Giá cà phê ngày 23/3

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 41.200 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.800 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 41.700 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 41.700 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 41.600 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 41.800 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 41.700 đồng/kg.

Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 41.700 đồng/kg. Thị trường cà phê trong nước giảm nhẹ theo giá cà phê Robusta.

Giá cà phê và hồ tiêu ngày 23/3: Giá cả hai mặt hàng giảm nhẹ

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 5/2022 giảm 5 USD/tấn ở mức 2.170 USD/tấn, giao tháng 7/2022 giảm 3 USD/tấn ở mức 2.142 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 5/2022 tăng 0,45 cent/lb ở mức 225,1 cent/lb, giao tháng 7/2022 giữ ở mức 224,45 cent/lb.

Giá cà phê thế giới diễn biến trái chiều khi chứng khoán Mỹ phục hồi, hút lại dòng vốn từ vàng, dầu thô và các sàn nông sản. Bên cạnh đó, tồn kho đạt chuẩn tiếp tục tăng cũng là nguyên nhân khiến giá cà phê thế giới chững lại trong phiên vừa qua.

Từ đầu tuần này, đầu cơ trên sàn New York quay lại tăng mua sau khi đã mạnh tay thanh lý vị thế ròng trong tuần trước. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ ở Đông Âu bị đình trệ vì các lệnh cấm vận của phương Tây với khoảng 3 triệu bao/năm, cũng chỉ đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Cà phê Quốc tế (ICO) đang là yếu tố tích cực nâng đỡ giá cà phê.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 370.874 tấn, với kim ngạch trên 823,11 triệu USD, giá trung bình đạt 2.219,4 USD/tấn, tăng mạnh 30,9% về khối lượng, tăng 65,8% về kim ngạch và tăng 26,7% về giá so với cùng kỳ năm 2021.

Đức là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại cà phê của Việt Nam, chiếm gần 13% tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, đạt 47.173 tấn, tương đương 104,39 triệu USD, giá trung bình 2.212,9 USD/tấn, tăng 16,6% về lượng, tăng 49,4% về kim ngạch và tăng 28% về giá so với 2 tháng đầu năm 2021.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng xuất khẩu cà phê sang 5 thị trường hàng đầu thế giới là: Mỹ, Đức, Pháp, Canada và Italia. Các nền kinh tế lớn trên thế giới phục hồi cũng giúp thúc đẩy tiêu thụ cà phê trở lại. Xu hướng tiêu thụ cà phê hòa tan ngày một gia tăng giúp tăng lợi thế cho cà phê Robusta của Việt Nam.

Giá hồ tiêu ngày 23/3

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 79.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 78.500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 78.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 80.500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 79.500 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay giảm 500 đồng/kg tại các tỉnh Đông Nam Bộ, giữ nguyên ở khu vực Tây Nguyên so với cùng thời điểm hôm qua.

Giá cà phê và hồ tiêu ngày 23/3: Giá cả hai mặt hàng giảm nhẹ

Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, 15 ngày đầu tháng 3 Việt Nam xuất khẩu được 11.146 tấn hồ tiêu, kim ngạch đạt 52 triệu USD. Lũy tiến từ đầu năm đến 15/3/2022, Việt Nam xuất khẩu được 41.197 tấn, kim ngạch đạt 191,1 triệu USD. Olam đứng đầu xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2022 với lượng xuất khẩu đạt 4.223 tấn, tăng 75,4% so với cùng kỳ. Tiếp theo là các doanh nghiệp: Trân Châu: 3.839 tấn, tăng 91,6%; Nedspice 3.072 tấn, tăng 5,9%...

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, đại diện Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice (DN có vốn đầu tư của Hà Lan, trụ sở tại tỉnh Bình Dương) trả lời báo Đồng Nai cho biết, bắt đầu từ tháng 3, xuất khẩu tiêu và nhiều mặt hàng nông sản khác như cà phê, điều đang bị chững lại. Dự báo xuất khẩu tiêu trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn do sức tiêu thụ trên thị trường vẫn chậm do ảnh hưởng bởi hiệu ứng hậu Covid-19.

Theo ông Lâm, giá xăng dầu tăng cao là yếu tố lớn gây ra tình trạng lạm phát về kinh tế. Đây là nguyên nhân mà nhiều nước trên thế giới có xu hướng giảm nhập khẩu các mặt hàng tiêu, cà phê… Vì cả DN thương mại và chế biến đều có xu hướng đồng loạt đẩy hàng thay vì tranh thủ trữ hàng như mọi năm.

“Mọi năm, thời điểm rộ vụ thu hoạch, các DN đều tranh thủ thu mua nguyên liệu nên xuất khẩu vào tháng này thường tăng mạnh. Nhưng năm nay, ngay vào tháng hồ tiêu rộ vụ thu hoạch, DN nhiều nước lại giảm mạnh lượng hàng nhập, điều này thể hiện rất rõ khi từ đầu tháng 3, xuất khẩu hồ tiêu giảm mạnh so với cùng kỳ mọi năm”, báo Đồng Nai dẫn lời đại diện Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice cho biết.

3 tháng đầu năm nay đang là giai đoạn khó khăn của hồ tiêu, bởi các tác động: Xung đột Nga - Ukraine, chính sách Zero Covid của Trung Quốc, dòng tiền ở các địa phương cho thấy có sự chuyển dịch vào bất động sản... So với giai đoạn đầu năm, 3 tháng vừa qua lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam giảm rõ rệt.

Về vấn đề này, theo các chuyên gia, việc giảm xuất khẩu của hồ tiêu những tháng qua có thể hiểu theo khía cạnh là đơn vị xuất khẩu trong nước ý thức được giá tăng nên không bán khống, mua đến đâu bán đến đó. Còn nông dân và các đại lý nhỏ năm nay cũng tích cực ôm hàng, không bán tháo để tránh giá rớt sâu thêm, cho nên thị trường hiện tại đang rất bình lặng.

Nhìn ở góc độ tích cực, khi hồ tiêu đang ở chính vụ thu hoạch năm nay mà gặp phải các yếu tố trên có thể giảm rất sâu. Nhưng thực tế thị trường có lúc lên, lúc xuống, vẫn giữ được dao động quanh mốc 80.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với đầu năm ngoái. Do vậy, niềm tin cho những mốc giá tăng mới của hồ tiêu trong năm nay vẫn còn rất lớn, nhất là khi kết thúc vụ thu hoạch để cảm nhận sản lượng năm nay giảm ra sao...