Hà Nội kiên quyết xử lý thu hồi đất đối với trường hợp chây ỳ nợ thuế, hoặc bỏ hoang

UBND thành phố Hà Nội vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, Cục Thuế thành phố thực hiện rà soát các trường hợp người sử dụng đất chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất (chưa có quyết định cho thuê đất, hợp đồng thuê đất) đang sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh để hướng dẫn, đôn đốc người sử dụng đất liên hệ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất đai.

Theo đó, trường hợp người sử dụng đất chây ỳ, chậm trễ trong việc hoàn thiện hồ sơ thuê đất, thành phố sẽ xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phải xây dựng kế hoạch triển khai việc hoàn thiện hồ sơ về đất đối với các điểm đất thuê chưa có quyết định cho thuê đất, hợp đồng thuê đất; thông báo đến UBND các quận, huyện, thị xã và Cục Thuế thành phố để phối hợp triển khai thực hiện. Đồng thời, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với cơ quan thuế tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất thuê của người sử dụng đất.

Các địa phương khẩn trương chỉ đạo phòng tài nguyên và môi trường căn cứ đề nghị của cơ quan thuế, cung cấp thông tin địa chính làm căn cứ quản lý thu tiền thuê đất đối với trường hợp người sử dụng đất là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa có quyết định cho thuê đất, hợp đồng thuê đất đang sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh.

Thành phố cũng yêu cầu rà soát các trường hợp người sử dụng đất chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất đang sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp người sử dụng đất chây ỳ, chậm trễ hoàn thiện hồ sơ thuê đất thì xem xét, xử lý theo quy định.

Hà Nội sẽ kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị xử lý thu hồi đất đối với các dự án chây ỳ nợ thuế, hoặc bỏ hoang. Ảnh minh họa: TTXVN
Hà Nội sẽ kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị xử lý thu hồi đất đối với các dự án chây ỳ nợ thuế, hoặc bỏ hoang. Ảnh minh họa: TTXVN

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã ra văn bản đốc thúc thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước các khoản từ nhà, đất. Thành phố đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất giai đoạn 2021-2023; đôn đốc người trúng đấu giá thực hiện nộp tiền theo đúng quy định; xử lý hoặc kiến nghị xử lý thu hồi đất đối với các dự án chây ỳ nợ thuế, yếu kém năng lực tài chính, vi phạm pháp luật thuế và pháp luật về đất đai...

Theo chỉ đạo của thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hướng dẫn xử lý những nội dung còn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất cụ thể, bảo đảm số thu ngân sách; tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra đối với các dự án triển khai đầu tư, sử dụng đất chậm tiến độ, có dấu hiệu sai phạm để kiến nghị UBND thành phố xem xét xử lý, thu hồi đất theo quy định...

Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương báo cáo tình hình, thời gian, tiến độ giải quyết các thủ tục điều chỉnh quy hoạch các dự án ngừng triển khai theo quy định và Thông báo số 240 ngày 5/9/2008 của Văn phòng Chính phủ gửi Cục Thuế thành phố để làm cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính về đất của các dự án trên.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ thủ tục liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư của các dự án sử dụng đất, làm cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính và đôn đốc thu nghĩa vụ tài chính bổ sung về đất đai của dự án.

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Cục Thuế thành phố theo dõi, đôn đốc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ đọng thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan có biện pháp xử lý các doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng, có vi phạm.

Thanh Hóa: Bổ sung đấu giá quyền sử dụng đất 47 dự án diện tích hơn 70 ha

Ngày 24/3/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1024/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 trên địa bàn tỉnh với 47 dự án và thu hồi 1 dự án.

Trong số 47 dự án đấu giá đất năm 2022, huyện Quảng Xương có số dự án nhiều nhất (25 dự án với tổng diện tích đấu giá là 27,57 ha); tiếp đó là huyện Đông Sơn có 13 dự án với tổng diện tích đất đấu giá là 20,08 ha; Thành phố Sầm Sơn có 6 dự án với diện tích 7,98 ha. Huyện Hà Trung có 1 dự án cụm công nghiệp Hà Dương với tổng diện tích 27,1 ha trong đó diện tích đất đấu giá là 9,88 ha.

Theo đó, có một số dự án tiêu biểu như dự án nhà ở khu đất hỗn hợp B.HH thuộc khu đô thị Đông Hải phường Đông Hải thành phố Thanh Hóa tại Phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa với diện tích 4,95 ha. Tại Thành phố Sầm Sơn có 6 dự án với tổng diện tích đấu giá gần 8 ha, trong đó có dự án tái định cư Đồng Côi, Đồng Bến 2,5 ha; Khu dân cư, tái định cư Yên Trạch 2,34 ha; Khu đất có chức năng đất TMHH trong MBQH khu tái định cư Xuân Phương 3 (khu 2) với diện tích đấu giá 1,8 ha.

Tại huyện Đông Sơn có dự án Khu dân cư Dọc đường trung tâm huyện (giáp khu công nghiệp) ở thị trấn Rừng Thông có diện tích đấu giá 1ha; Dự án Khu dân cư mới Đồng Nam xã Đông Anh (MB650), diện tích 1,07 ha; Điểm dân cư nông thôn thôn 4 xã Đông Anh, phía sau cây xăng Minh Hương (MBQH 2623) diện tích đấu giá 3,08 ha; Điểm dân cư xã Đông Thịnh cạnh đường nối tỉnh lộ 517 đi bệnh viện Đông Sơn (4,79 ha); Điểm dân cư nông thôn Phú Bình (3,87 ha)…

Tại huyện Quảng Xương, có dự án Khu dân cư mới Tân Đoài, Thị trấn Tân Phong ( diện tích đấu giá 3ha); Khu tái định cư đường Thanh Niên (2 ha); Khu dân cư Câu Đồng (2,32 ha)…

Theo dự kiến tổng số tiền sử dụng đất dự kiến thu về khoảng 2.343,546 tỷ đồng. Số tiền sử dụng đất thu được sau khi trừ chi phí giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật 1.611,787 tỷ đồng.

Cũng theo quyết định này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra khỏi danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất 1 dự án, diện tích thực hiện đấu giá: 2,73 ha tại Phường Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa với lý do để bố trí tái định cư.

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh khẩn trương tổ chức thực hiện các công việc tiếp theo để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất các dự án theo quy định của pháp luật; Rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và các nội dung khác có liên quan đối với từng dự án, phải đảm bảo các quy định của pháp luật hiện hành mới được tổ chức đấu giá.

Đặc biệt quyết định yêu cầu việc lựa chọn các đơn vị tổ chức đấu giá phải có kinh nghiệm, năng lực tốt và việc tổ chức thực hiện đấu giá phải đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa được yêu cầu khi xây dựng giá đất, thẩm định, xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất phải sát với giá thị trường để tổ chức đấu giá đạt hiệu quả cao, mang lại nguồn thu cao nhất cho ngân sách nhà nước; thực hiện quy trình, thủ tục thực hiện đấu giá phải đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen xây không phép các công trình hơn 30.000m2

Sau khi các cơ quan phản ánh những sai phạm liên quan đến dự án Khu du lịch Tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen (tại thị trấn Đạ M'ri), UBND huyện Đạ Huoai đã kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo tạm dừng các hoạt động trên dự án này để xử lý, giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể, tại khu vực 1 của dự án Khu du lịch Tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen (do Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư Hoa Sen làm chủ đầu tư) dù chưa lập quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng nơi đây đã thực hiện xây dựng 22 công trình (với 64 hạng mục) nhưng chưa có giấy phép xây dựng với diện tích 16.896 m2.

Tại khu vực 2 của dự án, chủ đầu tư cũng chưa lập quy hoạch 1/2.000, chưa lập quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng đã thực hiện xây dựng 11 công trình (với 41 hạng mục) xây dựng chưa có giấy phép xây dựng với diện tích 14.888 m2.

Hàng chục công trình đã được xây dựng tại dự án nhưng chưa có giấy phép xây dựng. Ảnh: Sài Gòn giải phóng.
Hàng chục công trình đã được xây dựng tại dự án nhưng chưa có giấy phép xây dựng. Ảnh: Sài Gòn giải phóng.

Các công trình xây dựng trái phép tại 2 khu vực trên chủ yếu được dựng khung cột gỗ, cột sắt, tường xây gạch, nền lát gạch men, mái lợp ngói.

Ngoài ra, trong dự án hiện có 3 khối công trình không phép với tổng diện tích 682m2 nằm trong một phần thửa đất số 200, tờ bản đồ số 12, thị trấn Đạ M’ri do bà Nguyễn Thị Tương là chủ sử dụng đất. Thời gian qua, bà Tương liên tục yêu cầu phía dự án du lịch tháo dỡ công trình, hoàn trả nguyên trạng nhưng không được chấp thuận.

Theo UBND huyện Đạ Huoai, ngoài sai phạm về trật tự xây dựng, dự án đang chậm tiến độ trên 50 tháng so với giấy chứng nhận đầu tư. Để xảy ra tình trạng trên, huyện Đạ Huoai cho rằng công tác kiểm tra chưa được duy trì thường xuyên; công tác phối hợp của địa phương và các ngành của tỉnh giải quyết, xử lý các vấn đề vướng mắc chưa kịp thời và triệt để.

Về trách nhiệm, lãnh đạo UBND huyện Đạ Huoai nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, đồng thời sẽ chỉ đạo tổ chức kiểm điểm đối với UBND thị trấn Đạ M’ri và các ngành của huyện.

Được biết, dự án Khu du lịch Tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen có diện tích hơn 567ha với mục tiêu trồng rừng, xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất kết hợp kinh doanh du lịch sinh thái.

Cây đa đình Chèm bị chặt hạ: Ban Khánh tiết "nhận khuyết điểm"

Chiều 25/3, Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tiến hành kiểm tra việc tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm.

Trước đó, việc tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm đã gây xôn xao dư luận, nhất là việc chặt hạ cây đa phía trước nghi môn, việc phá dỡ bậc thềm, đá lát... được nhiều phương tiện báo chí đăng tải. Nhiều người lo ngại những hành động này làm mất đi giá trị di tích trong quá trình tu bổ.

Đoàn công tác tập trung vào việc kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về di sản văn hóa; kịp thời phát hiện và xử lý hoặc trình người có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa tại di tích Đình Chèm. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm pháp luật về di sản văn hóa của các tổ chức, cá nhân liên quan thì Đoàn kiểm tra có trách nhiệm lập biên bản để xử lý hoặc trình người có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định.

Một trong những vấn đề dư luận quan tâm nhất là việc chặt hạ cây đa, Theo đại diện lãnh đạo UBND quận Bắc Từ Liêm, cây đa này mới được trồng khoảng năm 1998 để lấy bóng mát, thuộc loại đa đỏ (đa Ấn Độ). Đây không phải cây cổ thụ hay cây di sản, không có trong hồ sơ xếp hạng di tích, đồng thời không phù hợp cây đô thị.

Năm 2021, trong mùa mưa bão cây đa này đã gãy 1/3 về phía 4 cột đồng trụ và làm gãy một phần của một trong 4 cột đồng trụ; cây đa có hiện tượng nghiêng 25° về phía nghi môn nội (tàu tượng) và nghi môn ngoại (cột đồng trụ) của Đình Chèm.

Bên cạnh đó, rễ của cây đa hiện đã ăn sâu vào nền gạch nghi môn ngoại và chân cột đồng trụ gây bong tróc, nghiêng nứt sản và cột đồng trụ. Đồng thời, chặn một phần cống thoát nước của đình ra phía sông Hồng gây ngập ủng trong nội tự hằng năm.

Qua cuộc họp, Ban khánh tiết Đình Chèm có đề nghị chặt hạ, UBND quận Bắc Từ Liêm đã tiếp nhận thông tin và đề nghị UBND phường Thụy Phương có báo cáo đánh giá, đồng thời thực hiện quy trình xin ý kiến sở Văn hóa Thể thao.

Ban Khánh tiết đình Chèm nhận khuyết điểm vì chặt hạ cây đa chưa đúng quy định
Ban Khánh tiết đình Chèm nhận khuyết điểm vì chặt hạ cây đa chưa đúng quy định. Ảnh: Pháp luật Việt Nam

Tuy nhiên, do lo ngại mùa mưa bão tới gần, Ban khánh tiết Đình Chèm cùng với các cụ cao niên, bô lão đã họp và thống nhất chặt hạ cây đa với ý thức để trả lại hiện trạng ban đầu với không gian kiến trúc cổ kính của ngôi đình Chèm; đồng thời, bảo đảm an toàn cho nhân dân và di tích.

Một lãnh đạo UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, sau khi nắm được thông tin đã chỉ đạo UBND phường Thụy Phương cùng Phòng VH&TT và các đơn vị liên quan đã tiến hành kiểm tra, xác nhận.

Sau khi kiểm tra, các đơn vị đánh giá hành động chặt hạ cây đa của Ban Khánh tiết đình Chèm là không đúng quy định, việc làm này chưa được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền.

Ban Khánh tiết đình Chèm đã nhận khuyết điểm và xin rút kinh nghiệm. Ngoài ra, Ban Khánh tiết cũng đề xuất trong 10 năm tới sẽ trồng bổ sung các cây phù hợp với di tích (không trồng các loại cây ngoại lai).

Về phía quận Bắc Từ Liêm, UBND quận đã giao Phòng Văn hóa-Thông tin, UBND phường Thụy Phương và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát, đánh giá toàn bộ sự việc liên quan việc chặt hạ cây đa, rà soát toàn bộ sự việc, lập hồ sơ kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan nếu có sai phạm.

Được biết, các hạng mục chỉnh trang, tu sửa Đình Chèm bao gồm: chỉnh trang lại toàn bộ hệ thống tường rào, cây xanh chung quanh đình, chỉnh sửa lại ngói, hạ cốt sân trước và sân sau đình, bảo đảm trả lại nguyên vẹn Đình Chèm trước kia...

Dự kiến việc tu bổ hoàn thành vào tháng 4/2022. Việc tu bổ di tích đã thông qua Sở Văn hóa và Thể Thao Hà Nội cũng như Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch. Tuy nhiên, quá trình tu bổ đúng với những thỏa thuận của cơ quan chức năng hay không, Đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang tiếp tục làm rõ.

Đình Chèm là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Đình thờ Lý Ông Trọng (Lý Thân hay Đức Thánh Chèm), một nhân vật huyền thoại thời An Dương Vương. Đình Chèm là một trong những ngôi đình được coi là cổ nhất nước ta. Đình Chèm đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2018.

Bình Thuận: Phân khu The Sea – Thanh Long Bay giá từ 8,5 tỷ đồng

The Sea có vị trí nằm tại mặt tiền đường ĐT.719B, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Dự án sở hữu vị thế nằm ngay mũi Kê Gà, ôm trọn đường bờ biển dài 1.7 km của Hàm Thuận Nam.

Phân khu The sea có tổng diện tích 39.548 m2 với mật độ xây dựng 35%, thuộc dự án Thanh Long Bay 90,3 ha. Sản phẩm của phân khu The Sea cung cấp ra thị trường 133 căn nhà phố thương mại với 2 mặt tiền, bao gồm 7 khu từ D1 – D3 và E1 – E4.

Các căn điển hình có diện tích từ diện tích từ 108 m2, diện tích sàn xây dựng là 392 m2. Với diện tích sàn tầng trệt là 78 m2, tầng 1 là 86 m2, tầng 2 là 97 m2, tầng thượng và mái tum là 131 m2.

Các căn góc có diện tích từ 154 m2, diện tích sàn xây dựng là 499 m2. Với diện tích sàn tầng trệt là 92 m2, tầng 1 là 107 m2, tầng 2 là 134 m2, tầng thượng và mái tum là 166 m2.

Phối cảnh khu căn hộ tại
Phối cảnh khu căn hộ tại Phân khu The Sea – Thanh Long Bay Bình Thuận.

The Sea sở hữu những tiện ích nội khu như: dãy shophouse thương mại, khu vui chơi đa năng, khu công viên với 2 loại vườn chìm và vườn nổi, khu thư giãn đọc sách, khu trưng bày Artwwork.

Chủ đầu tư Phân khu The Sea là Công ty Cổ phần Trung Sơn Bắc, Tập đoàn Nam Group là đơn vị phát triển dự án.

Sáng ngày 19/3, đơn vị phát triển dự án Tập đoàn Nam Group cùng Công ty CP Megabuild đã chính thức khởi công xây dựng Phân khu The Sea thuộc Khu đô thị Thanh Long Bay, với sự đồng hành của Công ty Tư vấn giám sát FQM.

Sản phẩm thuộc Phân khu The Sea có mức giá tham khảo khoảng 8,5 tỷ đồng với căn tiêu chuẩn, 9 tỷ đồng với căn góc nhỏ và 12 tỷ đồng với căn góc lớn.