Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) vừa bị cơ quan thuế xử phạt và truy thu tổng số tiền hơn 225,5 tỷ đồng do kê khai sai phí bảo vệ môi trường trong nhiều năm.
CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco, UPCoM: TIS) vừa bị Chi cục Thuế khu vực VII ra quyết định xử phạt và truy thu phí bảo vệ môi trường với tổng số tiền lên tới hơn 225.5 tỷ đồng, do kê khai sai trong nhiều năm liên tiếp liên quan đến hoạt động khai thác tại mỏ sắt Tiến Bộ.
Theo quyết định có hiệu lực từ ngày 20/06, Tisco bị phạt hành chính 9 triệu đồng, buộc truy nộp gần 151.6 tỷ đồng tiền phí bảo vệ môi trường (BVMT) thiếu vào ngân sách nhà nước, cùng với gần 74 tỷ đồng tiền chậm nộp. Vi phạm được xác định liên quan đến hoạt động khai thác tại mỏ sắt Tiến Bộ, nơi Tisco được cấp phép khai thác quặng sắt bằng phương pháp lộ thiên từ năm 2008, và chính thức thành lập chi nhánh mỏ vào năm 2013.
Trong giai đoạn 2017-2024, Chi nhánh Tisco - Mỏ sắt Tiến Bộ đã kê khai không đúng loại tài nguyên quặng nghèo nguyên khai, dẫn đến xác định sai mức phí phải nộp theo quy định tại các tờ khai quyết toán phí BVMT. Cụ thể, các tờ khai theo mẫu 02/BVMT và 02/PBVMT nộp theo các thông tư của Bộ Tài chính từ năm 2017 đến nay đều không phản ánh đúng thực tế. Cơ quan thuế xác định Tisco có 1 tình tiết tăng nặng do vi phạm hành chính nhiều lần.
Không chỉ gặp rắc rối với cơ quan thuế, Tisco còn đang trong tình trạng khó khăn kéo dài về tài chính nhiều năm liền.
Kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2024 cho thấy doanh thu Tisco đạt 10.601 tỷ đồng, tăng 11,2%; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lỗ 8,38 tỷ đồng, nhưng cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 176,62 tỷ đồng năm 2023.
Trong báo cáo tài chính 2024 kiểm toán, Tisco tiếp tục nhận ý kiến ngoại trừ từ Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC, chủ yếu xoay quanh những ảnh hưởng không thể xác định đầy đủ từ Dự án mở rộng Gang thép giai đoạn 2, vốn đã tạm dừng thi công từ năm 2013.
Đơn vị kiểm toán cho biết không thể đánh giá hết được ảnh hưởng của các giao dịch, sự kiện liên quan đến Dự án đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính, bao gồm giá trị các khoản mục "Trả trước cho người bán", "Chi phí xây dựng cơ bản dở dang", "Phải trả người bán", "Chênh lệch tỷ giá hối đoái" và chi phí lãi vay được vốn hóa.
Quan trọng hơn, AASC đưa ra vấn đề cần nhấn mạnh, chỉ ra các yếu tố như nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn tới 3.455,2 tỷ đồng tại ngày 31/12/2024, tác động tiêu cực kéo dài từ dự án giai đoạn 2 và tình trạng nợ vay quá hạn liên quan đến dự án này. Kiểm toán viên kết luận: "Những dấu hiệu này cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tisco".
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TIS vẫn thuộc diện cảnh báo, hiện niêm yết giao dịch quanh vùng thị giá 5.500 đồng/cổ phiếu.
© thitruongbiz.vn