Thủ tướng lập 6 tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 2/5/2022 thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

6 Tổ công tác của Chính phủ sẽ trực tiếp chỉ đạo, giải quyết các vấn đề tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/4/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao; có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/4/2022 dưới mức trung bình của cả nước (18,48%).

Cụ thể, Tổ công tác số 1 do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng; Tổ công tác số 2 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Tổ trưởng; Tổ công tác số 3 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Tổ trưởng; Tổ công tác số 4 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Tổ trưởng kiểm tra các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường; Tổ công tác số 5 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng; Tổ công tác số 6 do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng.

Thành phần tham gia các Tổ công tác của Lãnh đạo Chính phủ gồm Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ và một số cơ quan liên quan. Thành phần cụ thể từng Tổ công tác do Tổ trưởng quyết định.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Thường trực các Tổ công tác do Lãnh đạo Chính phủ làm Tổ trưởng, có trách nhiệm giúp Tổ trưởng xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị của Tổ công tác.

Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Đồng thời, Tổ công tác cũng hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công. Đánh giá việc chấp hành quy định về lập, phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Thủ tướng lập 6 tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh họa
Thủ tướng lập 6 tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Tổ Công tác cũng xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại từng bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, chỉ đạo của Tổ trưởng Tổ công tác.

"Báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cụ thể các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gửi Thủ tướng Chính phủ trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra đối với bộ, cơ quan trung ương và địa phương", Quyết định trên nêu rõ.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2022 đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (18,65%).

Trong số đó, vốn trong nước đạt 19,57% (cùng kỳ năm 2021 đạt 20,74%), vốn nước ngoài đạt 3,25% (cùng kỳ năm 2021 đạt 2,02%).

Đáng chú ý, đến thời điểm cuối tháng 4 mới có 7 bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng Chính sách xã hội là 91,12%, Ngân hàng Phát triển là 59,64%, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 48,86%, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 35,76%, Bình Thuận 33,9%... Tuy nhiên, vẫn còn 43/51 bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17%, trong đó có 17 bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn 3 tháng và ước 4 tháng đầu năm 2022 đạt thấp là do các chủ đầu tư của một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Hiện còn 17 bộ, ngành đến nay vẫn chưa giải ngân.

Cùng với đó là do các dự án khởi công mới đang thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn; đang lập thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán nên chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao. Một số dự án gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng thời gian qua tăng cao, nhất là sắt, thép, xăng dầu, nguồn cung cấp vật liệu cho các công trình lớn còn hạn chế cũng là nguyên nhân dẫn tới giải ngân vốn chậm.

Khu đô thị Phú Thịnh Quảng Nam: Chậm tiến độ vẫn được điều chỉnh và giao đất

Ngày 26/4/2022, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định số: 1103 về việc giao đất, cho thuê đất cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ Tổng hợp Phước Nguyên (Công ty Phước Nguyên) để đầu tư xây dựng dự án Khu đô thị Phú Thịnh. Tuy nhiên, ít ai biết dự án này đã chậm tiến độ và Cty Phước Nguyên mới được 1 năm tuổi khi làm chủ đầu tư.

Được biết, ngày 30/6/2017 UBNĐ tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số: 2382/QĐ-UBND về việc Phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng chi tiết sử dụng đất 1/500 dự án Khu đô thị Phú Thịnh. Chủ đầu tư là công ty Phước Nguyên.

Công ty Phước Nguyên được thành lập ngày 28/3/2016 người đại diện pháp luật là ông Đỗ Tấn Vũ. Công ty có địa chỉ Tổ 12, Khối Hà My Trung, Phường Điện Dương, Thị xã Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Như vậy, từ khi thành lập đến khi được giao dự án này Công ty Phước Nguyên được khoảng 1 năm tuổi.

3 năm sau, ngày 1/4/2020 UBND tỉnh Quảng Nam mới có Quyết định số 921/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường dự án. Nội dung quyết định nêu: Dự án Khu đô thị Phú Thịnh được xây dựng với quy mô diện tích 131.035 m2, dự án chỉ thực hiện san nền, đầu tư xây dựng hoàn thiện các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trong toàn bộ dự án theo quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) được duyệt, bao gồm: Hệ thống giao thông, san nền, cấp thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, cây xanh,... Sau đó chủ dự án sẽ chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân xây dựng nhà ở. Quy mô dân số dự kiến là 2.200 người.

Những tưởng chủ đầu tư sớm triển khai dự án sau khi được tỉnh Quảng Nam phê duyệt đánh giá tác động môi trường. Nhưng, 2 năm sau ngày 31/3/2022 UBND tỉnh Quảng Nam lại ban hành Văn bản số 1898/UBND-KTN điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án. Theo nội dung văn bản này, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án Đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị Phú Thịnh do Công ty Phước Nguyên làm chủ đầu tư đến hết tháng 4/2023 hoàn thành toàn bộ dự án (giãn tiến độ thêm 24 tháng so với tiến độ đã được UBND tỉnh chấp thuận tại Công văn số 6257/UBND-KTN ngày 18/10/2019). Việc điều chỉnh tiến độ dự án nêu trên được căn cứ theo các văn bản: Báo cáo số 09/BC-SKHĐT ngày 06/01/2022 của Sở KH&ĐT Quảng Nam về việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án Đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị Phú; Công văn số 399/UBND ngày 15/3/2022 của UBND thị xã Điện Bàn; Theo khoản 9 Thông báo số 93/TB-UBND ngày 22/3/2022 của UBND tỉnh kết luận cuộc họp giao ban ngày 21/3/2022 giữa Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Khu đô thị Phú Thịnh tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Ảnh: Báo Công thương
Khu đô thị Phú Thịnh tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Ảnh: Báo Công thương

Như đã nêu trên, UBND tỉnh Quảng Nam có Văn bản số: 1898/UBND-KTN điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án Đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị Phú Thịnh. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh đây chỉ là văn bản hành chính chưa phải quyết định hành chính.

Tuy nhiên, 1 tháng sau, UBND Quảng Nam đã ban hành quyết định số: 1103/QĐ-UBND về việc giao đất, cho thuê đất cho Công ty Phước Nguyên để đầu tư xây dựng Dự án Khu đô thị Phú Thịnh tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, giao diện tích 115.073,9m2 đã được UBND thị xã Điện Bàn thu hồi đất theo thẩm quyền cho Công ty Phước Nguyên để đầu tư xây dựng dự án khu đô thị Phú Thịnh tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn. UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Phước Nguyên nộp tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và các khoản thu khác về đất vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này sử dụng đất đúng vị trí, diện tích, mục đích được nhà nước giao, cho thuê.

Cùng với đó, Công ty Phước Nguyên thực hiện dự án theo đúng hồ sơ thiết kế và quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) được duyệt, thực hiện đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo công tác phòng, chống cháy nổ theo đúng quy định.

Công ty Phước Nguyên bàn giao toàn bộ các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật, đất cây xanh sau khi hoàn thành cho địa phương quản lý và chỉ được chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi đã hoàn thành hạ tầng theo quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) được phê duyệt và được Sở Xây dựng có ý kiến chấp thuận bằng văn bản.

Đối với phần diện tích còn lại chưa giao 15.961,10 m2 chưa thực hiện công tác GPMB, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Công ty Phước Nguyên khẩn trương phối hợp với UBND thị xã Điện Bàn thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, lập thủ tục thu hồi đất, giao đất (đợt 2) để tiếp tục triển khai thực hiện dự án.

Vậy yêu cầu về năng lực tài chính, kinh nghiệm thực hiện dự án, trong hồ sơ lựa chọn chủ đầu tư dự án này như thế nào?. Chủ đầu tư 1 năm tuổi như Công ty Phước Nguyên có thể đáp ứng những yêu tiêu chí nêu trên hay không?

Cải tạo chung cư cũ: Quận Ba Đình đề xuất ứng vốn sửa nhà tạm cư

Theo báo cáo của UBND quận Ba Đình gửi UBND thành phố Hà Nội, để tổ chức di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, sử dụng tại Đơn nguyên 1, 2 nhà G6A Khu tập thể Thành Công (phường Thành Công); Đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh); Đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp (phường Cống Vị); Đơn nguyên 3 nhà C8 Khu tập thể Giảng Võ (phường Giảng Võ), Sở Xây dựng đã bố trí 163 căn hộ tạm cư để thực hiện di chuyển các hộ dân tại các nhà chung cư nguy hiểm trên địa bàn quận Ba Đình.

Trong đó, có 100 căn tại nhà cao tầng Lô E Khu đô thị Yên Hòa (quận Cầu Giấy); 20 căn tại nhà A1, 7 căn tại nhà A2, 20 căn tại nhà X2 Phú Thượng (quận Tây Hồ); 16 căn tại CT1 Khu đô thị Thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm).

Các căn hộ tạm cư trên đã được Sở Xây dựng bàn giao cho Hội đồng di dời khẩn cấp quận Ba Đình quản lý từ năm 2018 và tổ chức bàn giao cho các hộ gia đình về tạm cư.

Quận Ba Đình đề xuất ứng vốn sửa nhà tạm cư. Ảnh minh họa
Quận Ba Đình đề xuất ứng vốn sửa nhà tạm cư. Ảnh minh họa

Thực hiện Kế hoạch số 335/KH-UBND ngày 31/12/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội - đợt 1, UBND quận Ba Đình cho biết, quận đã bàn giao 100 căn hộ tại nhà cao tầng Lô E Khu đô thị Yên Hòa, 4 căn hộ tại CT1B, CT1C Khu đô thị Thành phố giao Lưu cho các hộ gia đình để di dời. Hiện nay, còn lại 59 căn hộ tại nhà A1, A2, X2 Phú Thượng; CT1B, CT1C Khu đô thị Thành phố giao lưu đã được tổ chức bốc thăm.

Tuy nhiên, do các căn hộ này đã lâu không sử dụng, dẫn đến một số cửa, gạch lát nền, sơn tường trần bị rêu mốc, hỏng hóc, nên các hộ gia đình vẫn chưa nhận nhà tạm cư và đề nghị được sửa chữa các hỏng hóc trước khi nhận nhà.

Để đủ điều kiện bàn giao nhà tạm cư cho các hộ gia đình, đồng thời hoàn thành việc di dời các hộ dân ra khỏi các chung cư nguy hiểm cấp độ D theo chỉ đạo của UBND thành phố, UBND quận Ba Đình đề xuất cho phép quận tổ chức sửa chữa các căn hộ tạm cư nêu trên bằng nguồn vốn tạm ứng kinh phí từ ngân sách quận. Việc hoàn trả kinh phí đã ứng trước sẽ được tính trong chi phí thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ sau khi có chủ đầu tư.

Căn hộ Landmark Tower Đà Nẵng sắp mở bán

Landmark Tower có vị trí nằm tại đường Bạch Đằng, phường Bình Hiên, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Dự án nằm đối diện công viên Apec, thuộc địa giới hành chính phường Bình Thuận, quận Hải Châu và cách cầu Rồng chỉ khoảng 100 m.

Căn hộ Landmark Tower có tổng diện tích 3.765 m2 với mật độ xây dựng 59,98%, mật độ cây xanh 20%, còn lại các phần diện tích còn lại dành cho các tiện ích công cộng khác. Dự án có tổng diện tích sàn xây dựng 59.846,03 m2, bao gồm: tầng hầm, khối đế, tầng kỹ thuật và tầng áp mái.

Sản phẩm của dự án Landmark Tower bao gồm 2 tòa tháp The Phoenix 31 tầng và The Dragon 39 tầng. Tại tầng 1, 2 của tòa tháp là quầy lễ tân, khu vực taxi dừng chờ, trung tâm thương mại và các cửa hàng mua sắm. Tại tầng 3, 4 là khu sinh hoạt cộng đồng, khu tắm Sauna, hồ bơi dành cho người lớn và trẻ em, phòng tập gym và sân chơi cho trẻ em...

Thiết kế tòa tháp The Phoenix, từ tầng 5 – 29 là với số lượng căn hộ điển hình là 08 căn/tầng, tầng 14 dùng làm tầng lánh nạn, tầng 30 với 04 căn hộ/tầng, tầng 31 sở hữu 2 căn hộ penthouse. Tổng số căn hộ thuộc The Phoenix là 197 căn với căn hộ 2 phòng ngủ là 196 căn, diện tích 55,94 – 145,72 m2; căn hộ 3 phòng ngủ chỉ với số lượng 1 căn, diện tích 167,4 m2.

Phối cảnh dự án Landmark Tower Đà Nẵng
Phối cảnh dự án Landmark Tower Đà Nẵng

Thiết kế tòa tháp The Dragon từ tầng Tầng 5 – 37 với 8 căn hộ/tầng, ngoại trừ tầng 10 và tầng 16 chỉ 3 căn hộ/tầng. Tầng 20 sử dụng làm tầng lánh nạn, tầng 38, 39 là căn hộ duplex với 3 căn hộ/tầng. Tổng số căn hộ bao gồm 249 căn, với 246 căn 2 phòng ngủ diện tích từ 55,94 - 228,83 m2 và 3 căn 3 phòng ngủ diện tích 248,46 - 390,47 m2.

Từ dự án Landmark Tower, cư dân có thể tiếp cận những tiện ích ngoại khu như nhà thuốc Pharmacity 1,2 km, TTTM Vincom 1,5 km, siêu thị Lotte mart 2,2 km, ngân hàng HSBC Đà Nẵng 550 m, công an quận Hải Châu 1,8 km, bệnh viện quốc tế Vinmec 3,3 km.

Chủ đầu tư dự án Landmark Tower là Công ty Cổ phần Cosmo Housing, đơn vị thi công dự án là Công ty Cổ phần Kỹ thuật Xây dựng Dinco, thiết kế kiến trúc là Công ty TNHH MTV TKKT Raymond Việt Nam.

Công ty Cổ phần Cosmo Housing được thành lập ngày 12/08/2020, đặt trụ sở tại 111 Hà Bổng, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Doanh nghiệp được thành lập với tổng vốn điều lệ hơn 411 tỷ đồng, hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tư vấn môi giới bất động sản và xây dựng các công trình kỹ thuật dân dụng.

Dự án Landmark Tower được dự kiến được mở bán và đặt giữ chỗ vào quý 2/2022.