Số ca nhiễm COVID-19 trong nước thấp nhất trong khoảng 1 tháng qua

Tính từ 16h ngày 26/3 đến 16h ngày 27/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 91.916 ca nhiễm mới ghi nhận trong nước (giảm 11.208 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 62.043 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (10.252), Bắc Giang (3.997), Yên Bái (3.977), Nghệ An (3.976), Đắk Lắk (3.909), Phú Thọ (3.638), Lào Cai (3.430), Lạng Sơn (3.121), Thái Bình (2.798), Vĩnh Phúc (2.768), Quảng Ninh (2.553), Hà Giang (2.518), Quảng Bình (2.501), Thái Nguyên (2.435), Sơn La (2.206), Tuyên Quang (2.092), Cao Bằng (1.829), Bắc Kạn (1.786), Hải Dương (1.778), Bình Định (1.705), Cà Mau (1.660), Hưng Yên (1.493), Bình Dương (1.486), Quảng Trị (1.478), Hà Nam (1.432), Bắc Ninh (1.416), Lâm Đồng (1.370), Điện Biên (1.248), Lai Châu (1.231), Hòa Bình (1.197), Vĩnh Long (1.177), Bến Tre (972), Bình Phước (959), Ninh Bình (917), Tây Ninh (872), TP. Hồ Chí Minh (849), Phú Yên (761), Đắk Nông (754), Kon Tum (750), Đà Nẵng (743), Thừa Thiên Huế (681), Nam Định (655), Trà Vinh (626), Thanh Hóa (618), Quảng Ngãi (591), Bà Rịa - Vũng Tàu (583), Khánh Hòa (403), Hải Phòng (339), Quảng Nam (320), Bình Thuận (205), Bạc Liêu (173), Kiên Giang (148), Long An (146), An Giang (116), Cần Thơ (90), Đồng Nai (81), Ninh Thuận (31), Hậu Giang (27), Đồng Tháp (20), Sóc Trăng (15), Tiền Giang (14).

Biểu đồ số ca mắc mới COVID-19 tính đến ngày 27/3.
Biểu đồ số ca mắc mới COVID-19 tính đến ngày 27/3.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (-1.945), Bắc Ninh (-1.174), Phú Thọ (-1.041).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+629), Đắk Lắk (+466), Bình Dương (+257).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 116.330 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.011.473 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 91.225 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.003.762 ca, trong đó có 5.349.161 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.260.268), TP. Hồ Chí Minh (591.198), Nghệ An (377.041), Bình Dương (372.549), Hải Dương (336.060).

42 năm tù cho nhóm đối tượng sản xuất găng tay y tế giả

Sau quá trình xét xử sơ thẩm và nghị án, Hội đồng xét xử TAND TP HCM nhận định hành vi làm giả găng tay y tế, lợi dụng tình hình dịch bệnh để kiếm tiền là hành vi nghiêm trọng. Do vậy cần có mức án nghiêm khắc mới đủ sức răn đe, nhất là đối với kẻ tổ chức cầm đầu hoạt động phi pháp.

Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt 5 bị cáo gồm: Thạch Thị Hoa (SN 1984, ngụ tại quận 1, TP HCM, nguyên Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại thiết bị TTH - gọi tắt là Công ty TTH) 13 năm tù; Nguyễn Đức Chương (SN 1976, ngụ tại Hà Tĩnh) 8 năm tù; Lê Ngọc Ngân (SN 1984, ngụ tại Sóc Trăng) 7 năm tù; Nguyễn Thị Lynh Trang (SN 1984, ngụ tại quận 1, TP HCM) 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Thu Sương (SN 1985, ngụ tại Kon Tum) 9 năm 6 tháng tù cùng về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả".

Theo cáo trạng, lực lượng công an TP HCM phát hiện kho hàng tại quận Bình Tân do Nguyễn Đức Chương làm chủ có lượng lớn găng tay y tế. Số găng tay này mang nhãn hiệu Vglove của Công ty CP VRG Khải Hoàn; nhãn hiệu HTC Gloves của Công ty CP găng tay HTC. Tuy nhiên số găng tay này không xuất trình được hóa đơn giấy tờ hợp pháp.

Thời điểm kiểm tra còn có Thạch Thị Hoa (Giám đốc Cty TTH), Nguyễn Thị Lynh Trang (quản lý kho), Lê Ngọc Ngân (nhân viên Cty TTH) và hơn 30 nhân viên đang sàng lọc các loại găng tay kém chất lượng từ các bao găng tay nguyên liệu. Số găng tay này sau đó được xếp vào các vào các hộp nhãn hiệu Vglove để đóng gói.

Đáng chú ý, tại kho này lực lượng chức năng còn phát hiện hơn 2.000 thùng găng tay y tế hiệu Vglove. Hàng trăm thùng găng tay y tế hiệu HTC Gloves. Khoảng 700 kg găng tay kém chất lượng và hàng ngàn vỏ hộp găng tay Vglove.

Ngoài địa chỉ trên, cơ quan chức năng phát hiện tại 9 địa chỉ khác tại quận Bình Tân, quận Tân Bình, quận 8,… được các bị cáo thuê để sản xuất găng tay giả. Tại các địa chỉ này, cơ quan chức năng phát hiện hàng trăm thùng găng tay y tế giả nhãn hiệu. Ước tính số hàng hóa thu giữ của nhóm đối tượng này tương đương với hàng thật khoảng hơn 3,2 tỷ đồng.

Các bị cáo trong đường dây sản xuất găng tay giả tại phiên xét xử..
Các bị cáo trong đường dây sản xuất găng tay giả tại phiên xét xử..

Quá trình điều tra xác định, nắm bắt được thị trường có nhu cầu về găng tay y tế trong mùa dịch COVID-19, nhằm mục đích kiếm lời bất chính, Thạch Thị Hoa thuê các địa điểm làm nhà kho, nơi sản xuất. Cùng đó, thuê công nhân để tổ chức sản xuất găng tay giả các nhãn hiệu Vglove để bán cho các khách hàng có nhu cầu.

Cụ thể, Thạch Thị Hoa chỉ đạo Lê Ngọc Ngân liên hệ với Nguyễn Thị Thu Sương để mua nguyên liệu găng tay y tế trôi nổi, tem nhãn, vỏ thùng, vỏ hộp trên thị trường Sau đó giao cho Chương sản xuất rồi liên hệ khách hàng để bán găng tay y tế thành phẩm.

Đối với Nguyễn Đức Chương, sau khi nhận nguyên liệu sẽ thuê người thực hiện việc sàng lọc để bỏ các găng tay kém chất lượng. Lựa chọn găng tay còn sử dụng được, cân và xếp các găng tay vào thùng, dán tem nhãn.

Để quản lý nhân viên, Hoa và Chương thuê Nguyễn Thị Lynh Trang giám sát, ghi chép nguyên liệu được nhập, xuất và trả tiền công cho công nhân. Làm việc tại cơ quan điều tra, các bị can đã khai nhận hành vi phạm tội.

Theo Hội đồng xét xử, với mục đích kiếm lời bất chính, bị cáo Thạch Thị Hoa và đồng phạm đã sản xuất găng tay y tế giả các thương hiệu có tiếng, gây ảnh hưởng đến hiệu quả phòng chống dịch COVID-19, xâm phạm đến quản lý trật tự nhà nước, gây nguy hiểm cho xã hội.

Trong đó, bị cáo Thạch Thị Hoa giữ vai trò chủ mưu, chịu trách nhiệm chính trong việc sản xuất, buôn bán găng tay y tế giả.

Các bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương, Lê Ngọc Ngân, Nguyễn Đức Chương đóng vai trò đồng phạm tích cực. Trong đó, Sương cung cấp các nguyên liệu để Hoa sản xuất găng tay y tế giả các nhãn hiệu. Bị cáo Ngân và Chương biết việc Hoa sản xuất găng tay y tế giả nhưng vẫn giúp sức tích cực theo chỉ đạo của Hoa.

Đối với hơn 30 công nhân làm việc tại kho hàng của Công ty TTH, do không biết việc làm của mình nhằm mục đích sản xuất găng tay giả, nên cơ quan điều tra không xử lý hình sự.

Đối với đối tượng người nước ngoài đặt mua găng tay của Thạch Thị Hoa, do chưa xác định được lai lịch nên Cơ quan điều tra đang tiếp tục truy xét và xử lý sau.

Đầu tháng 4/2022, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi

Trước đó, ngày 22/3/2022, Bộ Y tế đã làm việc với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam về việc hỗ trợ vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Theo đó, Chính phủ Australia đã chính thức cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi ngay trong tuần đầu tháng 4/2022.

Hiện nay, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đang tích cực phối hợp với Đại sứ quán Australia để đưa vaccine về Việt Nam trong tuần tới.

Trong tháng 3/2022, Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ tiến hành tập huấn chuyên môn triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi cho các địa phương trên toàn quốc và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức các điểm tiêm chủng.

Ngay sau khi vaccine về tới Việt Nam và được kiểm định chất lượng an toàn, vaccine sẽ được chuyển tới các địa phương và tổ chức tiêm chủng vào đầu tháng 4/2022.

Bộ Y tế đề xuất nhận viện trợ 13,7 triệu liều vaccine trẻ em.
Bộ Y tế đề xuất nhận viện trợ 13,7 triệu liều vaccine trẻ em.

Cũng theo Chương trình tiêm chủng mở rộng, bên cạnh nguồn vaccine phòng COVID-19 hỗ trợ của Chính phủ Australia, Bộ Y tế và Chương trình Tiêm chủng mở rộng cũng đã và đang chủ động, tích cực tìm kiếm các nguồn hỗ trợ vaccine khác từ các Tổ chức quốc tế như USAID, COVAX Facility và Chính phủ các nước,… để sớm có cam kết tài trợ khoảng 8-10 triệu liều vaccine phòng COVID-19, đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng đủ 2 liều cơ bản cho tất cả trẻ em từ 5-11 tuổi của Việt Nam.

Trước đó, ngày 26/3, Bộ Y tế có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em do Australia viện trợ.

Tại báo cáo, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế và Đại sứ quán Australia đã có buổi họp chiều ngày 22/3. Tại buổi làm việc này, phía Australia khẳng định có thể viện trợ khoảng 13,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em.

Đợt 1 có khoảng 9,7 triệu liều vaccine, bao gồm: 0,7 triệu liều vaccine do Pfizer sản xuất; 9 triệu liều vaccine do Moderna sản xuất. Số vaccine này đều có hạn sử dụng đến tháng 7/2022, đang sẵn có tại Australia và có thể vận chuyển về Việt Nam vào đầu tháng 4/2022 ngay sau khi hoàn thiện các thủ tục.

Đợt 2 có khoảng 4 triệu liều vaccine do Pfizer sản xuất, được Chính phủ Australia viện trợ thông qua UNICEF. Phía Australia đang hoàn thiện các thủ tục và dự kiến cung cấp trong tháng 4/2022.

Phía Australia sẽ sớm cung cấp các hồ sơ của vaccine để Bộ Y tế khẩn trương cấp phép sử dụng theo quy định và vận chuyển về Việt Nam khi được phê duyệt.

Tại báo cáo, Bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Y tế tiếp nhận viện trợ 13,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 do Chính phủ Australia viện trợ để triển khai tiêm từ đầu tháng 4/2022.