,3 triệu mẫu foot nước, tương đương với khoảng 1,6 tỷ mét khối.
Hiện tại, nhiều mặt hàng từ Mexico và Canada nhập khẩu vào Mỹ vẫn đang phải chịu mức thuế 25% do các tranh cãi về thuốc fentanyl. Canada cũng đang áp dụng mức thuế 25% lên một vài mặt hàng phương tiện nhập khẩu từ Mỹ như một biện pháp trả đũa. Tình hình kinh tế toàn cầu trong tương lai vẫn còn khá mờ mịt và lo ngại về nhu cầu dầu trên thị trường vẫn chưa tan biến.
Trong khi đó, báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm qua cho thấy dự báo nhu cầu dầu toàn cầu đã bị hạ thấp so với trước đó. EIA cũng giảm dự báo giá dầu tương lai do kế hoạch tăng sản lượng của nhóm OPEC+ và lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu. Những yếu tố này tiếp tục gây áp lực lớn lên thị trường năng lượng trong thời gian tới.
URL: https://thitruongbiz.vn/gia-dau-dot-ngot-lao-doc-d28076.html
© thitruongbiz.vn