Từ năm 2025, việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc lá điện tử chính thức bị cấm tại Việt Nam. Quyết định này không chỉ bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng mà còn đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Ngày 30/11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết 173/2024/QH15 chính thức cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha, bóng cười.
Theo Nghị quyết này, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể.
Trong đó, bóng cười, shisha cũng là một trong các chất gây nghiện, gây tác hại đến sức khỏe con người.
Như vậy, sẽ chính thức cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha, bóng cười và chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025.
Song song, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người.
Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là sản phẩm thế hệ mới, hoạt động bằng cách làm nóng dung dịch chứa nicotine hoặc các hương liệu hòa tan trong propylene glycol hoặc glycerine. Ít nhất 60 hợp chất hóa học được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử và nhiều chất độc hại khác xuất hiện trong khí/khói mà sản phẩm này tạo ra.
Mặc dù không chứa nguyên liệu thuốc lá truyền thống, nhưng Bộ Y tế đánh giá thuốc là điện tử vẫn gây nghiện do hàm lượng nicotine cao, gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng như ung thư, tim mạch, hô hấp, tổn thương phổi cấp và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.
Qua điều tra tại 34 tỉnh, thành phố vào năm 2020 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên tăng 18 lần từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong đó tập trung cao nhất ở nhóm tuổi từ 15 đến 24 tuổi. Kết quả điều tra liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo các nhóm tuổi thấy rằng, nhu cầu và việc sử dụng trong giới trẻ, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em gái cũng tăng lên. Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong học sinh từ 13-17 tuổi tăng 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi cũng tăng 3,5% lên 8%. Nữ giới 11-18 tuổi cũng tăng 4,3%.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào công ước khung phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Bên cạnh giảm thiểu tác hại của thuốc lá thông thường, với những hình thức xuất hiện mới của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ngành y tế cũng đã có rất nhiều giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ Y tế phối hợp với ngành giáo dục, các cơ quan liên quan tăng cường truyền thông và phòng chống tác hại thuốc lá nói chung, trong đó có thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Qua lấy ý kiến của các bộ, ngành đa phần rất ủng hộ đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội có những giải pháp cấm sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Bộ Y tế đã tổ chức đánh giá tác động làm căn cứ khoa học; đã tổ chức công bố tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử ra công chúng.
Các giải pháp này là những giải pháp mang tính chất căn cơ để cung cấp các bằng chứng, căn cứ pháp lý để Chính phủ quyết định các giải pháp phòng chống tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử.
Về xử lý vi phạm, Bộ Y tế đề xuất UBND các tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp và lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, vận chuyển, chứa chấp và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Bộ Y tế cũng đề xuất mức xử phạt vi phạm hành chính với người hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ 1 - 2 triệu đồng. Bên cạnh đó sẽ có một số biện pháp bắt buộc như cai nghiện thuốc lá điện tử; nếu công chức, viên chức vi phạm gửi thông báo về cơ quan để cơ quan xử lý.
Về chế tài hình sự, Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.
Trường hợp phạm tội có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Có tính chất chuyên nghiệp; Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng… thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 5 - 10 năm.
Phạm tội thuộc trường hợp "hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên" thì bị phạt tù từ 8 - 15 năm.
Về "bóng cười" Bộ Y tế khẳng định việc lạm dụng bóng cười sẽ gây ra những tác hại khôn lường đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Theo các chuyên gia, lạm dụng bóng cười có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, bao gồm rối loạn thần kinh, co giật, trầm cảm, rối loạn cảm giác và liệt vận động. Các biến chứng này có thể trở nên nặng nề hơn theo thời gian và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người dùng.
Ngoài tác động lên hệ thần kinh, khí N2O còn có thể gây ngộ độc, dẫn đến thiếu oxy trong máu, ảnh hưởng xấu đến các cơ quan khác như tim, não. Bóng cười còn gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, nhất là khi được sử dụng tại các địa điểm vui chơi giải trí, tụ tập đông người.
Khí cười thực ra là oxit nitơ (N2O). Giải thích về tác hại của loại khí này đến sức khỏe, PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, khí N2O thực ra là thuốc gây mê. Khi hít phải ở lượng nhỏ sẽ kích thích thần kinh trung ương tạo ra hưng phấn và gây cười.
Theo TS Trần Hồng Côn, việc thần kinh bị kích thích, hưng phấn và cười một cách cơ học như vậy rất nguy hiểm nếu diễn ra thường xuyên. Việc một chất kích thích đúng vào trung tâm gây cười mà không xuất phát từ cảm xúc thực sự sẽ làm cho thần kinh bị chai lì, quen với việc bị kích thích mới cười. Lâu dần sẽ làm người hít bóng cười bị tự kỉ, vui cũng không thể cười được, không muốn nói năng gì, đau đầu, mệt mỏi.
Nếu sử dụng một thời gian dài hơn, người dùng có thể bị thiếu vitamin B12, gây tổn thương thần kinh ở tay và chân, hoặc các vấn đề với hệ thống miễn dịch vì hóa chất có thể ngăn chặn các tế bào bạch cầu hình thành đúng cách. Ở liều cao có thể dẫn đến ảo giác và chóng mặt, làm tăng nguy cơ tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông, khiến cơ thể dễ mất kiểm soát.
N2O là hóa chất được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công Thương, thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (số thứ tự 120, Phụ lục II của Nghị định 113/2017/NĐ-CP).
Theo Điều 17 Nghị định 71/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 17/2022/NĐ-CP thì hành vi vi phạm quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
URL: https://thitruongbiz.vn/cam-thuoc-la-dien-tu-bong-cuoi-tu-hom-nay-1-1-2025-d26745.html
© thitruongbiz.vn