Trường mới xây đội vốn hơn 100 tỷ đồng nhưng học sinh vẫn phải đi học trường tạm

Trao đổi với báo Công an Nhân dân, ông Bhling Mia-Bí thư Huyện ủy Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) nói: “Không hiểu dự án được triển khai như thế nào, chính quyền huyện hoàn toàn không nắm được bất cứ một thông tin nào về dự án, không biết bao giờ dự án này mới hoàn thành”.

Theo ông Bhling Mia, lãnh đạo huyện Tây Giang rất lo lắng vì hiện nay đã bước vào năm học mới 2022-2023 mà dự án chưa hoàn thành thì 266 học sinh của Trường THPT Võ Chí Công vẫn phải đến trường tạm tại trung tâm huyện Tây Giang, cách trường hơn 40km để học. Trong khi đường sá vùng biên giới xuyên qua núi rừng trùng điệp, hiểm trở, thường xuyên bị sạt lở vào mùa mưa lũ. Thêm vào đó, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, học tập ở trường tạm cũng rất khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học của thầy cô giáo và các em học sinh. Chính quyền và nhân dân huyện Tây Giang đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam, ngành chức năng cần kiểm tra, xem xét cụ thể việc triển khai dự án hoàn thiện, khắc phục sạt lở ở dự án Trường THPT Võ Chí Công, không thể để một ngôi trường dành cho các em học sinh vùng biên giới với dự án xây dựng ban đầu chỉ 24 tỷ đồng, đến nay đã “đội vốn” lên hơn 100 tỉ đồng nhưng vẫn chưa thể đi vào hoạt động.

Được biết, đợt mưa lũ cuối năm 2020, Trường THPT Võ Chí Công vừa hoàn thành đưa vào dạy và học cho năm học 2019-2020 thì xảy ra hiện tượng sạt lở phần ta luy hướng tây, phía đằng sau trường. Để đảm bảo an toàn cho học sinh và các thầy cô giáo, trong năm học 2020-2021, UBND huyện Tây Giang đã khẩn trương cho di dời hơn 270 em học sinh cùng các trang thiết bị về trung tâm huyện Tây Giang, cách trường hơn 40km.

Dự án công trình Trường THPT Võ Chí Công được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt với số vốn đầu tư ban đầu 24 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, do Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng từ đầu năm 2017. Khi công trình đang trong giai đoạn san ủi mặt bằng, trong quá trình triển khai thi công đã phát sinh nhiều vấn đề như nguy cơ sạt lở, trượt đất ở thành taluy dương do địa chất yếu và mạch nước ngầm lớn.

Ngày 7/9/2018, ông Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam có chuyến khảo sát tiến độ thi công Trường THPT Võ Chí Công, đã thống nhất chủ trương bổ sung thiết kế cho xây bờ kè để chống sạt lở. Ngày 19/9/2018, đoàn công tác của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam do ông Nguyễn Công Thành, Phó Giám đốc Sở dẫn đầu, cùng đoàn công tác huyện Tây Giang và đại diện đơn vị thiết kế là Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng Quảng Nam, đơn vị thi công (Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tiến) đã tiến hành khảo sát lần cuối để triển khai các phương án chống trượt lở đất ảnh hưởng đến công trình.

Ông Đinh Minh Trí - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tiến cho biết, trong quá trình thi công do cấu trúc địa chất yếu, có mạch nước ngầm chạy qua nên dẫn đến nguy cơ rất lớn việc sạt lở đất từ taluy dương. Trên taluy dương đã xuất hiện vết nứt dài hơn 20m, sâu 1m, rộng khoảng 40cm. Muốn khắc phục sự cố này, bắt buộc đơn vị thi công phải múc thêm khoảng 30m đất để giật cấp và tiến hành kè bê tông, xây hệ thống thoát nước…

Khu vực sạt lở tại Trường THPT Võ Chí Công. Ảnh: Công an Nhân dân
Khu vực sạt lở tại Trường THPT Võ Chí Công. Ảnh: Công an Nhân dân

Qua khảo sát thực tế, các bên đã thảo luận và đi đến thống nhất phương án chung là triển khai xây kè bê tông và giật cấp thành taluy dương, xây dựng mương thoát nước. Thế nhưng, đến năm học 2019-2020 thì hạng mục xây kè bê tông và hệ thống thoát nước vẫn chưa được xây dựng. Trong mùa mưa lũ đầu năm học 2020-2021 đã xảy ra hiện tượng sạt lở như trên. Để đảm bảo an toàn cho thầy cô giáo và các em học sinh, UBND huyện Tây Giang đã quyết định di dời toàn bộ học sinh về Trường THPT Tây Giang tại trung tâm huyện để tiếp tục việc dạy và học trong năm học này…

Ông Bhling Mia trao đổi thêm, dự án xây dựng Trường THPT Võ Chí Công ở A Xan là do Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam là chủ đầu tư, cho đến khi đưa vào sử dụng, kinh phí dự án đã “đội” lên đến hơn 60 tỷ đồng. Toàn bộ quá trình triển khai dự án, địa phương không nắm rõ và cũng không quản lý một vấn đề gì của dự án. Chính quyền huyện Tây Giang chỉ giải quyết công tác mặt bằng bàn giao cho BQL dự án.

“Tại dự án này, cùng phần xây dựng công trình gồm các phòng học tập, phòng làm việc, nơi nghỉ ngơi của thầy cô giáo và học sinh, qua khảo sát đánh giá đã xác định cần có thêm hạng mục xây dựng kè bê tông và hệ thống thoát nước. Đáng lẽ khi đưa vào bàn giao sử dụng, công trình phải hoàn tất 100% các hạng mục, vậy nhưng không hiểu sao, sau gần 2 năm công trình đưa vào sử dụng, hạng mục kè bê tông và hệ thống thoát nước vẫn chưa được tiến hành hoàn thiện”, ông Bhling Mia nói.

Cuối năm 2021, khi huyện Tây Giang có nhiều kiến nghị về vấn đề khắc phục sự cố sạt lở ở Trường THPT Võ Chí Công, dự án được chuyển cho BQL các dự án của tỉnh Quảng Nam quản lý, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức một cuộc hội thảo mời các chuyên gia để nghiên cứu về địa chất nền móng của dự án Trường THPT Võ Chí Công. Ngày 3/12/2021, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị UBND tỉnh khảo sát, lựa chọn một địa điểm khác an toàn, phù hợp hơn để xây dựng mới lại Trường THPT Võ Chí Công, dự án trường cũ đầu tư hơn 60 tỷ đồng sẽ được xem xét chuyển mục đích sử dụng nhằm tránh lãng phí. Tuy nhiên, ngày 19/1/2022, trong chuyến công tác tại Tây Giang của ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khi kiểm tra thực tế tại dự án Trường THPT Võ Chí Công, sau khi nghe báo cáo của địa phương và các ngành chức năng liên quan, đã chỉ đạo UBND tỉnh và ngành chức năng tiếp tục đầu tư hoàn thiện các hạng mục tại dự án này như, khu vực hiệu bộ, ký túc xá, kè chống sạt lở…

Đồng thời, thống nhất vốn điều chỉnh tại dự án, đưa vào Nghị quyết HĐND tỉnh Quảng Nam, với kinh phí hơn 50 tỷ đồng. Về giải pháp lâu dài, địa phương Tây Giang và ngành chức năng xem xét về quỹ đất, UBND tỉnh Quảng Nam xem xét nguồn kinh phí để xây dựng khu vực ký túc xá cho học sinh, thầy cô giáo ra ngoài khuôn viên trường hiện nay, nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Thực tế, đến nay đã gần 8 tháng trôi qua, chuẩn bị bước vào năm học mới 2022-2023 nhưng hạng mục kè khắc phục, chống sạt lở của dự án Trường THPT Võ Chí Công vẫn chưa xong…

Chủ đầu tư Trường đua ngựa Sóc Sơn đề nghị Chủ tịch Hà Nội gỡ khó cho dự án

Chiều 30/8, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã tiếp ông Lee Dae Bong Chủ tịch tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc) tới chào xã giao và bàn thảo về các vấn đề hợp tác hai bên cùng quan tâm.

Tại buổi tiếp, đại diện tập đoàn Charmvit đã bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền TP Hà Nội để doanh nghiệp này triển khai các dự án trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Chủ tịch tập đoàn Charmvit cũng đề nghị TP Hà Nội hỗ trợ, đặc biệt kiến nghị lên Chính phủ để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai dự án Trường đua ngựa tại Sóc Sơn (xã Tân Minh, Sóc Sơn, Hà Nội) mà doanh nghiệp này đang đầu tư.

Đồng thời kỳ vọng dự án sớm hoàn thiện sẽ góp phần vào phát triển cơ sở hạ tầng của TP, đem lại nguồn thu, đóng góp cho cộng đồng nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội TP nói chung.

Đáp lời, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định Chính phủ Việt Nam cũng như TP Hà Nội luôn tạo điều kiện bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư lớn và lâu dài vào Việt Nam, nhất là những tập đoàn đã có các dự án đầu tư lớn như Charmvit.

Ông Thanh nhấn mạnh TP sẽ nỗ lực trở thành cầu nối thống nhất các cơ chế vận hành cũng như tài chính để các dự án xây dựng lớn trên địa bàn được triển khai theo đúng quy định, sớm có hiệu quả.

Đồng thời, Chủ tịch TP Hà Nội cũng đề nghị phía Đại sứ quán Hàn Quốc có thể cử một nhóm chuyên gia Hàn Quốc về pháp chế để phối hợp với Hà Nội trong xử lý những vướng mắc các dự án liên quan.

Khu đất dự kiến triển khai dự án Trường đua ngựa Sóc Sơn tại xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Ảnh: Plo.vn
Khu đất dự kiến triển khai dự án Trường đua ngựa Sóc Sơn tại xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Ảnh: Plo.vn

Trước đó, năm 2019, UBND TP Hà Nội đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Trường đua ngựa Sóc Sơn cho Công ty Global Consultant Network Co.Ltd (Hàn Quốc) và Tổng Công ty Du lịch Hà Nội.

Dự án dự kiến sử dụng khoảng 125ha đất, trong đó trường đua ngựa - sân vận động phục vụ đua ngựa có sức chứa 30.000 khán giả rộng 99,5ha, hồ điều hòa 22,5ha, khách sạn 3 sao 1,5ha, trung tâm hội nghị, hội thảo 0,5ha và khu biệt thự nghỉ dưỡng 1ha.

Tuy nhiên, cho đến nay, dự án vẫn chưa triển khai được do vướng mắc về việc góp vốn, điều kiện giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.

Cụ thể, việc Global Consultant Network Co., Ltd (Hàn Quốc) góp vốn thay cho Tổng Công ty Du lịch Hà Nội theo nội dung Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chưa thực hiện được do không có quy định tại pháp luật hiện hành.

Đặc biệt về quỹ đất thực hiện dự án, hiện Luật đất đai và quy định của pháp luật liên quan thì dự án gồm phần diện tích đất có chức năng công cộng và phần diện tích chức năng kinh doanh không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất.

Do đó, nhà đầu tư phải thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, do là nhà đầu tư nước ngoài nên nhà đầu tư không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trực tiếp từ hộ gia đình, cá nhân mà chỉ nhận quyền sử đất thông qua nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ tổ chức kinh tế trong nước.

Hiện TP Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan đề xuất phương án để báo cáo Thủ tướng xem xét, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án.

Sửa Luật Đất đai để giải quyết tình trạng 'một mảnh đất, nhiều luật chồng lên'

Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia "Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Đất đai" được tổ chức ngày 30/8, TS.Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương nói rằng, sửa đổi Luật Đất đai sẽ đụng đến những vấn đề rất lớn, rất phức tạp. Nhưng càng chần chừ, giá đất sẽ càng đắt, cho nên sửa Luật là cấp thiết, phải quyết tâm làm.

GS.TS, Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013, mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, song thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Trong đó, công tác quản lý và sử dụng đất vẫn chưa theo kịp tiến trình phát triển của thực tiễn.

Đáng chú ý, có những vấn đề chưa giải quyết được triệt để nảy sinh trước đó. Điển hình, đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỉ lệ cao trong tổng số các đơn thư khiếu nại, tố cáo (trên 60%). Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai có xu hướng tăng liên tục từ mức chiếm 64,2% tổng số các vụ án về hành chính năm 2015 lên trên 80% năm 2020…

Số lượng thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến đất đai chiếm 75% tổng số các vụ án. Có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều tổ chức, nhiều người…

Theo các chuyên gia, nguyên nhân do có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa hệ thống pháp luật liên quan. “Qua rà soát, chúng tôi thống kê có tới 122 luật liên quan đến đất đai nên rất khó cho công tác tổ chức thực thi trong thực tiễn. Cùng một mảnh đất mà chồng chéo rất nhiều luật nên rất khó thực hiện. Có tình trạng địa phương áp dụng Luật Đất đai thì vướng Luật Đầu tư, Luật Nhà ở và ngược lại. Cho nên khi sửa Luật Đất đai phải rà soát để cố gắng giải quyết triệt để bài toán này thì khi luật mới được ban hành, việc tổ chức thực hiện mới suôn sẻ”, TS. Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thông tin.

Đề cập đến thực trạng sách nhiễu của cán bộ công chức và các hiện tượng tiêu cực trong quá trình thực hiện thủ tục về đất đai được phản ánh rất rõ qua các kênh thông tin đại chúng và tiếng nói của người dân, ông Phấn cho biết, nội dung sửa đổi Luật Đất đai sẽ chú ý đến đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tiến tới triệt tiêu dần các hiện tượng tiêu cực.

Theo đó, sẽ chuyển từ công cụ truyền thống, như luật lệ, giấy tờ… sang giám sát bằng công nghệ. Như vậy, cần cố gắng ưu tiên quá trình luật hóa và gấp rút xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, thực hiện giám sát bằng công nghệ để mọi hoạt động đều công khai, minh bạch.

Theo nhận định của các chuyên gia, một trong những vấn đề quan trọng để giải bài toán "một mảnh đất, nhiều luật chồng lên" khi sửa đổi Luật Đất đai là bỏ khung giá đất.

Theo ông Cường, đây có thể xem là cuộc cách mạng về tư duy quản lý. “Trước đây, việc ban hành và sử dụng khung giá đất thực chất là biện pháp hành chính. Nay sử dụng bảng giá theo thị trường, đồng nghĩa với việc xóa bỏ cơ chế xin cho, tư lợi. Tuy nhiên, việc này sẽ động chạm nhiều nên đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao mới thực hiện được”, ông Cường nói.

Trước nhiều băn khoăn đặt ra khi bỏ khung giá đất như lo giá đất tăng lên, tiền đền bù tăng cao, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, chi phí sản xuất của doanh nghiệp, người nghèo khó tiếp cận đất đai…, ông Cường cho rằng phải đi vào giải quyết từng vấn đề xem đó có thực sự là rào cản hay đó chỉ là lý do biện minh để chần chừ không thực hiện.

Bảng giá phải phù hợp với giá trị thị trường chứ không phải giá cả thị trường. Giá cả thị trường luôn biến động, khó nắm bắt, nhưng giá trị thị trường thì khá ổn định. Vì vậy, chuyên gia này cho rằng, cần lập bảng giá đất phù hợp với giá trị thị trường của đất đai và cần được cập nhật hằng năm. Phải có quy định về việc đăng ký và cập nhật giá đất hằng năm, quy định quyền ưu tiên mua của nhà nước đối với đất chuyển nhượng giá thấp.

Để chống đầu cơ và điều tiết giá trị gia tăng từ đất, đối với đất riêng lẻ cần đánh thuế lũy tiến trên phần diện tích hoặc giá trị đất chiếm giữ vượt trên mức bình quân chung. Nợ thuế vượt quá 50% giá trị thửa đất thì thu hồi đất do vi phạm pháp luật nghĩa vụ tài chính đất đai.

Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng, dù có bảng giá đất mới theo thị trường, cũng chưa nên quá kỳ vọng sẽ xử lý được mọi vấn đề khúc mắc trong quản lý và sử dụng đất đai hay loại bỏ được hết cơ chế xin cho, vì đây là yếu tố gắn liền với cơ chế, bộ máy quản lý. Muốn bớt xin cho, thì phải dựa vào bộ máy nhà nước, nếu năng lực bộ máy tốt, hiệu quả thì sẽ hạn chế được xin cho, và ngược lại.

“Có bảng giá theo giá thị trường là tốt, nhưng thực tế phải tìm cách giải quyết gốc rễ của những vấn đề vướng mắc về đất đai”, ông Lê Xuân Bá nhấn mạnh.

Sắp ra mắt dự án Khu đô thị NovaWorld Nha Trang Diamond Bay tại Khánh Hòa

NovaWorld Nha Trang Diamond Bay có vị trí nằm tại đường Nguyễn Tất Thành, phường Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Dự án các trung tâm thành phố Nha Trang 14km và cách sân bay Quốc tế Cam Ranh 23 km.

NovaWorld Nha Trang Diamond Bay có quy mô lên đến 300 ha, tổng vốn đầu tư ban đầu cho dự án là 4 tỷ USD. Dự kiến sau khi hoàn thành sẽ cung cấp ra thị trường với 15 khu resort đa dạng chủ đề; 15.000 phòng khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng; 4000 căn biệt thự biển.

Trong giai đoạn đầu dự án đã triển khai nhiều hạng mục như: khu sân golf 18 lỗ Diamond Bay Golf & Villas (đã hoàn thiện và đi vào hoạt động), khu Diamond Bay Condotel Resort và khu Diamond Bay Resort & Spa.

Diamond Bay Condotel Resort là khu nghỉ dưỡng thuộc NovaWorld Nha Trang Diamond Bay, có diện tích 10,8 ha. Được thiết kế xây dựng với mô hình căn hộ và bungalow, trong đó:

Căn hộ: 10 block, trong đó diện tích đất mỗi block 1.800 m2, tổng diện tích sàn mỗi block 9.077 m2, cung cấp 1034 căn hộ từ 45 - 92,4 m2 (1-2 phòng ngủ).

Bungalow: sở hữu 47 khối với tổng số lượng 376 căn hộ và có diện tích từ 65 m2.

Sắp ra mắt dự án Khu đô thị NovaWorld Nha Trang Diamond Bay tại Khánh Hòa
Sắp ra mắt dự án Khu đô thị NovaWorld Nha Trang Diamond Bay tại Khánh Hòa.

Khu đô thị NovaWorld Nha Trang Diamond Bay với đầy đủ dịch vụ bao gồm: khu trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học tiêu chuẩn quốc tế cùng các khu vui chơi giải trí, công viên nhạc nước, khu tổ chức tiệc ngoài trời, công viên tiểu khu, vườn dạo…

Chủ đầu tư dự án NovaWorld Nha Trang Diamond Bay là Tập đoàn Novaland. Doanh nghiệp sở hữu những dự án lớn như: Novaworld Hồ Tràm, Novaworld Phan Thiết, Aqua City Đồng Nai và hàng loạt dự án căn hộ khác.

Theo tìm hiểu, chủ đầu tư trước đó của dự án NovaWorld Nha Trang Diamond Bay (tên cũ Diamond Bay Nha Trang) là Tập đoàn Hoàn Cầu – doanh nghiệp được sáng lập bởi doanh nhân Trần Thị Hường (được biết đến với cái tên Tư Hường).

Năm 2019, thì dự án NovaWorld Nha Trang Diamond Bay mới hoàn thành được một phần gồm khu condotel (Diamond Bay Condotel Resort), sân golf (Diamond Bay Golf & Villas) và khu Diamond Bay Resort & Spa.

Cuối năm 2019, dự án Diamond Bay Nha Trang đã được Tập đoàn Hoàn Cầu chuyển nhượng lại cho Tập đoàn Sunshine với diện tích dự án gần 300 ha.

Tới thời điểm hiện tại, dự án NovaWorld Nha Trang Diamond Bay đã về tay của Novaland.