1. Gạo

06 Loại nông sản Việt Nam xuất khẩu xếp top trên thế giới
Việt Nam giữ vững vị trí thứ hai trong danh sách các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Theo USDA, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí thứ hai trong danh sách các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới năm 2021, sau Ấn Độ. Là một trong những nước phát triển từ nền văn minh lúa nước, gạo vừa là nguồn lương thực chính vừa là mặt hàng xuất khẩu chiến lược. Do đó, Việt Nam cũng là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng gạo toàn cầu. Hiện nay, hạt gạo Việt có mặt trên hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng khối lượng và kinh ngạch xuất khẩu gạo Việt trong 11 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 5.7 triệu tấn với 3 tỷ USD. Riêng tháng 11/2021, giá gạo xuất khẩu rơi vào khoảng 527.28 USD/tấn, tăng 7%; trong khi đó giá gạo trong nước vẫn giữ mức ổn định.

Cục An toàn thực phẩm (VFA) cũng dự báo sản lượng xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn tiếp tục đạt trên 6 triệu tấn vào năm 2022. Theo nhiều doanh nghiệp, thời điểm cuối năm và cận Tết nguyên đán là khoảng thời gian thấp điểm, hoạt động xuất khẩu có xu hướng chậm lại. Dù các doanh nghiệp đã chủ động hơn đối với các đơn hàng xuất khẩu đến quý I/2022, giá tàu biển vẫn rất cao, ảnh hưởng nhiều việc vận chuyển và nguồn hàng cung ứng.

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dù chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố do xung đột Nga - Ukraine, nguy cơ lạm phát từ giá nguyên liệu sản xuất leo thang trên thế giới nhưng xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đạt được một số kết quả tích cực. Gạo là một trong 28 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong 6 tháng năm 2022. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam với lợi thế ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do đang tận dụng thời điểm thị trường gạo thế giới đẩy mạnh việc mua hàng.

Hiện, tỷ lệ xuất khẩu gạo trắng ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4%. Việt Nam tiếp tục xuất khẩu gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng tuy với tỷ trọng nhỏ nhưng đã làm đa dạng chủng loại gạo xuất khẩu và khẳng định được giá trị mặt hàng gạo xuất khẩu.

Bên cạnh việc duy trì đơn hàng sang các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi gạo chất lượng cao như Mỹ và các nước trong khối EU (Đức, Thụy Điển, Bỉ, Ba Lan…). Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, gạo là mặt hàng tăng trưởng rõ rệt nhất trong mấy năm gần đây vào Bắc Âu. Kể từ khi Hiệp định Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, lượng nhập khẩu gạo của Thuỵ Điển từ Việt Nam đã tăng lên đáng kể.

2. Cà phê

06 Loại nông sản Việt Nam xuất khẩu xếp top trên thế giới
Cà phê Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu, chỉ sau Brazil.

Giống như gạo, cà phê Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu, chỉ sau Brazil. Cà phê cũng là 1 trong 6 mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD/năm, sánh vai cùng với các mặt hàng giá trị cao như gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, hạt điều, gạo, rau quả, cao su... là những mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu thuộc "tốp đầu" của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Trong năm 2021 vừa qua, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn mang về trên 3 tỷ USD, đóng góp vào tăng trưởng chung của xuất khẩu hàng hóa Việt Nam. Cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu, nhưng chủ yếu xuất thô.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.248 USD/tấn, giảm 2,5% so với tháng 2/2022, nhưng tăng 22,2% so với tháng 3/2021. Tính chung cả quý I, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.230 USD/tấn, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 58.700 tấn, kim ngạch 1,3 tỷ USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 60,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Với con số 1,3 tỷ USD, quý I/2022 đã xác lập giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê tính theo quý cao nhất từ trước đến nay.

3. Cao su

06 Loại nông sản Việt Nam xuất khẩu xếp top trên thế giới
Cao su của Việt Nam đứng vị trí thứ ba toàn cầu về trị giá xuất khẩu.

Năm 2021 vừa qua, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu cao su của Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Với vị trí thứ ba toàn cầu về trị giá xuất khẩu, cao su Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu cao su của Việt Nam tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đức, Hoa Kỳ... Trong đó, xuất khẩu cao su sang Hoa Kỳ có xu hướng tăng mạnh.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 39,05 nghìn tấn, trị giá 65,85 triệu USD, tăng 63,7% về lượng và tăng 98,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.686 USD/tấn, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 11 tháng năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 11 cho Hoa Kỳ với 39,09 nghìn tấn, trị giá 68,83 triệu USD, tăng 82,7% về lượng và tăng 122,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hoa Kỳ chiếm 2,2%, tăng nhẹ so với mức 1,5% của 11 tháng năm 2020. Qua số liệu cho thấy, thị phần cao su của Việt Nam tại Hoa Kỳ đã dần được cải thiện, nhưng mới chỉ chiếm thị phần thấp, do đó cao su của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Kinh tế Hoa Kỳ đang dần hồi phục sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu cao su của Hoa Kỳ được dự báo sẽ tiếp tục tăng cho tới năm 2023, nhờ nhu cầu của các sản phẩm từ cao su tăng. Dự báo xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ tiếp tục khả quan trong năm 2022. Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cũng đưa ra dự báo, trong giai đoạn 2022-2024, cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung đang giảm dần, vì thế xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2022 có thể vượt mốc 3,5 tỷ USD.

4. Điều

06 Loại nông sản Việt Nam xuất khẩu xếp top trên thế giới
Trong suốt nhiều năm qua, Việt Nam liên tục giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều.

Trong suốt nhiều năm qua, Việt Nam liên tục giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều.

Trong 30 năm qua, từ một quốc gia xuất khẩu điều thô với số lượng ít ỏi, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nhân điều hàng đầu trên thế giới.

Theo thống kê của Hiệp hội Điều Việt Nam - Vinacas, nếu như năm 1990, Việt Nam mới bắt đầu xuất khẩu nhân điều với khối lượng 286 tấn, đạt giá trị 1,4 triệu USD thì đến năm 1995, lượng nhân điều xuất khẩu đã đạt 15.000 tấn, trị giá 90 triệu USD. Năm 1996, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu nhân điều đạt mốc 110 triệu USD. Năm 2004, lần đầu tiên lượng nhân điều xuất khẩu đạt hơn 105 nghìn tấn tương đương với trị giá xuất khẩu là 436 triệu USD. Đến năm 2006, lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Ấn Độ vươn lên đứng vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều khi đạt gần 127 nghìn tấn, trị giá 504 triệu USD.

Trong 15 năm liền, từ 2006-2020, kể cả trong những thời điểm đầy khó khăn, ngành điều Việt Nam vẫn luôn giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều và hoàn toàn làm chủ công nghệ và thiết bị chế biến.

Từ năm 2017 đến nay, Việt Nam trở thành trung tâm chế biến và xuất nhập khẩu điều số 1 thế giới, chiếm hơn 50% lượng điều thô chế biến. Năm 2020, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, nhưng xuất khẩu hạt điều vẫn đạt gần 515 nghìn tấn, trị giá 3,21 tỷ USD, tăng 13% về lượng, nhưng giảm 2,3% về trị giá so với năm 2019.

Năm 2021 vừa qua, ngành điều Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực kép do tình trạng thiếu nhân công diễn ra đã ảnh hưởng đến nhân lực sản xuất toàn ngành cộng với chi phí cước vận tải biển tăng cao và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển. Mặc dù vậy, ngành điều Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khả quan trong năm 2021.

5. Hồ tiêu

06 Loại nông sản Việt Nam xuất khẩu xếp top trên thế giới

Giữ vững vị trí là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu thế giới, hồ tiêu Việt Nam với chất lượng bảo đảm, đáp ứng được yêu cầu của phía đối tác, ngày càng khẳng định được vị trí trên bản đồ thế giới.

Trong số các loại gia vị của Việt Nam, hồ tiêu đã rất nổi tiếng trên thị trường thế giới và chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao. Việt Nam hiện vươn lên là nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới với 40% sản lượng, xuất khẩu sang 110 quốc gia. Năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu nhưng xuất khẩu hồ tiêu vẫn ổn định, sản lượng đạt 285.000 tấn, giá tăng dần.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt 3.321 USD/tấn, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm 2020. Giá hạt tiêu xuất khẩu tăng mạnh đã đóng góp rất lớn vào mức tăng chung của toàn ngành hạt tiêu Việt Nam.

6. Chè

06 Loại nông sản Việt Nam xuất khẩu xếp top trên thế giới
Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, đứng thứ 7 về sản xuất chè.

Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, diện tích trồng chè cả nước hiện đạt 123.000ha, năng suất bình quân đạt gần 95 tạ/ha, sản lượng đạt 1,02 triệu tấn chè búp tươi. Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, đứng thứ 7 về sản xuất chè. Sản phẩm chè của Việt Nam xuất khẩu tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường chính của chè Việt Nam là: Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia… Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 12-15% lượng chè xuất khẩu của Việt Nam.

Tại Việt Nam, cây chè đã trở thành cây công nghiệp phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động. Cây chè được phát triển chủ yếu ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc với khoảng 70% diện tích trồng chè cả nước; kế đến là vùng Tây Nguyên với khoảng 19%; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích chè chiếm 7,0% và khu vực đồng bằng Bắc bộ 4,0%. Một số địa phương có diện tích chè lớn, như: Thái Nguyên (22,3 nghìn ha), Hà Giang (21,5 nghìn ha), Phú Thọ (16,1 nghìn ha), Lâm Đồng (10,8 nghìn ha)…

Hiện nay, Việt Nam có trên 170 giống chè các loại đảm bảo chất lượng và cho năng suất cao, với các hương vị đặc biệt được thế giới ưa chuộng, như: Chè shan, PH1, LDP1, LDP2, PT14… và các giống chè nhập nội như PT95, Kim Tuyên, Bát Tiên, Tứ Quý Xuân… Trong đó, chè shan là giống chè quý, được phát triển lâu đời tại một số địa phương khu vực phía Bắc như: Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên… Với khoảng trên 24% tổng diện tích trồng chè cả nước. Chè shan bao gồm các giống: Chè shan công nghiệp, shan vùng cao và shan đầu dòng. Hiện những rừng chè shan cổ thụ với nhiều cây hàng trăm năm tuổi của Việt Nam đang cho sản phẩm có nhiều đặc tính quý và là nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất chè sạch, chè đặc sản, cũng như các sản phẩm chè chế biến có giá trị gia tăng cao.

Theo đánh giá của Hiệp hội chè Việt Nam, những năm gần đây, năng suất và sản lượng chè của Việt Nam liên tục tăng nhờ sự chuyển biến tích cực về giống, kỹ thuật canh tác và tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách đã được các cấp từ Trung ương đến địa phương ban hành nhằm phát triển sản xuất và tiêu thụ chè. Đặc biệt đã có nhiều giải pháp đồng bộ được áp dụng trong vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm trên sản phẩm chè đã cho những kết quả khả quan.