Đây là một trong những điểm mới nổi bật được Bộ Xây dựng đưa vào khi xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội nhằm thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi toàn quốc.
Bộ Xây dựng đang soạn thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển nhà ở xã hội, đề xuất nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy lĩnh vực này.
Trong đó, bộ đề xuất giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu mà dựa trên sự phân công của cơ quan có thẩm quyền.
Cụ thể, UBND cấp tỉnh sẽ giao chủ đầu tư cho các dự án không do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quản lý.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chịu trách nhiệm với dự án cho lực lượng vũ trang còn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao chủ đầu tư cho dự án nhà ở xã hội từ nguồn tài chính công đoàn, phục vụ công nhân và người lao động thuộc diện chính sách.
Việc giao chủ đầu tư sẽ được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên nhà đầu tư có kinh nghiệm dày dặn, năng lực tài chính mạnh, thời gian triển khai nhanh chóng và có đóng góp lớn trong việc ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Nếu sau thời gian công khai danh mục dự án mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký và đáp ứng đủ điều kiện, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh sẽ giao trực tiếp dự án cho nhà đầu tư đó. Trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư cùng quan tâm, việc lựa chọn sẽ căn cứ vào tiêu chí kinh nghiệm, năng lực tài chính, thời gian triển khai, mức độ đóng góp vào chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư, Bộ Xây dựng đề xuất.
Mặt khác, nếu nhiều nhà đầu tư có tiêu chí tương đương thì sẽ ưu tiên cho nhà đầu tư đăng ký sớm hơn. Đối với những dự án không có nhà đầu tư đăng ký trong thời gian công khai nhưng sau đó có nhà đầu tư quan tâm, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh sẽ xem xét giao dự án cho nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện…
Tại Dự thảo Bộ Xây dựng cũng đề xuất hình thành Quỹ phát triển nhà ở xã hội Quốc gia. Việc hình thành Quỹ phát triển nhà ở xã hội Quốc gia cũng thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua. Theo Chủ tịch Công ty Cổ phần Liên minh Khu Tây Nguyễn Viết Hùng, giữa bối cảnh giá nhà ở tăng cao, đặc biệt tại các tỉnh thành có sự phát triển mạnh, hút nhiều lao động thì vấn đề nhập cư và nhu cầu nhà ở xã hội sẽ ngày càng trở nên cấp bách.
Theo Dự thảo của Bộ Xây dựng, đây là một quỹ tài chính ngoài ngân sách, do Chính phủ thành lập với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Quỹ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư trực tiếp để hình thành quỹ nhà ở xã hội, hỗ trợ lãi suất cho vay mà không yêu cầu thế chấp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này cũng như hỗ trợ các đối tượng chính sách trong việc tiếp cận nhà ở. Cơ chế quản lý và sử dụng quỹ sẽ do Chính phủ quy định cụ thể nhằm đảm bảo hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động.
Hàng loạt đề xuất trong Dự thảo được Bộ Xây dựng đưa ra gồm nhiều chính sách quan trọng nhằm tạo động lực mạnh mẽ trong phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt, việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia, cơ chế giao chủ đầu tư không qua đấu thầu hay đơn giản hơn các thủ tục quy hoạch và xây dựng cũng như những ưu đãi đặc biệt dành cho doanh nghiệp tham gia vào mô hình phát triển này được kỳ vọng sẽ đem đến nguồn cung lớn cho phân khúc nhà ở luôn được xã hội mong chờ.
Theo dự thảo, Bộ Xây dựng đề xuất nâng mức lợi nhuận cho các chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội lên mức 13% trên tổng chi phí xây dựng dự án. Các chủ đầu tư sẽ căn cứ mức lợi nhuận này để xây biểu giá bán, giá thuê mua và thuê nhà ở xã hội.
Hiện nay, chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội bị khống chế lợi nhuận định mức là 10%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, mức lợi nhuận này không đủ hấp dẫn, thậm chí nếu trượt giá, doanh nghiệp lỗ.
Trong Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra vào ngày 6/3 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) cũng cho biết, hiện, doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội bị khống chế lợi nhuận không quá 10%. Trong điều kiện hiện nay, vật tư, nguyên vật liệu và nhân công thường xuyên biến động, thủ tục kéo dài, dẫn đến chi phí tăng do việc thực hiện các dự án bị kéo dài, dẫn đến lợi nhuận không được đảm bảo.
Chính vì vậy, đại diện UDIC kiến nghị Thủ tướng cần phải xem xét, điều chỉnh cơ chế ưu đãi như nâng lợi nhuận định mức từ 10 lên 15- 20%.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM đã đề xuất Chính phủ xem xét tăng thêm lợi nhuận định mức với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lên 15%. Sở Xây dựng Hà Nội cũng từng kiến nghị tăng mức lợi nhuận này lên 15 - 20%.
Theo Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội tới 2030, đến năm 2024 cả nước phát triển 130.000 căn. Tuy nhiên, báo cáo từ Bộ Xây dựng cho thấy dù nỗ lực, các địa phương cũng chỉ hoàn thành được 21.000 căn, tương ứng hơn 16% kế hoạch.
Từ năm 2021 đến nay, cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 580.109 căn. Trong đó, chỉ có 96 dự án được hoàn thành với quy mô hơn 57.620 căn; 133 dự án đã khởi công với trên 110.200 căn. Có 415 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ cung cấp thêm hơn 412.200 căn.
Giai đoạn 2025 - 2030, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cả nước cần hoàn thành hơn 995.000 căn hộ. Trong đó, Hà Nội phải hoàn thành gần 45.000 căn, còn TP HCM khoảng 67.000 căn.
© thitruongbiz.vn