Thị trường chứng khoán tuần qua ghi nhận sự ổn định tạm thời trong khi Phố Wall dần quen với cú sốc thuế quan hồi tháng Tư, các chỉ số chứng khoán liên tiếp lập đỉnh mới, nhà đầu tư vẫn tỏ ra dè dặt trước phong cách ra quyết sách nhanh và hỗn loạn của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đà tăng hiện tại của thị trường rất mong manh.
Thị trường chứng khoán đang có nhiều dấu hiệu khởi sác. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq đã vượt qua các đỉnh cũ, tiến vào vùng giá kỷ lục mới trong phiên thứ Sáu kết thúc tuần. Thế nhưng, các nhà giao dịch và nhà đầu tư vẫn lo lắng về những gì có thể xảy ra phía trước.
Ngày 2/4, chính sách áp thuế đối ứng của Trump nhằm vào các đối tác thương mại lớn đã khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo, kéo chỉ số S&P 500 sụt giảm tới ngưỡng định nghĩa thị trường giá xuống (bear market) khi mất 19% so với đỉnh lịch sử lập hồi 19/2.
Đợt tăng giá tuần này diễn ra sau khi Mỹ đứng ra làm trung gian đạt được lệnh ngừng bắn giữa Israel và Iran, chấm dứt 12 ngày không kích dữ dội từng đẩy giá dầu tăng vọt và làm dấy lên lo ngại lạm phát leo thang. Tuy nhiên, thị trường bắt đầu hồi phục từ khi Trump bất ngờ dịu giọng, rút lại những kế hoạch áp thuế khắc nghiệt nhất sau làn sóng hoảng loạn ban đầu trên thị trường.
Trong báo cáo giữa năm công bố hôm thứ Tư, nhóm nghiên cứu toàn cầu của JP Morgan Chase cho rằng môi trường hiện nay vẫn được đặc trưng bởi "sự bất định chính sách ở mức cực đoan."
Không ai muốn kết thúc tuần giao dịch với danh mục nghiêng quá nhiều về phía rủi ro. Ai cũng hiểu rằng ngay khi thị trường có vẻ ổn định và tự tin hơn, chỉ một tuyên bố bất ngờ về chính sách cũng có thể đảo lộn tất cả.
Một phần sự thận trọng từ các nhà đầu tư tổ chức đến từ quy mô đợt tăng 6% của chỉ số S&P 500 sau khi Trump tái đắc cử hồi tháng 11 năm ngoái, dẫn đến mức đỉnh mới vào tháng 2, theo ông Joseph Quinlan, chiến lược gia thị trường tại Bank of America.
Việc tập trung vào nới lỏng quy định, cắt giảm thuế và thúc đẩy các thương vụ doanh nghiệp đã thổi bùng tinh thần hưng phấn của thị trường. Rồi sau đó là các cuộc chiến thuế quan.
Dù vậy, Quinlan vẫn lạc quan về triển vọng cổ phiếu Mỹ và tin rằng một hệ thống thương mại toàn cầu mới có thể giúp doanh nghiệp Mỹ mở ra các thị trường mới, tăng doanh thu và lợi nhuận. Song ông vẫn tỏ ra dè chừng:
“Sẽ vẫn có những cú biến động mạnh xoay quanh các bất định chính sách.”, ông Quinlan cho hay.
Nhìn chung, các chỉ báo biến động thị trường hiện thấp hơn rất nhiều so với đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng thuế quan hồi tháng Tư. Chỉ số biến động CBOE VIX hiện ở mức 16,3, giảm mạnh so với đỉnh 52,3 hôm 8/4.
Khách hàng của chúng tôi dường như đã trở nên ít nhạy cảm hơn với các tiêu đề tin tức, nhưng thực tế thị trường vẫn không lành mạnh. Ai cũng ý thức được rằng giao dịch có thể xoay chiều chỉ vì vài bài đăng trên mạng xã hội.
Giao dịch trên thị trường quyền chọn cho thấy hầu như không có dấu hiệu hưng phấn như các đợt tăng điểm mạnh trong quá khứ.
“Ở phía các tổ chức, chúng tôi chứng kiến sự ngập ngừng lớn trong việc chạy theo đợt tăng giá của thị trường,” Stefano Pascale, trưởng bộ phận nghiên cứu phái sinh cổ phiếu Mỹ tại Barclays, nhận định.
Khác với các giai đoạn bán tháo mạnh trước đây, các nhà đầu tư tổ chức phần lớn không mặn mà với việc sử dụng quyền chọn mua (call options) để đặt cược thị trường tiếp tục đi lên, Pascale cho biết. Đây vốn là những công cụ cho phép quyền mua cổ phiếu ở một mức giá ấn định trong tương lai.
Chênh lệch giá mua – bán (bid/ask spread) ở nhiều cổ phiếu hiện cao hơn hẳn so với cuối năm 2024. Trong khi đó, độ sâu thị trường – chỉ báo đo lường quy mô và số lượng lệnh tiềm năng – đang ở mức thấp nhất mà O’Connor từng chứng kiến trong 20 năm qua.
“Cách mô tả đúng nhất về thị trường vài tháng gần đây, kể cả khi nó hồi phục, là: bất ổn,” Liz Ann Sonders, chiến lược gia thị trường tại Charles Schwab, nhận định. Bà lo ngại thị trường có thể đang bước vào một “giai đoạn tự mãn mới” giống như hồi tháng Ba.
“Hoàn toàn có khả năng chúng ta lại sắp đối mặt với một cú điều chỉnh đi xuống,” Sonders nói thêm.
Mark Spindel, giám đốc đầu tư tại Potomac River Capital ở Washington, cho biết ông dùng cụm từ “nhiệm kỳ Snapchat” để mô tả hiệu ứng chóng mặt mà những thay đổi chính sách liên tục của Tổng thống gây ra cho thị trường.
“Ông ấy giống một nhà giao dịch ngắn hạn hơn là một nhà đầu tư tổ chức dài hạn,” Spindel nói, ám chỉ sự thay đổi ý kiến thất thường của Trump. “Một phút trước thì ông tuyên bố không đàm phán, phút sau lại đàm phán.”
Tuy vậy, các nhà giao dịch dường như vẫn xem những bước ngoặt bất ngờ này là điểm tích cực trong đợt tăng hiện tại, vì nó cho thấy Trump sẵn sàng lắng nghe tín hiệu từ thị trường.
Ít nhất là lúc này, thị trường đang chấp nhận làm ngơ những rủi ro đi kèm với phong cách lãnh đạo thiếu nhất quán, và tạm tha thứ cho chính quyền vì vẫn được coi là ‘thân thiện với thị trường’.
© thitruongbiz.vn