Bảng giá đất điều chỉnh được áp dụng đến hết năm 2025, gấp 2-6 lần so với bảng giá đất cũ. Trong đó giá cao nhất là 695,3 triệu đồng/m2 trên các đường Lê Thái Tổ, đường Hàng Ngang, đường Hàng Đào.., quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường cơ sở để xây dựng bảng giá đất điều chỉnh dựa trên kết quả điều tra, khảo sát giá đất trên thị trường trong hai năm qua (từ tháng 8/2022 đến tháng 8/2024) tại 30 quận, huyện và 579 xã, phường, thị trấn với hơn 20.740 phiếu khảo sát thu về.
Theo Sở TN&MT Hà Nội, bảng giá đất cũng là cơ sở tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi nhà nước giao, cho thuê đất. Vì thế, việc điều chỉnh bảng giá là cấp thiết, nhằm đảm bảo nguồn thu từ đấu giá đất.
Trước lo ngại việc điều chỉnh tăng giá đất khiến thuế, phí về đất đai cao không phù hợp với thu nhập của người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần nghiên cứu giảm tỷ suất tính thuế, phí, chứ không giảm giá đất.
Điều này giúp thiết lập chính sách đồng bộ trong quản lý đất và hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng và người có nhu cầu sử dụng đất thực hiện dự án. Nhờ đó, thu ngân sách tăng qua thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất của người dân, doanh nghiệp.
Trường hợp thuế, phí về đất đai cao không phù hợp với thu nhập của người dân, Sở TN&MT Hà Nội cho rằng cần nghiên cứu giảm tỷ suất tính thuế, phí, chứ không giảm giá đất.
"Bảng giá đất điều chỉnh không ảnh hưởng đến việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất. Ngược lại, nó góp phần tích cực trong giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư và phát triển Thủ đô. Quyền lợi của người bị thu hồi đất cũng được đảm bảo tốt hơn, khuyến khích người dân chấp hành chính sách giải phóng mặt bằng", Sở TN&MT Hà Nội nhận định.
Về đất ở đô thị, Sở Tài nguyên và Môi trường ghi nhận giá chuyển nhượng đất ở trên thị trường tại các quận có giá phổ biến từ 35-650 triệu/m2.
Cá biệt, tại quận Hoàn Kiếm có giá chuyển nhượng cao đột biến như: phố Hàng Bông giá chuyển nhượng từ 750 triệu đến gần 1,035 tỷ/m2; phố Hàng Gai giá chuyển nhượng thậm chí còn cao hơn từ 970 triệu đến 1,2 tỷ đồng/m2; phố Hàng Thiếc từ 642 triệu đến 1 tỷ/m2.
Đường Nhà Thờ tăng từ 125,4 triệu đồng/m2 lên 695,3 triệu đồng/m2, gấp 5,5 lần. Đất ở đường Hai Bà Trưng cũng có giá cao nhất 695,3 triệu đồng/m2.
Đường Trần Hưng Đạo trước đó có giá đất cao nhất là 114 triệu đồng/m2 nay tăng lên 695,3 triệu đồng/m2, gấp 6 lần.
Bảng giá đất cao nhất tại quận Ba Đình là 450,8 triệu đồng/m2 trên đường Phan Đình Phùng...
Mua bán đất ở tại các thị trấn huyện ven, như đường 32 (thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức), đường Ngô Xuân Quảng (thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm)... cũng ghi nhận từ 100-120 triệu đồng/m2.
Bảng giá đất nông nghiệp trong khu dân cư cũng được bổ sung quy định linh hoạt. Cụ thể, giá đất nông nghiệp trong khu dân cư có thể cao hơn giá đất nông nghiệp ngoài khu dân cư, nhưng không vượt quá 50% giá đất nông nghiệp tương ứng tại các khu vực khác. Điều này, nhằm khuyến khích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư hiệu quả, đồng thời bảo đảm lợi ích cho người sử dụng đất.
Đối với đất ở và đất thương mại dịch vụ tại nông thôn, bảng giá đất được chi tiết hóa theo từng xã và khu vực. Đặc biệt, các thửa đất nằm ngoài phạm vi 200m từ các tuyến đường phố có tên trong bảng giá sẽ áp dụng mức giá giảm tương ứng với quy định về khoảng cách.
"Giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường cao hơn mức cùng vị trí tại bảng giá đất của thành phố bình quân 250%", Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường nhìn chung, giá đất ở theo bảng mới tăng bình quân 190 - 270%.
Theo UBND Thành phố Hà Nội, việc gia hạn và điều chỉnh bảng giá đất lần này nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, đây cũng là bước đệm quan trọng để thành phố chuẩn bị cho việc xây dựng bảng giá đất mới trong giai đoạn 2026-2030, phù hợp với Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ năm 2024.
© thitruongbiz.vn