Dự kiến 2025 sẽ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. Khi đó Bộ sẽ nêu quan điểm và lấy ý kiến Nhân dân và các cơ quan để từ đó lên phương án để trình Quốc hội", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu khi trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/3.
Sáng 18/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trả lời chất vấn về nhóm nội dung thuộc lĩnh vực tài chính tại khuôn khổ phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) chất vấn về phương án xét mức tăng, giảm trừ gia cảnh khi xác định thuế thu nhập cá nhân. Theo đại biểu, mức tăng giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế được áp dụng từ ngày 1/7/2020 tới nay không còn phù hợp với các chỉ số lạm phát tăng và tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, đại biểu muốn Bộ trưởng cho biết hướng giải quyết về thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ do doanh nghiệp ký kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam để cơ quan thuế và cơ quan hải quan trong việc tính thuế xuất nhập khẩu.
"Đề nghị Bộ trưởng cho biết phương án xét mức tăng, giảm trừ gia cảnh bản thân và người phụ thuộc khi xác định thuế thu nhập cá nhân thời gian tới chưa và mức bao nhiêu là phù hợp?", đại biểu đặt câu hỏi.
Trả lời chất vấn, của đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) về thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ những phản ánh của người dân về mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp do giá cả gia tăng. Tuy nhiên, việc tính thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh, Bộ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
“Muốn thay đổi phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Dự kiến, năm 2025 sẽ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, khi đó Bộ sẽ nêu quan điểm và lấy ý kiến nhân dân và các cơ quan để từ đó lên phương án để trình Quốc hội”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. Ảnh:Quochoi.vn. |
Trả lời chất vấn đại biểu Trần Hồng Nguyên (Đoàn Bình Thuận) về giải pháp giảm bớt thuế, phí trong giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ, giá xăng dầu được xây dựng dựa trên những yếu tố: Giá hàng mua từ nhà máy hay giá hàng mua từ nước ngoài cộng với các chi phí trung gian. Chi phí ban đầu hình thành chiếm từ 65% đến 77%, còn thuế các loại như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT hay thuế bảo vệ môi trường chiếm 15-29%. Còn chi phí lợi nhuận định mức từ 1,2-2%, chưa kể Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, trong những năm qua, để bình ổn giảm giá xăng dầu, Bộ Tài chính cũng đã tham mưu Chính phủ và Quốc hội giảm 50% thuế bảo vệ môi trường kéo dài từ năm 2021 đến nay.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, khi hạn chế năng lượng hóa thạch chuyển sang năng lượng tái tạo thì số thuế này phải ngày một cao lên, nhưng để bảo đảm cho kích cầu và giải quyết khó khăn cho nền kinh tế, biện pháp đưa ra là giảm thuế.
Chi phí định mức như đại biểu nói chiếm từ 7-12% là chi phí vận chuyển sẽ do các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu thống kê, có hợp đồng và hồ sơ gửi cho Bộ Công Thương. Bộ Công Thương sẽ tập hợp để xác định vào trong cơ cấu của giá xăng dầu. Sau khi thỏa thuận với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ công bố giá xăng dầu cơ sở, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ quy trình.
Phát biểu về ý kiến tranh luận của đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đối với vấn đề thuế xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, khó khăn của nền kinh tế là phải tập trung để gỡ những nút thắt pháp lý, về môi trường đầu tư, tín dụng, chất lượng sản phẩm, chứ không có nghĩa là bắt buộc cần giảm thuế, giảm phí, vì giảm thuế, phí dẫn đến tăng chi ngân sách, giảm sức mạnh của tài chính công, dẫn đến thiếu hiệu quả, ảnh hưởng đến cả hệ thống nền kinh tế.
Trả lời vấn đề về VAT đối với hàng hóa nhập khẩu theo Nghị định 90, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đối với các doanh nghiệp không có đại diện vốn nước ngoài tại Việt Nam đều phải qua thủ tục hải quan; còn các doanh nghiệp khác thì chỉ quy định đối với thương nhân nước ngoài không có mặt tại Việt Nam và có đại diện tại Việt Nam.
Còn các doanh nghiệp không có đại diện tại Việt Nam mà hợp đồng với các cơ quan doanh nghiệp khác tại Việt Nam vẫn phải thực hiện các quy định theo quy định của Luật Thuế và theo quy định của Hải quan.
Bộ trưởng nêu rõ, các cơ quan của Bộ Tài chính như kho bạc, thuế, hải quan có hệ thống công nghệ thông tin hiện đại và phục vụ cho vấn đề phát triển kinh tế, thông quan, xuất nhập khẩu, thu thuế thuận lợi. Tuy nhiên, hệ thống công nghệ thông tin của Hải quan đến nay đã đưa vào sử dụng 10 năm nên có những lạc hậu, không tải nổi khối lượng dự liệu quá lớn như hiện nay, hệ thống cũng không kết nối được với các doanh nghiệp hay là kết nối với các đơn vị khác. Do đó, đặt vấn đề phải thay thế hệ thống này.
Bộ Tài chính đề xuất đến 2025, Bộ Tài chính sẽ đề nghị với Chính phủ để xây dựng hệ thống công nghệ thông tin khác hoặc là Nhật Bản sẽ hỗ trợ cho một dự án dữ liệu.
Phát biểu tranh luận về vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng cần phải có giải pháp đột phá hơn, nhất là trong vấn đề giảm thuế, giảm phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Đại biểu cũng đề nghị quan tâm hơn nữa đối với việc nâng mức giảm trừ gia cảnh trong vấn đề tính thuế thu nhập cá nhân, từ đó mới có thể tăng tiêu dùng, hỗ trợ cho kinh tế tăng trưởng trong thời gian tới.
Về thực trạng giá vé máy bay thời gian qua tăng cao được đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) nêu, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) phát biểu tranh luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, giá vé máy bay hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bay đang thực hiện đúng quy định. Trong khung giá vé máy bay do Bộ Giao thông Vận tải ban hành có 15 mức, hiện các doanh nghiệp đang điều hành trong khung giá này, chưa vượt ngoài khung.
Bộ trưởng cho biết, nhiều quốc gia đã thực hiện bỏ giá trần để doanh nghiệp tự quyết định theo cung cầu thị trường. Tuy nhiên, Luật Giá vẫn quy định giá trần đối với vé máy bay, khung trần đó do Bộ Giao thông Vận tải quy định. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bay đang thực hiện đúng theo khung quy định, không vi phạm quy định pháp luật về giá.
Để giảm chi phí đầu vào, tái cơ cấu hệ thống dịch vụ bay, Bộ trưởng cho rằng, vấn đề quản trị và hạ giá thành là vấn đề mà doanh nghiệp tư nhân quan tâm hơn nhiều nhất. Với Vietnam Airlines, hiện nay, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải cũng rất quan tâm. Bộ Tài chính cũng đã có các yêu cầu nhằm tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, bảo đảm hiệu quả kinh doanh.
URL: https://thitruongbiz.vn/du-kien-nam-2025-se-sua-luat-thue-thu-nhap-ca-nhan-d14732.html
© thitruongbiz.vn