Chính sách thuế quan của Tổng thống Trump gia tăng áp lực lên nền kinh tế toàn cầu vốn đã suy yếu. Các biện pháp mới được cho là sẽ làm giảm tăng trưởng, tăng áp lực lạm phát. Fitch dự báo thuế trung bình của Mỹ đối với tất cả hàng nhập khẩu tăng lên mức 22%
Ngày 2/4, Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới, áp dụng mức thuế cơ bản 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ và mức thuế đối ứng cao hơn đối với hơn 60 quốc gia, trong đó Việt Nam chịu mức thuế lên tới 46%. Đây là động thái mạnh mẽ nhằm tái định vị Mỹ trong thương mại toàn cầu và giảm thâm hụt thương mại 1,2 nghìn tỷ USD năm 2024.
Chính sách được Trump gọi là "Ngày Giải phóng" (Liberation Day), đánh dấu sự thay đổi lớn khi Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc gia, loại bỏ cơ chế đa phương, chuyển sang hành động đơn phương thông qua Đạo luật IEEPA 1977.
Theo Reuters, loạt thuế quan thương mại mới nhất của Mỹ công bố hôm thứ Tư sẽ tiếp tục rút cạn sức sống từ nền kinh tế toàn cầu vốn còn chưa phục hồi hoàn toàn sau cú sốc lạm phát hậu đại dịch. Hiện, kinh tế thế giới vẫn đang chìm trong nợ công cao kỷ lục và căng thẳng địa chính trị leo thang.
Tùy thuộc vào các động thái tiếp theo của Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo các quốc gia khác, đây có thể là một bước ngoặt lịch sử đối với hệ thống toàn cầu hóa vốn vẫn mặc nhiên tin tưởng vào sức mạnh và độ tin cậy của Mỹ, nền kinh tế chủ chốt của hệ thống này.
Thuế quan của ông Trump có nguy cơ phá vỡ trật tự thương mại tự do toàn cầu mà chính Mỹ đã dẫn dắt kể từ Thế chiến II.
Tuy nhiên, trong những tháng tới, tác động trực tiếp và rõ ràng nhất sẽ là giá cả tăng vọt và nhu cầu bị kiềm chế do hàng ngàn mặt hàng tiêu dùng và doanh nghiệp giao dịch trên toàn thế giới bị áp thuế cao hơn.
Tôi nhận thấy nền kinh tế Mỹ và toàn cầu sẽ trượt dần vào trạng thái trì trệ hơn, bất ổn hơn, thậm chí có thể tiến đến điều mà chúng ta có thể gọi là một cuộc suy thoái toàn cầu. Chúng ta đang tiến vào một thế giới tồi tệ hơn cho tất cả mọi người, bởi nó sẽ kém hiệu quả hơn.
Phát biểu tại Vườn Hồng Nhà Trắng, Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ áp mức thuế cơ bản 10% lên toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời đưa ra biểu đồ cho thấy mức thuế cao hơn đối với một số đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, bao gồm Trung Quốc 34% và Liên minh châu Âu (EU) 20%. Thuế suất 25% đối với ô tô và phụ tùng ô tô cũng đã được xác nhận từ trước.
Ông Trump khẳng định các biện pháp thuế quan này sẽ giúp đưa hoạt động sản xuất thiết yếu trở lại Mỹ.
Với mức thuế nhập khẩu mới mà ông Trump vừa áp dụng, thuế suất bình quân của Mỹ với tất cả hàng nhập khẩu đã tăng vọt lên 22% – mức chưa từng thấy kể từ khoảng năm 1910 – tăng từ mức chỉ 2,5% hồi năm 2024, ông Olu Sonola, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ tại Fitch Ratings cho biết.
Đây là một bước ngoặt lớn không chỉ với nền kinh tế Mỹ, mà cả kinh tế toàn cầu. Nhiều quốc gia có thể sẽ rơi vào suy thoái.
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva tại một sự kiện của Reuters tuần này cho biết bà hiện chưa thấy dấu hiệu của một cuộc suy thoái toàn cầu, nhưng thừa nhận IMF có thể sớm điều chỉnh giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 từ mức 3,3%.
Tuy nhiên, tác động đối với các nền kinh tế quốc gia sẽ rất khác nhau, do mức thuế Mỹ áp lên dao động mạnh, từ 10% đối với Anh cho tới 49% với Campuchia.
Nếu chiến tranh thương mại lan rộng, hậu quả sẽ còn lớn hơn đối với các nhà sản xuất như Trung Quốc, vốn sẽ buộc phải tìm kiếm thị trường mới khi nhu cầu tiêu dùng toàn cầu đang suy yếu rõ rệt.
Và nếu các biện pháp thuế quan này đẩy Mỹ vào suy thoái, điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia đang phát triển có nền kinh tế phụ thuộc chặt chẽ vào Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Những gì xảy ra ở Mỹ sẽ không chỉ giới hạn trong phạm vi nước Mỹ. Nền kinh tế này quá lớn và quá gắn bó với phần còn lại của thế giới thông qua thương mại và dòng vốn, khiến mọi nơi khác không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Ảnh hưởng lan tỏa đến các ngân hàng trung ương và chính phủ các nước cũng rất lớn.
Chuỗi cung ứng toàn cầu vốn giữ giá hàng hóa tiêu dùng thấp trong nhiều năm nay có nguy cơ tan rã, dẫn tới khả năng lạm phát sẽ duy trì ở mức cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà các ngân hàng trung ương đang hướng tới.
Điều này đặc biệt gây khó khăn cho Ngân hàng Nhật Bản (BOJ), khi ngân hàng này phải đối phó với áp lực tăng lãi suất để chống lại lạm phát cao ngay cả khi các đối tác lớn lại đang cân nhắc hạ lãi suất, trong bối cảnh kinh tế Nhật phụ thuộc vào xuất khẩu sẽ chịu tác động tiêu cực từ thuế quan Mỹ.
Nhật Bản với mức thuế 24% và Hàn Quốc với mức thuế 25% đánh vào ô tô và linh kiện ô tô, đã công bố kế hoạch khẩn cấp để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế mới từ Mỹ.
Những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng yếu hơn sẽ càng gặp khó khăn trong việc trả nợ, khi nợ toàn cầu đã chạm mức kỷ lục 318 nghìn tỷ USD, đồng thời ngân sách cho các ưu tiên như quốc phòng, hành động khí hậu hay phúc lợi xã hội cũng bị hạn chế.
Điều gì sẽ xảy ra nếu các biện pháp thuế quan không đạt được mục tiêu của ông Trump, vốn là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất trong nước, nhất là khi Mỹ đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động và thị trường gần như đầy đủ việc làm?
Một số người dự đoán Trump sẽ tìm kiếm các phương thức khác để cân bằng lại thâm hụt thương mại, chẳng hạn như thúc ép các nước khác điều chỉnh tỷ giá hối đoái có lợi cho xuất khẩu Mỹ.
Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo rằng châu Âu cần hành động khẩn cấp và đẩy nhanh cải cách kinh tế để cạnh tranh trong thế giới mà bà gọi là "đảo ngược".
Tất cả chúng ta từng hưởng lợi từ sự lãnh đạo của Mỹ, nước đã cam kết duy trì một trật tự đa phương dựa trên luật lệ. Nhưng hiện tại chúng ta phải đối mặt với sự khép kín, phân mảnh và bất định.
Mức thuế đối ứng 46% đặc biệt ảnh hưởng tới Việt Nam, nhất là các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may và đồ gỗ.
Năm 2024, ngành gỗ xuất khẩu hơn 16,2 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm hơn 56% với giá trị trên 9,1 tỷ USD, tạo ra mức xuất siêu khoảng 9 tỷ USD cho Việt Nam.
Với chính sách mới, đồ gỗ nội thất Việt Nam vốn trước đây phần lớn hưởng thuế 0% khi xuất sang Mỹ, sẽ gặp khó khăn lớn do chi phí tăng mạnh và sức cạnh tranh giảm sút. Ngành dệt may, với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt hơn 10 tỷ USD năm 2024, chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu ngành, cũng đối mặt với nguy cơ gián đoạn sản xuất và mất thị phần nghiêm trọng.
Ngay sau khi chính sách được công bố, nhiều doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề tại Việt Nam lập tức họp khẩn cấp để tìm giải pháp ứng phó.
Hiện tại, doanh nghiệp đang tích cực xác minh thông tin mức thuế 46% chỉ áp dụng riêng cho một số ngành cụ thể như nông sản và máy móc, tác động như thế nào đến ngành nghề của doanh nghiệp mình, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.
Trả lời truyền thông, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, cũng cho biết hiệp hội đã tổ chức họp khẩn vào sáng 3/4 để xác định chính xác thông tin, đồng thời xây dựng các đề xuất và kiến nghị lên cơ quan quản lý để bảo vệ lợi ích ngành dệt may.
Theo Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ), mức thuế cao lần này xuất phát từ công thức tính thuế dựa trên tỷ lệ thâm hụt thương mại song phương, trong đó Việt Nam hiện đang ở mức 90%. Tuy nhiên, ông Trump cho rằng mức thuế 46% vẫn thấp hơn khoảng một nửa so với mức thuế thực tế tính theo công thức của Bộ Tài chính Mỹ, nhằm tạo ra "dư địa linh hoạt" cho các cuộc đàm phán thương mại song phương trong tương lai.
Giới chuyên gia nhận định rằng quyết định này của Mỹ có thể gây gián đoạn nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy xu hướng nội địa hóa sản xuất và làm suy giảm tự do thương mại. Động thái này không chỉ gây áp lực lớn với doanh nghiệp Việt Nam mà còn đặt ra thách thức về lâu dài trong quan hệ thương mại Việt - Mỹ, đòi hỏi Việt Nam nhanh chóng đưa ra những giải pháp chiến lược để giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ nền kinh tế trước những thay đổi đột ngột từ phía Mỹ.
Theo CNBC, chính quyền Trump sử dụng công thức: Thuế quan = Thâm hụt thương mại song phương / Tổng giá trị nhập khẩu từ nước đó. Ví dụ, Việt Nam xuất sang Mỹ 136,6 tỉ USD, nhập 13,1 tỉ USD, thâm hụt 123,5 tỉ USD - tương đương 90% tổng xuất, nhập khẩu, mà Mỹ cho rằng đây là mức "thuế" mà Việt Nam đang "áp" cho hàng hóa Mỹ. Do đó, Mỹ áp thuế 46%, tức một nửa mức tính toán. Công thức này phản ánh mức độ mất cân bằng thương mại theo cách tính của Mỹ, không dựa vào thuế danh nghĩa các nước công bố.
© thitruongbiz.vn