Theo tin từ Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, sáng ngày 12-11 (giờ New York), tại cuộc bầu cử diễn ra tại Đại hội đồng (ĐHĐ) Liên Hiệp Quốc (LHQ) khóa 76, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã trở thành một trong 8 ứng viên khu vực châu Á - Thái Bình Dương được chọn vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế Liên Hợp Quốc (ILC) nhiệm kỳ năm 2023 - 2027, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao hôm nay.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao.

ILC năm nay chọn ra 34 ứng viên đại diện các nước. Theo đó, ứng cử viên của Việt Nam nhận được 145 phiếu bầu trong tổng số 191 nước có mặt và bỏ phiếu, xếp thứ 4 trong số 11 ứng cử viên của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, sau ứng cử viên Ấn Độ, Thái Lan và Nhật Bản.

Theo Vnexpress, ngoài Việt Nam, khu vực châu Á - Thái Bình Dương còn có các ứng viên từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Lebanon, Cyprus và Sri Lanka.

Được biết, Đại sứ Thao từng trúng cử thành viên ILC nhiệm kỳ năm 2017 - 2022. Trong nhiệm kỳ này, ông tham gia tích cực công việc nghiên cứu, thảo luận của ủy ban và đóng góp vào nhiều chủ đề thảo luận quan trọng tại ILC như Bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang, Bảo vệ bầu khí quyển, Mực nước biển dâng và luật pháp quốc tế.

Ngày 10/2/2021, Việt Nam chính thức thông báo tại LHQ về việc đề cử Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tái cử và triển khai các hoạt động giới thiệu, vận động ủng hộ.

Báo Người Lao động đưa tin, các nước khác có công dân trúng cử vào ILC gồm: Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Síp, Mông Cổ (khu vực Châu Á - Thái Bình Dương), Sierra Leone, Senegal, Kenya, Bờ biển Ngà, Ai Cập, Marocco, Algeria, Burkina Faso, CHDC Congo (khu vực Châu Phi), Nga, Romania, Latvia (khu vực Đông Âu), Chile, Brazil, Ecuador, Argentina, Peru, Nicaragua (Châu Mỹ Latinh và Caribe), Na Uy, Bồ Đào Nha, Ý, Anh, Áo, New Zealand, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ (Tây Âu và các nước khác).

ILC được thành lập năm 1947 với 34 thành viên đủ trình độ, năng lực. ILC đóng góp vào các văn bản quốc tế quan trọng như Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao năm 1961, Quy chế Rome của Tòa Hình sự quốc tế năm 1998 và bộ Điều khoản về Trách nhiệm quốc gia đối với hành vi sai phạm quốc tế năm 2001.