Tính đến ngày 5/5, Quảng Nam còn 35 dự án khu dân cư, khu đô thị nợ hơn 2.080 tỷ đồng. Trong đó, hơn 2.011 tỷ đồng là tiền sử dụng đất, 68,8 tỷ đồng tiền thuê đất một lần và hơn 224 tỷ đồng tiền chậm nộp.
Báo cáo tại cuộc họp ngày 7/5, Chi cục Thuế khu vực XII cho biết tính đến ngày 5/5, toàn tỉnh Quảng Nam còn 35 dự án khu dân cư (KDC), khu đô thị (KĐT) nợ hơn 2.080 tỷ đồng tiền sử dụng đất, thuê đất một lần và chậm nộp. Trong đó, tiền sử dụng đất 2.011,8 tỷ đồng; tiền thuê đất một lần 68,8 tỷ đồng; nợ tiền chậm nộp 224,25 tỷ đồng.
Đáng nói, có nhiều khoản nợ đã quá hạn nộp khá lâu, kéo dài nhiều năm. Trong đó có 12 dự án nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất số tiền lớn.
Nhiều dự án nợ kéo dài từ năm 2021 đến nay như dự án KĐT phức hợp Hà My nợ gần 80 tỷ đồng, tiền chậm nộp phát sinh thêm gần 25 tỷ đồng; KDC đô thị Điện Minh (Công ty Cổ phần Xây dựng công trình Minh Sơn) nợ hơn 240 tỷ đồng; KĐT Phú Thịnh (Công ty TNHH MTV Dịch vụ và tổng hợp Phước Nguyên) nợ gần 280 tỷ đồng.
Dự án KĐT Đất Quảng Riverside - đợt 5 (chủ đầu tư Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Đất Quảng), số tiền sử dụng đất còn nợ 54,4 tỷ đồng, tiền thuê đất còn nợ 1,6 tỷ đồng; dự án KĐT Ngọc Dương Riverside (chủ đầu tư Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Đất Quảng - Quảng Nam), số tiền sử dụng đất còn nợ 51,25 tỷ đồng; dự án Khu phố chợ Đông Phú (chủ đầu tư Công ty CP Xây dựng và thương mại 591), số tiền sử dụng đất còn nợ 75,9 tỷ đồng, tiền thuê đất còn nợ 4,2 tỷ đồng; dự án KĐT Ngọc Dương Coco - đợt 2 (chủ đầu tư Công ty CP Đầu tư và xây dựng Điện Bàn), số tiền sử dụng đất còn nợ 45,59 tỷ đồng.
Liên quan về tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhiều doanh nghiệp đã ứng trước kinh phí với tổng số tiền hơn 501 tỷ đồng. Tuy nhiên, các cơ quan tài chính, UBND cấp huyện chưa quyết toán để doanh nghiệp thực hiện ghi thu - ghi chi vào ngân sách Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp đã nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách Nhà nước, số tiền còn nợ doanh nghiệp chưa nộp là do tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng doanh nghiệp đã ứng trước nhưng chưa được quyết toán…
Đối với quản lý nợ tiền thuê đất hàng năm, nhiều doanh nghiệp nợ số tiền lớn như Công ty CP Đầu tư và Khởi nghiệp Việt Nam nợ 11,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Sao nợ 8,5 tỷ đồng; Công ty CP MB Land Tonkin nợ 2,1 tỷ đồng; Công ty CP Pari Nhỏ Hội An nợ 4,7 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư và xây dựng Thiên An Khương nợ 1,69 tỷ đồng… Chi cục Thuế đã áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế nợ thuế với các doanh nghiệp này, tuy nhiên vẫn không thu được tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước.
Theo Chi cục Thuế khu vực XII, doanh nghiệp hiện phải chịu áp lực tài chính rất lớn khi cùng lúc ứng tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng và chi tiền thi công hạ tầng kỹ thuật. Các tổ chức tín dụng ngày càng thắt chặt điều kiện vay vốn, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản do lo ngại rủi ro cao, điều này làm giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn vay của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước. Chưa kể, thị trường bất động sản hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, việc khai thác quỹ đất không hiệu quả, gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp trong việc huy động vốn.
Chi cục Thuế kiến nghị các doanh nghiệp phải có văn bản cam kết nộp đủ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất còn nợ; đồng thời gửi Văn phòng UBND tỉnh để biết, theo dõi trong thời hạn 2 ngày kể từ khi kết thúc hội nghị làm việc với doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất còn nợ vào ngân sách Nhà nước trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cam kết.
Quá thời hạn trên mà doanh nghiệp không thực hiện cam kết thì cơ quan thuế sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người nộp thuế theo quy định của pháp luật; quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày cam kết. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện cam kết, cơ quan thuế đề xuất UBND tỉnh thu hồi dự án, áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
URL: https://thitruongbiz.vn/35-du-an-tai-quang-nam-no-tien-su-dung-thue-dat-d28516.html
© thitruongbiz.vn