Chưa rõ 2 doanh nghiệp còn lại trúng đấu giá đất Thủ Thiêm có bỏ cọc hay không

"Đây là chuyện lớn và khó, vẫn chưa giải quyết xong. Hiện nay, mới có 2 đơn vị trúng đấu giá đã nói rõ việc bỏ cọc. Hai đơn vị còn lại chưa rõ phương án cụ thể bỏ cọc hay nộp tiền đúng thời hạn. Vì hai doanh nghiệp này vẫn đang trong thời hạn 90 ngày để báo cáo theo quy định, thành phố vẫn đang theo dõi, đánh giá để có phương án", Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị cán bộ thành phố sáng 14/3.

Được biết, Chủ tịch UBND TP HCM đã chỉ đạo Sở Tư pháp và Sở TN-MT tiếp tục rà soát, đánh giá để tham mưu UBND TP về việc đấu giá 4 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Người đứng đầu chính quyền thành phố khẳng định, đến nay, thành phố vẫn tiếp tục thực hiện các hợp đồng trúng đấu giá. Đồng thời, thành phố cũng theo dõi sát quá trình thực hiện hợp đồng của các doanh nghiệp và chắc chắn sẽ có phương án giải quyết vấn đề.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã ký văn bản báo cáo Thủ tướng về kết quả rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất sau vụ việc ồn ào đấu giá đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa qua.

F0 khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách

Vị trí 4 lô đất được đưa ra đấu giá ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tình huống này đã được nhiều chuyên gia bất động sản dự đoán bởi mức trúng đấu giá không tưởng tại Thủ Thiêm. Cụ thể, lô đất 3-5, diện tích 6.446,1m2, được bán đấu giá thành công với giá 3.820 tỷ đồng, gấp 6,6 lần giá khởi điểm; lô đất 3-8 rộng 8.500m2, qua 67 lượt trả giá đã đấu thắng với mức 4.000 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với giá khởi điểm; lô đất 3-9 diện tích 5.009,1m2 có giá trúng 5.026 tỷ đồng, gấp 6,9 lần giá khởi điểm; lô đất 3-12 rộng 10.059m2 có giá trúng 24.500 tỷ đồng.

Sau đấu giá, 2 doanh nghiệp trúng lô đất 3-12 và 3-9 đã xin bỏ cọc, riêng hai doanh nghiệp còn lại vẫn chưa nộp tiền theo mốc ngày 6/2 của cơ quan thuế TP HCM.

Hà Nội lập Tổ công tác nghiên cứu các quy định cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư

Theo Quyết định số 907/QĐ - UBND của UBND thành phố Hà Nội, Tổ công tác này của Thành phố có 25 thành viên gồm: Chủ tịch UBND các quận, huyện và các Giám đốc nhiều Sở, ngành. Tổ công tác do ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội làm Tổ trưởng.

Nhiệm vụ, nội dung, kết quả hoạt động của Tổ công tác là nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư, cơ chế chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của Thành phố về cải tạo, xây dựng nhà chung cư theo quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan.

Cơ quan thường trực Tổ Công tác là Sở Xây dựng, chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng các quy định của Thành phố về cải tạo, xây dựng nhà chung cư, gửi Tổ công tác để xem xét, đánh giá, hoàn thiện trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy trình, quy định.

F0 khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách

Hà Nội lập Tổ công tác nghiên cứu các quy định cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Tổ công tác được sử dụng con dấu của Sở Xây dựng để phục vụ công tác; kinh phí hoạt động do ngân sách Thành phố đảm bảo theo quy định. Tổ công tác tự giải thể sau khi quy định về tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư, cơ chế chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của Thành phố về cải tạo, xây dựng nhà chung cư được cấp có thẩm quyền ban hành.

UBND thành phố yêu cầu Tổ trưởng Tổ công tác thực hiện việc điều hành Tổ công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên Tổ công tác, ký các văn bản liên quan đến hoạt động của Tổ công tác.

Tổ phó Thường trực hoặc Tổ phó theo ủy quyền thay mặt Tổ trưởng Tổ công tác khi vắng mặt, thực hiện việc điều hành Tổ công tác; thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Tổ trưởng và chịu trách nhiệm về kết quả công việc theo sự phân công.

Các thành viên của Tổ công tác tham mưu, đôn đốc triển khai các công việc của Tổ công tác thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý của cơ quan do mình phụ trách.

Việc thành lập Tổ công tác này nhằm đáp ứng mong mỏi của nhiều hộ gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội khi đang phải sống dưới những căn chung cư xuống cấp trầm trọng. Trong khi đó, nhiều vấn đề liên quan đến các quy định về cải tạo, xây dựng nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội còn nhiều vướng mắc, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Siết chặt việc bán, cho thuê nhà ở xã hội tại Đà Nẵng

Sở Xây dựng Đà Nẵng vừa có Công văn 1381/SXD-QLN gửi UBND các quận, huyện; Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng; các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn TP yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính về quản lý, sử dụng nhà ở xã hội.

Theo đó, thực hiện Công văn 423/BXD-QLN ngày 15/2/2022 của Bộ Xây dựng và Công văn 938/UBND-ĐTĐT ngày 22/2/2022 của UBND TP Đà Nẵng, Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị UBND các quận, huyện kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà ở xã hội. Cụ thể, những hành vi vi phạm liên quan đến việc bán lại, cho thuê lại, cho mượn nhà trong thời gian thuê, sử dụng không đúng mục đích, tự ý thay đổi thiết kế căn hộ ... theo quy định tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ.

Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, sử dụng nhà ở xã hội của các đối tượng đã được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Đà Nẵng tại Công văn 1261-CV/TU ngày 19/11/2021 và của UBND TP Đà Nẵng tại Công văn số 7960/UBND-ĐTĐT ngày 26/11/2011.

Cùng với đó, Sở Xây dựng Đà Nẵng yêu cầu Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, sử dụng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP (ban hành theo Quyết định 3/2019/QĐ-UBND ngày 14/2/2019 của UBND TP Đà Nẵng) và nội dung chỉ đạo của Sở Xây dựng tại Công văn 178/SXD-QLN ngày 11/1/2021; kịp thời phát hiện, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP.

Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thực hiện việc tiếp nhận, kiểm tra, xét duyệt hồ sơ đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội của dự án theo đúng quy định của Luật Nhà ở, Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015, Nghị định 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ, Thông tư 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và hướng dẫn của Sở Xây dựng tại Công văn 5638/SXD-QLN ngày 23/7/2021.

Các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn TP Đà Nẵng được yêu cầu ban hành và công bố công khai giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội của dự án trên nguyên tắc không được cao hơn giá đã được Sở Xây dựng thẩm định theo quy định.

Thanh tra Chính phủ chuyển đơn vụ lấp hồ tự nhiên ở Long Biên đến TP Hà Nội

Tại văn bản số 439/BTCDTW-XLĐ do ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Ban tiếp Công dân Trung ương ký ngày 11/3/2022 nêu rõ: Thanh tra Chính phủ nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Lan (địa chỉ số nhà 81, ngõ 252, tổ 11, đường Ngọc Thụy, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) cùng các công dân tổ 11, 12 phường Ngọc Thụy (có danh sách công dân gửi kèm theo đơn).

Đơn có nội dung: Kiến nghị, phản ánh liên quan đến việc san lấp hồ Bà Đồ có diện tích 12.000m2 thuộc hệ thống hồ tự nhiên tại khu vực tổ 11 và tổ 12 phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội để bản đất phân lô.

F0 khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách

Đầu năm 2022, 2 hồ nước Xuân Quế và Xuân Thủy này được đưa vào quy hoạch để san lấp, chuyển đổi thành đất ở. Ảnh: Anninhthudo.vn

Văn bản cũng nêu rõ, sau khi xem xét nội dung đơn, căn cứ theo quy định của pháp luật, Thanh tra Chính phủ chuyển đơn của bà Nguyễn Thị Lan và các công dân đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội để xem xét, giải quyết, trả lời công dân theo quy định pháp luật. Đề nghị thông báo kết quả đến Thanh tra Chính phủ.

Trước đó, nhiều báo chí đã phản ánh vụ việc gần 100 hộ dân thuộc tổ 11, 12 (phường Ngọc Thụy) gửi đơn kêu cứu, phản đối và tha thiết xin giữ lại hai hồ tự nhiên Xuân Quế và Sơn Thủy đã hình thành từ nhiều năm trên địa bàn, sắp bị san lấp lấy mặt bằng để phân lô bán nền.

Theo các hộ dân tại đây, việc đánh đổi hồ nước, công viên, cây xanh để lấy mặt bằng làm khu đô thị, dự án thương mại hay việc lấp hồ tự nhiên cũ làm hồ mới đang khiến người dân cảm thấy bức xúc và lãng phí.

TP Tuy Hòa: Khu dân cư Regal Maison Phú Yên giá từ 37 triệu đồng/m2

Khu dân cư Regal Maison Phú Yên tọa lạc ở mặt tiền đại lộ Hùng Vương thuộc phường 9 và xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Với phía Đông giáp đường Nguyễn Văn Huyên, bãi tắm Tuy Hòa, phía Tây giáp mặt tiền đường Hùng Vương, phía Nam giáp đường An Dương Vương và phía Bắc giáp đường Trần Nhân Tông.

Khu dân cư Regal Maison Phú Yên được xây dựng trên quỹ đất có tổng diện tích 4,1ha, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng.

Dự án cung cấp ra thị trường Phú Yên khoảng 55 căn shophouse có diện tích 7m x 22m, quy cách xây dựng 5 tầng. Giá khu dân cư Regal Maison Phú Yên được tham khảo trên thị trường dự án dao động ở mức 37 triệu/m2.

Bản tin bất động sản 15/3: Chưa rõ phương án cụ thể của 2 doanh nghiệp còn lại trúng đấu giá đất Thủ Thiêm
Phối cảnh Khu dân cư Regal Maison Phú Yên.

Tiện ích nội khu của dự án gồm: hệ thống nhà hàng, khách sạn, công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí, khuôn viên thể thao, cửa hàng tiện ích, đài phun nước, quảng trường Nghinh Phong, hệ thống an ninh 24/7,…

Từ dự án khu dân cư Regal Maison Phú Yên đến Trường Cao đẳng Công thương miền Trung khoảng 5,6km; cách Bệnh viện Đa khoa Phú Yên 1,5km; cách UBND phường 9 khoảng 2,4km; cách Co.opmart Tuy Hòa 5,6km; cách bến xe Tuy Hòa 6,9km; đến ga Tuy Hòa, trường THPT Nguyễn Trãi 5,2km; cách sân bay Tuy Hòa khoảng 14km;…

Dự án gồm có đơn vị phân phối là Công ty Cổ phần Đất Xanh Miền Trung, đơn vị phát triển là Regal Homes và đơn vị vận hành và khai thác là Smart Property.