Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình lập Đề án nghiên cứu khả năng hình thành cảng hàng không tại Ninh Bình gửi Bộ Xây dựng xem xét, báo cáo Chính phủ. Trong quá trình triển khai, Bộ Xây dựng sẽ thành lập Tổ công tác chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ UBND tỉnh Ninh Bình và tư vấn lập, trình duyệt Đề án bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo Chính phủ với đề xuất của doanh nghiệp Xuân Trường về việc xây dựng sân bay quốc tế dự kiến tại huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) hoặc địa điểm do Bộ Xây dựng khảo sát và đề xuất; nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh Ninh Bình (sau sát nhập) và vốn xã hội hoá của doanh nghiệp, không sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương.
Theo Bộ Xây dựng, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ mở ra hướng phát triển mới, đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và dịch vụ vận tải, Bộ Xây dựng nhận định nhu cầu quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là chính đáng. Tỉnh Ninh Bình sau khi sắp xếp đơn vị hành chính là địa phương có tiềm năng về thị trường vận tải hàng không, do vậy Bộ Xây dựng ủng hộ chủ trương nghiên cứu, bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới tại tỉnh Ninh Bình sau khi hợp nhất.
Quy hoạch hệ thống cảng hàng không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 07/6/2023 đã xác định 12 vị trí cảng hàng không tiềm năng; đây là các vị trí đã được nghiên cứu, đánh giá sơ bộ các yếu tố kỹ thuật để hình thành cảng hàng không. Trong đó, 3/12 vị trí đã được các địa phương phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức lập Đề án nghiên cứu khả năng hình thành cảng hàng không (Gia Bình - Bắc Ninh, Măng Đen - Kon Tum, Vân Phong - Khánh Hòa) và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương bổ sung trong Quy hoạch hệ thống cảng hàng không. Nội dung các Đề án đã đánh giá kỹ lưỡng các tiêu chí hình thành cảng hàng không, bảo đảm tính khả thi để bổ sung quy hoạch và làm cơ sở nghiên cứu đầu tư.
"Tại khu vực tỉnh Ninh Bình (sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh), Quy hoạch hệ thống cảng hàng không chưa xác định vị trí tiềm năng quy hoạch cảng hàng không", Bộ Xây dựng nêu rõ.
Vì vậy, để bảo đảm đầy đủ cơ sở bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới, Bộ Xây dựng đề xuất cấp có thẩm quyền giao UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức lập Đề án nghiên cứu khả năng hình thành cảng hàng không tại Ninh Bình gửi Bộ Xây dựng xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình triển khai, Bộ Xây dựng sẽ thành lập Tổ công tác chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ UBND tỉnh Ninh Bình và tư vấn lập, trình duyệt Đề án bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng khẳng định, thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ chủ động triển khai rà soát, điều chỉnh Quy hoạch hệ thống cảng hàng không để bảo đảm phù hợp với tình hình mới. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội trong thời gian tới. Do vậy, cùng với kết quả nghiên cứu tại Đề án do UBND tỉnh Ninh Bình lập, Bộ Xây dựng sẽ triển khai thủ tục điều chỉnh Quy hoạch hệ thống cảng hàng không theo quy định của pháp luật về quy hoạch để bổ sung cảng hàng không tại Ninh Bình.
Cũng trong văn bản đề xuất nêu trên, doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất được xây dựng 2 trục đường chính từ Di sản Tràng An, Bái Đính (trung tâm Ninh Bình đến Nam Định và Phủ Lý, Hà Nam) với 8 làn xe và xây dựng 9 cầu bắc qua sông Đáy và sông Hoàng Long; thời gian thi công không quá 12 tháng sẽ hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng; nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh Ninh Bình (sau sát nhập) và vốn xã hội hoá của doanh nghiệp, không sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương.
Đối với đề xuất này của Xuân Trường, Bộ Xây dựng cho rằng, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, việc nghiên cứu đầu tư bổ sung hệ thống hạ tầng giao thông kết nối là cần thiết. Theo quy định, việc đầu tư xây dựng các trục đường chính và các cầu trên sông Đáy, sông Hoàng Long phải phù hợp với quy hoạch tỉnh và thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của UBND tỉnh Ninh Bình (sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh).
Tại văn bản số 1100/UBND-VP4 ngày 30/6/2025, UBND tỉnh Ninh Bình đã nhận định nội dung này thuộc trách nhiệm của địa phương và đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn khẩn trương rà soát quy hoạch Tỉnh làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng trong thời gian tới, bảo đảm phù hợp với quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển và quy định của pháp luật.
Bộ Xây dựng thống nhất với ý kiến của UBND tỉnh Ninh Bình và sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp, hướng dẫn tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện.
Trước đó, ngày 4/6/2025, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Chính trị, đề xuất cho phép đầu tư xây dựng một sân bay quốc tế tại tỉnh Ninh Bình mới (sau khi sáp nhập ba tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam), vị trí dự kiến tại huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định), hoặc một địa điểm do Bộ Xây dựng chọn lựa.
Bên cạnh đó, cho phép doanh nghiệp cùng với tỉnh Ninh Bình mới xây dựng 2 trục đường chính quy mô 8 làn xe, từ Di sản Tràng An - Bái Đính (trung tâm Ninh Bình) kết nối với Nam Định và Phủ Lý.
Đồng thời xây dựng 9 cây cầu bắc qua sông Đáy, sông Hoàng Long để thực hiện ý tưởng Ninh Bình trở thành trung tâm văn hoá, du lịch của cả nước. Thời gian thi công 2 trục đường, 9 cây cầu không quá 12 tháng. Doanh nghiệp này cam kết chỉ dùng ngân sách địa phương và vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp, không sử dụng vốn ngân sách Trung ương.
Lý do doanh nghiệp đưa ra là, sau sáp nhập với Hà Nam và Nam Định, tỉnh Ninh Bình mới sẽ là trung tâm văn hoá, du lịch của Việt Nam trong tương lai.
Tỉnh Ninh Bình mới có sự khác biệt hoàn toàn với các tỉnh khác. Nơi đây sẽ là trung tâm phật giáo của Việt Nam và thế giới vì có 2 ngôi chùa lớn hàng đầu thế giới là chùa Tam Chúc và chùa Bái Đính, đồng thời là trung tâm đạo Công giáo, Đạo Mẫu. Ngoài ra, tỉnh mới còn có 2 di sản, đó là Tràng An - Bái Đính, quần thể du lịch Tam Chúc - Vân Long.
Trong năm 2024, khách du lịch trong nước và nước ngoài đến với Ninh Bình là 12 triệu khách, phấn đấu trong năm 2025 đạt 20 triệu khách/năm.
Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường cam kết sau khi đầu tư sân bay quốc tế, 2 tuyến đường trục, 9 cây cầu kết nối thì diện mạo của tỉnh Ninh Bình sẽ khác biệt với một thành phố hiện đại bên sông tại Ý Yên và một thành phố cổ kính Hoa Lư.
Doanh nghiệp dự tính, mỗi năm thành phố bên sông Ý Yên sẽ đón khoảng 10 triệu du khách trong nước và quốc tế.
© thitruongbiz.vn