Siết chặt và minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Liên quan đến việc Chính phủ và các bộ ngành đã có những động thái nhằm siết chặt, tăng kiểm soát, tạo ổn định và minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chuyên gia Lê Xuyên Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, cho rằng việc siết chặt, kiểm soát là cần thiết, tránh sự phát triển ồ ạt, tạo rủi ro.

Trao đổi với báo chí, TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn Thủ tướng khẳng định việc kiểm soát, hướng tới một thị trường minh bạch hơn là cần thiết. Vừa qua theo ông Kiên, có tình trạng nhiều doanh nghiệp phát hành mức lãi suất rất cao. "Lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao", ông Kiên nhấn mạnh.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, việc bất động sản hút vốn quá mạnh ở thị trường (bằng cách đưa ra mức lãi suất rất lớn) sẽ ảnh hưởng đến các ngành lĩnh vực sản xuất kinh doanh có mức lợi nhuận thấp hơn.

Báo cáo của SSI cho thấy, bất động sản và ngân hàng tiếp tục là 2 tổ chức phát hành chiếm tỷ trọng nhiều nhất, lên tới 80% tổng lượng phát hành trong quý III. Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành tổng cộng 85.000 tỷ đồng (giảm 2,7% so với cùng kỳ và chiếm 45% tổng lượng phát hành trong quý).

Theo thống kê, tính chung 9 tháng năm nay, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 201.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân là 10,36%/năm, thấp hơn so với bình quân năm 2020 và kỳ hạn bình quân ở mức 3,8 năm.

Trong nhóm trái phiếu bất động sản, tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản sẽ hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu/cổ phần của chính doanh nghiệp phát hành.

Cụ thể, nếu tính các trái phiếu bất động sản được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu, con số này là hơn 140.000 tỷ đồng - chiếm 67% tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành 9 tháng đầu năm. Tỷ trọng các doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo cũng tương đối cao, chiếm 15,8% tổng lượng phát hành, trong đó có một số lớn doanh nghiệp không niêm yết nên khả năng tiếp cận các thông tin tài chính của các doanh nghiệp này bị hạn chế.

Tiềm ẩn hàng loạt hệ lụy khi giá đất bị đẩy lên cao "ngất ngưởng"

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo một doanh nghiệp tham gia phiên đấu giá đất Thủ Thiêm tỏ ra vô cùng bất ngờ và hoang mang khi tại buổi đấu giá các doanh nghiệp đã thi nhau đưa ra mức giá "không tưởng".

Các lô đất vừa được đấu giá tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh Hoàng Triều
Các lô đất vừa được đấu giá tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh Hoàng Triều

Cụ thể, như lô đất 3-12 có giá đấu trúng gần 2,45 tỉ đồng/m². Trong khi đó, theo đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, lô đất này có tổng diện tích sàn xây dựng là 90.000 m², hệ số sử dụng đất là 8,95 lần và số căn hộ dự kiến là 570 căn. Tính ra bình quân mỗi căn hộ gánh tiền đất gần 43 tỉ đồng, chưa bao gồm chi phí xây dựng, chi phí tài chính, phát triển dự án, lợi nhuận DN và rất nhiều chi phí khác. Để có được lợi nhuận 20%, chủ đầu tư buộc phải đẩy giá bán mỗi căn hộ lên khoảng 50 tỉ đồng. Hiện ở khu vực Thủ Thiêm mức giá bán căn hộ cao cấp đã hoàn thiện, bàn giao cho khách hàng vào ở ngay cao nhất là khoảng 200 triệu đồng/m². Như vậy, mức giá bán căn hộ hơn trăm mét vuông lên tới 50 tỉ đồng là một giá bán “đại nhảy vọt” trong bối cảnh nguồn cung BĐS cao cấp đang quá nhiều.

Không chỉ tại TP HCM, thời gian qua tình trạng giá đất bị "thổi" tại các phiên đấu giá đã xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Trị... đã khiến dư luận xôn xao.

Theo chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa, sẽ rất hiếm có nhà đầu tư nào trả giá cao như vậy nếu không có những mục đích riêng. Đây có thể là động tác để kéo giá đất ở các vùng lân cận lên một mặt bằng cao hơn. Chỉ cần giá BĐS gia tăng trong một thời gian ngắn thì có thể cũng đủ để cho các DN thoát hàng thành công ở những dự án đã “ôm” trước đó.

Chuyên gia này cũng cho rằng việc bỏ giá quá cao, vượt xa mức thị trường khu vực nếu xét về lợi ích lâu dài e là không đủ bù với những hệ lụy gây ra. Nhất là khi nhà nước đang triển khai các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó có nhiều dự án về cơ sở hạ tầng, dịch vụ công. Nhưng nếu việc thương lượng đền bù, giải tỏa mặt bằng gặp khó khăn vì giá đất được đẩy lên cao thì sẽ kéo dài chậm trễ các dự án. Bên cạnh đó, giá đất gia tăng cũng khiến cho việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước của các địa phương bị hạn chế khi các đơn vị sẽ phải tính đến tổng chi phí đầu tư cho các dự án kinh doanh sản xuất khi muốn đặt chân vào đây.

Hà Nội: Dự án Heritage West Lake giá từ 90 triệu đồng/m2

Heritage West Lake là tổ hợp căn hộ ở, căn hộ dịch vụ tại 679 Lạc Long Quân, phường Xuân La và Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Dự án có nằm trên diện tích 8.970 m2 với tổng diện tích sàn xây dựng 121.913 m2, gồm 1 tòa tháp căn hộ cao 25 tầng nổi và 4 tầng hầm. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 127 triệu USD.

Heritage West Lake Tây Hồ cung cấp hơn 40 tiện ích nội khu tích hợp các tính năng hiện đại như hồ bơi vô cực nước nóng ngoài trời dài 50m trên cao, khu tắm nắng, quầy bar trên cao, bể bơi hang động bốn mùa, khu vui chơi trẻ em, phòng tập thể dục, hồ Jacuzzi, đường đi bộ…
Heritage West Lake Tây Hồ sở hữu hơn 40 tiện ích nội khu tích hợp các tính năng hiện đại như hồ bơi vô cực nước nóng ngoài trời dài 50m trên cao, khu tắm nắng, quầy bar trên cao, bể bơi hang động bốn mùa, khu vui chơi trẻ em, phòng tập thể dục, hồ Jacuzzi, đường đi bộ…

Dự án cung cấp ra thị trường 173 căn hộ hạng sang được vận hành bởi Ascott Limited và 207 căn hộ dịch vụ được vận hành bởi Somerset Regency Hà Nội. Mỗi căn hộ được thiết kế từ 2 – 4 phòng ngủ, căn hộ thông tầng, penthouse với diện tích đa dạng từ 94 – 328 m2.

Tính đến thời điểm hiện tại, giá chính thức của dự án chưa được công bố. Nhưng trên một số website về nhà đất, giá căn hộ Heritage West Lake được rao bán lên tới 90 triệu đồng/m2.

Được biết, chủ đầu tư dự án Heritage West Lake là Công ty Cổ phần CapitaLand – Hiền Đức. Tân Thời Đại, Đất Xanh Miền Bắc, Vietstarland, Tân Long là các đơn vị phân phối chính thức dự án. Hòa Bình là nhà thầu thi công dự án.

Công ty Cổ phần CapitaLand – Hiền Đức được thành lập vào ngày 14/04/2015, có trụ sở chính tại Lô D7 khu 18,6 ha Dự án đấu giá quyền sử dụng đất, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Theo công bố thay đổi thông tin doanh nghiệp ngày 01/04/2019, doanh nghiệp hoạt động với vốn điều lệ 668 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn nước ngoài (cổ đông góp vốn là CVH Nereus Pte. Ltd (Singapore) – thành viên của CapitaLand) 666,47 tỉ đồng, vốn tư nhân 1,53 tỉ đồng.

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần CapitaLand – Hiền Đức ban đầu có tên là Công ty Cổ phần Hiền Đức Tây Hồ - đơn vị trúng đấu giá ô đất D7 Khu đấu giá (18,6 ha), phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (ODT) với diện tích 0,9ha. Khu đất này ban đầu được đem ra đấu giá để xây dựng công trình công cộng như khách sạn, nhà hàng ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí…

Vào năm 2018, Tập đoàn CapitaLand đã chi 30 triệu USD để mua 99,49% cổ phần của Công ty Cổ phần Hiền Đức Tây Hồ. Sau đó, Công ty Cổ phần Hiền Đức Tây Hồ đã chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần CapitaLand – Hiền Đức.

Hiện dự án vừa được động thổ vào tháng 11 vừa qua và chính thức tiến hành san lấp mặt bằng. Theo kế hoạch sơ bộ, Heritage West Lake có thể được mở bán vào quý I/2022 và dự kiến sẽ bàn giao cho cư dân vào quý II/2024.

TP HCM: Chung cư Urban Green Thủ Đức giá từ 50 triệu đồng/m2

Urban Green là dự án căn hộ chung cư tại đường số 6, khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức, TP HCM.

Dự án có tổng diện tích 20.203 m2, với mật độ xây dựng 32,33% gồm 2 tòa tháp The Aster và The Bliss cao 23 tầng và 1 tầng hầm, gồm 735 căn hộ, trong đó các căn hộ 1 phòng ngủ sẽ từ 51-66m2, căn 2 phòng ngủ từ 72-85m2 và căn 3 phòng ngủ từ 101-120m2.

Urban Green gồm phòng sinh hoạt cộng đồng, nhà giữ trẻ, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán cà phê, phòng khám đa khoa, hệ thống phòng gym, massage, khu thể dục thể thao, công viên cảnh quan, khu BBQ, cửa hàng tiện lợi.
Urban Green sở hữu nhiều tiện ích nội khu gồm phòng sinh hoạt cộng đồng, nhà giữ trẻ, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán cà phê, phòng khám đa khoa, hệ thống phòng gym, massage, khu thể dục thể thao, công viên cảnh quan, khu BBQ, cửa hàng tiện lợi.

Giá căn hộ Urban Green Thủ Đức trên thị trường từ 50-55 triệu đồng/m2.

Được biết, dự án Urban Green do Công ty TNHH Bất động sản Ladona Huyền Duy làm chủ đầu tư. Công ty Cổ phần Kusto Home là đơn vị phát triển và Coteccons là nhà thầu chính của dự án.

Công ty TNHH Bất động sản Ladona Huyền Duy (nay là Công ty TNHH Bất động sản Ladona) được thành lập vào ngày 24/06/2011, có trụ sở chính tại số 01, đường 104-BTT, khu phố 3, phường Bình Trưng Tây, thành phố Thủ Đức, TP.HCM.

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng chung cư cao tầng để bán và cho thuê, do ông Sergrey Nam là người đại diện pháp luật và giữ chức Tổng giám đốc.

Về đơn vị phát triển, Kusto Home chuyên về lĩnh vực bất động sản trực thuộc Kusto Group (hay còn gọi là Kusto Vietnam) có trụ sở tại Singapore, được biết đến là chủ đầu tư thực hiện dự án Diamond Island hay còn gọi là Đảo Kim Cương nằm tại quận 2 (nay là Thành phố Thủ Đức).

Theo tìm hiểu, Urban Green có tên pháp lý là Khu nhà ở cao tầng tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức được UBND quận Thủ Đức duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 tại Quyết định số 2484/QĐ-UBND ngày 5/5/2011.

Ngày 12/02/2014, UBND TP HCM chấp thuận cho phép Công ty TNHH Bất động sản Ladona Huyền Duy lập nghiên cứu đầu tư dự án Khu nhà ở cao tầng tại phường Hiệp Bình Phước.

Đến ngày 4/5/2015, dự án được Sở Xây dựng TP.HCM cấp Giấy phép xây dựng.

Tuy nhiên kể từ khi được cấp Giấy phép xây dựng cho đến nay, chủ đầu tư mới rục rịch khởi động xây dựng lại dự án. Urban Green được khởi công xây dựng móng vào ngày 7/12/2021, dự kiến hoàn thành và bàn giao cho cư dân trong quý I/2024.