Những điểm mới của Chương trình phòng, chống dịch COVID-19

Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành tại Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022, thực hiện trong thời gian 2 năm 2022 - 2023. Trường hợp dịch bệnh kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài sang năm 2024, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xem xét việc tiếp tục thực hiện Chương trình này hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Thứ nhất, chuyển từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong; giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19/1 triệu dân xuống mức thấp hơn mức trung bình của châu Á.

Thứ hai, định hướng căn cứ tình hình dịch bệnh chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B;

Thứ ba, xác định tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là tiêm chủng vắc xin toàn dân, miễn phí; giao Bộ Y tế xây dựng cơ chế xã hội hóa thuốc, vắc xin trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Thứ tư, đưa ra các định hướng, giải pháp đáp ứng cho mọi tình huống dịch kể cả khi dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn.

Thứ năm, xác định chiến lược giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn.

Thứ sáu, xác định các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện về phòng, chống dịch bao gồm lãnh đạo, chỉ đạo; y tế; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; an sinh xã hội; tài chính, hậu cần; bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của người dân; vận động và huy động xã hội; truyền thông, công nghệ thông tin; hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học; triển khai các kịch bản theo tình huống dịch COVID-19.

11 điểm mới của Chương trình phòng, chống dịch COVID-19
11 điểm mới của Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Thứ bảy, quy định việc ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư vào công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thứ tám, quy định thành lập Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở Quỹ vắc xin phòng COVID-19.

Thứ chín, định hướng nâng cao năng lực của y tế dự phòng, y tế cơ sở, trong đó bao gồm việc áp dụng mức phụ cấp 100% đối với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Thứ mười, quy định việc huy động cơ sở y tế ngoài công lập tham gia phòng, chống dịch.

Thứ mười một, quy định rút gọn, đơn giản hóa hồ sơ chứng từ thanh toán; bãi bỏ các rào cản, chồng chéo, vướng mắc, bất cập hiện hành về chính sách thanh toán chi phí y tế cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Bộ Y tế cho biết, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, mục tiêu của Chương trình là bảo đảm đạt tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19; kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh; nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến; bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi COVID-19; bảo đảm vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và ổn định đời sống của nhân dân…

Tin COVID trong nước: 4 tỉnh bổ sung hơn 118.400 F0

Tính từ 16h ngày 21/3 đến 16h ngày 22/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 130.735 ca nhiễm mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 130.731 ca ghi nhận trong nước (giảm 978 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 83.731 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (16.014), Phú Thọ (5.920), Nghệ An (4.820), Lào Cai (4.544), Hải Dương (4.219), Bắc Giang (3.949), Yên Bái (3.933), Vĩnh Phúc (3.892), Lạng Sơn (3.657), Tuyên Quang (3.569), Đắk Lắk (3.478), Bắc Ninh (3.473), Sơn La (3.338), Hưng Yên (3.327), Hòa Bình (3.324), Thái Bình (3.120), Cà Mau (3.053), Cao Bằng (2.910), Quảng Bình (2.882), Thái Nguyên (2.859), Quảng Ninh (2.682), Lâm Đồng (2.349), Bắc Kạn (2.262), Lai Châu (2.216), Điện Biên (2.204), Hà Giang (1.987), Bình Định (1.959), Quảng Trị (1.895), Hà Nam (1.809), Bến Tre (1.748), Tây Ninh (1.714), Nam Định (1.515), Bình Dương (1.512), Vĩnh Long (1.465), Ninh Bình (1.403), Kon Tum (1.283), Đắk Nông (1.217), TP. Hồ Chí Minh (1.094), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.060), Trà Vinh (1.039), Bình Phước (1.033), Khánh Hòa (1.013), Quảng Ngãi (1.002), Hà Tĩnh (989), Thanh Hóa (979), Hải Phòng (776), Đà Nẵng (747), Phú Yên (739), Bình Thuận (672), Thừa Thiên Huế (632), Quảng Nam (348), Bạc Liêu (228), An Giang (161), Long An (150), Kiên Giang (146), Đồng Nai (98), Cần Thơ (96), Sóc Trăng (74), Ninh Thuận (57), Hậu Giang (50), Đồng Tháp (30), Tiền Giang (17).

Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến chiều ngày 22/3
Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến chiều ngày 22/3

Ngày 22/03/2022, Sở Y tế Thái Bình đăng ký bổ sung 35.000 ca, Sở Y tế Hưng Yên đăng ký bổ sung 33.331 ca, Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 26.400 ca và Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 23.687 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin. Tổng số ca của 4 tỉnh bổ sung là 118.418 ca.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (-2.793), Hà Nội (-1.902), Bắc Kạn (-1.422).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Cao Bằng (+646), Lâm Đồng (+620), Hải Dương (+599).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 153.717 ca/ngày.

Chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam theo tiêu chuẩn Châu Âu

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo triển khai chứng nhận điện tử tiêm vaccine phòng COVID-19 do Bộ Y tế và Tổ chức PATH tổ chức chiều ngày 22/3 với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và sự tham dự của Ngài Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam. Hội thảo được kết nối đến điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nêu rõ, đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam đã đạt mức rất cao trong khu vực và quốc tế.

Việt Nam hiện là một trong 6 trong nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là gần 100%, 2 mũi là 99%, và tỷ lệ người đã tiêm mũi 3 đạt 43,5 %. Đối với người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 99% và 2 mũi là 94%.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy việc áp dụng công nghệ thông tin cho các hoạt động như thu thập dữ liệu để phòng chống dịch bệnh.

Đây là một thời khắc quan trọng cho thấy rằng việc áp dụng các phương pháp tiếp cận sáng tạo trong bối cảnh hiện nay sẽ đẩy mạnh việc sử dụng các hệ thống số hóa và đáp ứng nhanh khi thế giới đang dần tiến tới trạng thái bình thường mới.

Trong khuôn khổ dự án hợp tác, Bộ Y tế đã phối hợp với tổ chức PATH và với sự phối hợp từ Bộ Ngoại giao và Phát triển Anh để để liên kết dữ liệu tiêm chủng quốc gia theo chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới, Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển trong và ngoài nước, đặc biệt là trong những vùng lãnh thổ trên...

Việt Nam hiện đang dần bước vào giai đoạn phục hồi hoạt động kinh tế xã hội. Chính phủ đã tuyên bố chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chủ trì Hội thảo triển khai chứng nhận điện tử tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chủ trì Hội thảo triển khai chứng nhận điện tử tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống

Từ cuối năm 2021, Việt Nam đã nỗ lực phát triển giấy chứng nhận tiêm vaccine phòng COVID-19 điện tử để chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế trở lại. Chứng nhận tiêm chủng điện tử hiển thị các thông tin cá nhân và thông tin tiêm chủng của người sử dụng thông qua mã QR code có hạn sử dụng là 12 tháng.

Về phía các đơn vị trực thuộc Bộ, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn yêu cầu Cục Y tế dự phòng tiếp tục đôn đốc các địa phương, đơn vị trong công tác tổ chức tiêm chủng, giám sát phản ứng sau tiêm, vaccine phòng COVID-19 đảm bảo kịp thời và hiệu quả.

Cục Công nghệ thông tin tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc thí điểm việc ký số chứng nhận điện tử tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; trong trường hợp cần thiết tham mưu Lãnh đạo Bộ chỉnh sửa Quyết định 5772/QĐ-BYT để kịp thời hướng dẫn cơ sở tiêm chủng thực hiện việc ký số chứng nhận điện tử tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Chủ động xây dựng các biểu mẫu, tiếp tục rà soát Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 để cập nhật, duy trì hoạt động thường xuyên.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quản lý và xây dựng phần mềm bảo đảm sử dụng thuận tiện, an toàn bảo mật thông tin.